Bao năm trôi qua, nó vẫn gọi bà ấy bằng “dì”, nhưng tình cảm giữa hai người luôn có một hố sâu ngăn cách. Mặc dù “dì” chăm sóc, yêu thương nó không kém gì con ruột của mình, thậm chí để làm vui lòng chồng, bà còn chiều chuộng nó hơn con mình rứt ruột sinh ra.
Sau vài năm mẹ nó mất, người đàn bà ấy đã về “làm bạn” với cha nó. Ngày tháng trôi qua, bà tảo tần khuya sớm, rất mực yêu chồng, thương con. Thế nhưng với nó, mọi việc làm của bà chỉ là "giả nhân giả nghĩa" để hòng cướp đi người cha của nó. Cha đi công tác thường xuyên, cuộc sống của “dì” và con chồng chẳng mấy khi được cơm lành canh ngọt, ngoài những lúc có mặt cha bên cạnh; hình như chẳng mấy khi ra khỏi nhà nó chào “dì” một tiếng. “Dì” mua cho quần áo mới, nó chẳng những không thèm mặc mà còn ném đi; nấu cho nhiều đồ ăn ngon, nó không nửa lời cảm ơn lại còn nói “tôi không cần” và nhìn “dì” với ánh mắt sắc lạnh.
Người đàn bà tội nghiệp ấy quá buồn lòng và vô cùng tủi thân. Tuy vậy, hơn chục năm qua, bà chưa quát mắng nó nửa lời hay nói về tính xấu của nó với chồng. Bà cứ lầm lũi chịu đựng tất cả những thành kiến của nó để bảo vệ hạnh phúc gia đình. Giờ đây nó đã là một chàng sinh viên đại học, “dì” vẫn chăm lo cho nó kỹ lưỡng. Mới đây, nó ốm một trận thập tử nhất sinh, nằm liệt giường cả tuần. Cha nó vắng nhà, “dì” càng lo lắng cho nó đến mất ngủ, mất ăn, bà cầu mong cho nó mau qua cơn bạo bệnh. Thật may mắn là nó dần bình phục trong niềm vui khôn tả của người đàn bà nhân hậu. Hôm ấy, sau cơn hôn mê nó mở mắt, nhìn xung quanh, nó vẫn thấy “dì” ngồi kế bên. Nó chẳng mấy khi khóc nhưng lần này thì nước mắt rưng rưng. Nó nắm lấy tay người đàn bà ấy, nghẹn ngào.
Đặng Văn Sỹ