Đi mẫu giáo, trẻ học được nhiều điều mà nếu ở nhà chưa chắc trẻ đã biết. Tuy nhiên, giúp trẻ đi học vui vẻ, thoải mái lại là việc không hề dễ dàng đối với những ông bố, bà mẹ trẻ.
Từ khi sinh ra hầu như trẻ chỉ ở nhà với ông bà, bố mẹ và người thân, nên phải đi mẫu giáo chẳng khác nào một quá trình “cai sữa” về mặt tinh thần đối với trẻ. Vì vậy, trước khi đi mẫu giáo, bố mẹ phải dạy cho trẻ biết tự mình làm một số việc.
Khi mới đi mẫu giáo, xa rời môi trường quen thuộc, chắc chắn trẻ sẽ cảm thấy lạ lùng, sợ hãi và rất hay quấy khóc. Vì vậy, trước đó cha mẹ phải kiên trì trò chuyện, giảng giải cho trẻ bớt lo sợ. Ví dụ, nên thường xuyên nói với trẻ rằng: “Con bây giờ đã lớn nên phải đi học, ở trường rất vui, có cô giáo và rất nhiều bạn bè, có nhiều đồ chơi mà ở nhà mình không có. Con có thể học hát, học múa, học vẽ, nghe cô giáo kể chuyện…”.
Không nên dọa dẫm trẻ kiểu như: “Con mà nghịch/ quấy khóc, mẹ sẽ bắt con đi mẫu giáo…”. Nếu bố mẹ lấy việc đi mẫu giáo để dọa dẫm trẻ, thì trẻ sẽ nghĩ lớp mẫu giáo là một nơi rất đáng sợ, nên không muốn đi. Nếu có điều kiện, hãy dẫn trẻ đến thăm trường trước để trẻ trực tiếp tìm hiểu và thấy đi mẫu giáo vui hơn ở nhà.
Những ngày đầu
Trẻ sẽ khóc mếu trông rất đáng thương, bố hay mẹ nhất định phải kiềm chế tình cảm và tỏ thái độ cương quyết. Bố mẹ mủi lòng sẽ không có lợi cho bé. Chúng ta phải nhớ rằng, không dứt khoát rời đi ngay khi trao con cho cô giáo sẽ khiến con mình khóc to hơn. Thực tế cho thấy nếu bố mẹ quyết tâm thì chỉ sau khoảng 2 tuần, trẻ sẽ quen và thích ứng với cuộc sống ở lớp và hầu như không quấy khóc nữa.
Trong thời gian đầu, bố mẹ phải thường xuyên chuyện trò với trẻ, làm thế nào cho trẻ có hứng thú với môi trường của lớp. Chẳng hạn hỏi trẻ ở trường có chuyện gì vui không, có bạn mới không. Hỏi như vậy để tạo hứng thú cho trẻ. Dù không có việc gì đáng vui, cũng phải tìm những câu vui vẻ để nói với trẻ.
Trẻ khó thích nghi
Nếu con bạn đi học đã hơn 1 tháng mà vẫn không thích nghi được, từ sáng ngủ dậy hoặc tối hôm trước đã tỏ ra rất sợ đến lớp, tới cửa lớp không chịu vào, hoặc ở lớp không chịu ăn cơm, thì bố mẹ phải kịp thời trao đổi với cô giáo để tìm nguyên nhân. Rất có thể do trẻ không tự mình làm được một số việc, không gần gũi với các bạn, hay thái độ của cô giáo không được ân cần… Sau đó nên phối hợp với cô giáo, nêu ra phương án thích hợp với trẻ. Nếu cần thì cho trẻ đi mẫu giáo nửa ngày, trẻ thích ứng rồi mới cho đi cả ngày.
Các cô giáo cho biết, có nhiều cháu buổi trưa ngủ không ngon giấc, có cháu không ngủ một chút nào, thậm chí có cháu còn ngậm tay, cắn móng chân. Nguyên nhân là do sinh hoạt trong gia đình bé không có quy luật nhất định, không ngủ trưa hoặc 3-4 giờ chiều mới ngủ, khiến trẻ không quen giờ giấc nên đến trường không ngủ được. Bản thân trẻ cảm thấy khó chịu, đồng thời cũng ảnh hưởng đến giấc ngủ của các trẻ khác.
Trường hợp này bố mẹ hãy điều chỉnh thời gian của con ở nhà. Trẻ 2-3 tuổi tốt nhất 8.30 tối lên giường để có thể ngủ trước 9 giờ. Buổi sáng 6.30 nên cho trẻ dậy, thì buổi trưa trẻ sẽ dễ ngủ. Nên tập cho bé thói quen này từ trước khi đi học.
Trẻ ốm
Nhiều cháu trong thời gian đầu mới đi mẫu giáo thường dễ bị cảm, sốt, nếu nặng còn dẫn đến viêm phế quản, viêm phổi. Một số nguyên nhân là: Bé quấy khóc, cáu gắt nên bị ra mồ hôi nhiều; ở trường cả ngày uống ít nước; có nhiều cháu thích đua với các bạn nên ăn quá nhiều, thành ra khó tiêu, chỉ cần hơi bị lạnh là sốt.
Cũng có thể do bố mẹ cho trẻ mặc quá nhiều quần áo, khi trẻ hoạt động ngoài trời ra mồ hôi, gặp gió bị cảm. Những cháu còn nhỏ ở nhà trẻ không cởi bớt áo đã đắp chăn ngủ cũng dễ cảm khi ngủ dậy.
Đối với những cháu này, buổi sáng trước khi đi mẫu giáo nên cho uống một cốc nước, và dặn bé khi khát thì xin cô giáo nước uống. Tối đến nên cho trẻ uống đủ nước. Nếu ở nhà trẻ ăn nhiều, bố mẹ nên nhắc cô giáo không cho trẻ ăn quá no ở lớp. Ngoài ra, cho bé mặc quần áo ít hơn người lớn một chút, tốt nhất là để ở trường cho trẻ một chiếc áo gilê, để trẻ mặc vào và cởi ra dễ dàng, hoạt động không vướng, lại không bị lạnh.
Trẻ bị bắt nạt
Trẻ vui chơi với các bạn ở lớp nếu bị bắt nạt, bố mẹ nên mách cô giáo hay dạy trẻ cách giải quyết? Tất nhiên là biện pháp thứ hai là đúng đắn và có hiệu quả.
Nếu con của bạn muốn chơi đồ chơi của bạn, hãy khích lệ trẻ thương lượng với bạn. Bạn không đồng ý thì không nên giành giật. Ngoài ra, thấy trẻ đánh bạn, bố mẹ phải ngăn cấm hành vi này và nói cho trẻ biết, đánh bạn là không tốt. Nếu còn như vậy, bố mẹ sẽ mách cô giáo.
Sinh hoạt trong môi trường tập thể, dần dần trẻ sẽ học được cách giao tiếp với mọi người.