Khó ở đây là do thương và nuông con quá. Lẽ ra, tôi phải tập cho bé thói quen phụ giúp việc nhà ngay từ khi học lớp 1, lớp 2 nhưng tôi đã “bỏ qua”... Còn nhớ, ở tuổi này tôi đã giữ em, lau bàn thờ, ghế, tủ… Cứ lên một lớp, tôi thêm một việc, năm lớp 3 thêm việc xếp quần áo, năm lớp 4 thêm việc lau nhà, năm lớp 5 thêm việc rửa chén, lớp 6 thêm một lúc hai việc: nấu cơm, giặt quần áo. Do là chị lớn, biết nhiều việc và có nhiều em nên tôi phải phân chia thời gian hợp lý, làm càng nhanh càng có thời gian học bài và chơi với bạn bè. Còn hiện nay con tôi? Con trai mới học lớp 3 mà đã mệt mỏi vì bài với vở, tối đến còn phải lo làm bài tập. Nhìn con cắm cúi học, tôi không nỡ lòng nào bắt con làm việc nhà. Tôi đã lỡ mất thời gian quý giá để dạy con, khi cháu lớn lên, do vừa là con một, vừa là cháu đích tôn của ông bà nội nên cháu được cưng chiều hết mực. “Cậu ấm” chỉ cần ngồi chỉ tay năm ngón là mọi thứ như ý. Thậm chí, chén cơm cũng không tự xới mà phải ông hay bà xới nó chịu mới ăn. Mọi ưu ái trong gia đình, nó nghiễm nhiên hưởng thụ như là quy luật hết ngày rồi tới đêm.
Đến khi lớn tướng, thì “ông anh quý hóa” này có em gái - chúng chênh nhau 13 tuổi. Ngay lúc bà nội lo “chiếu tướng” công chúa, tôi tranh thủ… sửa sai “cậu ấm” cháu đích tôn. Nhờ vậy, dần dà thấy mọi người cưng em, con trai tôi cũng chứng minh tình cảm của mình. Anh ru em ngủ… rất ngọt ngào bằng giọng ổng ổng đang tuổi dậy thì. Anh bế em, chơi với em. Anh chàng học cách thay tã cho em, gọn gàng không thua gì bà và mẹ. Thế nhưng, quần áo đi học võ, đá banh, túi xách, ba lô, giày dép… của anh thì anh vẫn thản nhiên bỏ vãi, mặc cho cha mẹ vừa dọn vừa mắng. Đến giờ tôi mới hiểu, thói quen xấu đã hình thành thì khó bỏ vô cùng.
Bé gái lớn nhanh, rút kinh nghiệm “đau thương” từ ông anh lười biếng, tôi dạy cháu ngay từ khi bốn - năm tuổi. Khởi đầu chỉ là thói quen xếp gối của mình sau khi ngủ dậy. Đi làm về, tôi nhờ con gái lấy giùm cho bộ quần áo, chai nước… Bé lớn hơn một chút thì xếp chăn màn, quần áo. Tất nhiên, ngay sau khi con làm xong tôi khen tặng hết lời, bé sung sướng lắm. Bây giờ thì việc trong nhà bé làm rất gọn. Sáng dậy, bé bước ra khỏi phòng là chăn, drap, gối, nệm gọn gàng, tắt toàn bộ thiết bị điện. Bàn học cũng thế, ngay sau khi học xong thì sách vào chỗ của sách, tập vào chỗ của tập, cặp sắp xếp đủ mọi thứ để sẵn trên bàn. Tôi không ngờ những thói quen nhỏ lại tập cho cháu óc quan sát và sự quan tâm đến cha mẹ. Một hôm, tôi quá mệt nên đi ngủ sớm, dự định hôm sau mới dậy sớm rửa chén, lau nhà. Sáng hôm sau, xuống nhà bếp thấy chén bát rửa sạch bong, nhà lau dọn sạch sẽ, rác bẩn các loại đã đem ra ngoài. Cứ ngỡ là con trai ra tay, nào ngờ lại là “nàng Tấm” bé nhỏ chín tuổi của tôi. Thắc mắc, tôi hỏi con: “Mẹ chưa dạy con rửa chén mà, sao con biết rửa?”. Con bé trả lời: “Con thấy mẹ rửa xà bông, tráng lại bằng nước rồi úp nên con làm theo. Con làm kỹ lắm, hết sạch xà bông”. Tôi ôm con vào lòng “nịnh”: “Ôi! Nhà mình có nàng Tấm chăm ngoan đây rồi!”. Con hiểu ý lời ví von của mẹ tủm tỉm cười sung sướng. Bữa cơm chiều, tôi cầm chén cơm lên nói với con: “Nhà sạch thì mát, bát sạch thì ngon cơm. Cơm hôm nay ngon quá nhờ con rửa chén đấy”. Con gái cười, mắt híp lại.
Còn cậu con trai của tôi vẫn chứng nào tật nấy, biết lo cho em, nhưng rất lười, quần áo quăng lung tung, chén bát ăn xong không dọn… Dịp may đến, chúng tôi chuyển nhà. Căn nhà mới, mỗi người một phòng, nhiệm vụ phân công rõ ràng: phòng ai nấy dọn, phòng chung thì… xoay tua. Nhờ không khí mới, nên anh Hai hồ hởi làm.
Bây giờ thì đã ổn. Việc nhà cả gia đình tôi cùng làm. Ba vào bếp phụ mẹ nấu ăn, con gái lặt rau, anh Hai dọn dẹp phòng khách… Nhờ thế, tôi có thời gian đầu tư cho công việc.
Cát Tường