Sống trong một xóm có nhiều tiếng ru con, bằng nhiều thứ tiếng địa phương như thế, hẳn ai cũng nghĩ người ở đó nghe sướng tai lắm, dễ ngủ lắm hay ít ra cũng thi vị dặt dìu lắm. Nhưng không, tôi từng phải bàn với chồng chuyện cho thuê nhà mình, bù tiền mướn nơi khác ở chỉ vì... tiếng ru của các bà mẹ trẻ.
Càng ru con càng khóc
Con khóc, có cô suốt 6 tháng trời không hát được gì thêm ngoài hai tiếng “Ầu… ơ...”. Ầu ơ rồi lại ơ ầu. Ơ ầu rồi lại ầu ơ. Đã 6 tháng như thế. Có cô cứ mỗi khi muốn cho con ngủ cho nhanh, muốn cho con nín thì lại: “Một con vịt xòe ra hai cái cánh/Nó kêu rằng cáp cáp cáp cạp cạp cạp” (trời ơi, đấy đâu phải là “nhạc” ru con!).
Về âm lượng, tôi vẫn thắc mắc tại sao những đứa trẻ có thể thiếp ngủ được, có thể nín khóc được trước dòng âm thanh dội vào tai như thế. Các chị hát rất to, nhà ở cuối hẻm có thể nghe tiếng ru đầu hẻm. Đứa trẻ khóc càng to các chị ru (hay la) càng lớn, để át tiếng khóc của con. Về âm thanh thì khó tìm trong đó sự mượt mà, êm ả của giọng hát, chuyên chở cái tình mẹ ngọt ngào trời biển với đứa con. Thay vào đó là giọng hát khá lắm thì ong ỏng vô hồn, còn thì bực bội bẳn gắt, hát vài câu lại kèm theo tiếng hét: “Ngủ đi, ông nội!”, “Câm họng chưa mẹ, tui khản giọng hết hơi rồi nè”.
Quả thật, những ngày nghỉ cuối tuần ở nhà, giữa trưa nắng oi ả mà nghe tiếng con nít tứ bề thi nhau gào khóc đã khổ, mà nghe tiếng mẹ của chúng ru dỗ con, tôi lại còn thấy khổ hơn.
Ru con, ru được cả chồng
Cách đây một tuần, độ 9 giờ tối, tôi giật nảy mình như bị điện giật khi nghe một tiếng ru êm ái, thấm đẫm tình mẫu tử (nghe như tiếng mẹ tôi xưa) cất lên từ sau nhà mình: “À... ơi... Trăm năm trong cõi người ta/Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau/Trải qua một cuộc bể dâu/Những điều trông thấy mà đau đớn lòng/...”. Trời ơi, giữa chốn thế nhân ô trọc này, giữa những bà mẹ trẻ ru con như hét này, ở đâu ra một người đàn bà hát Kiều ru con? Mà giọng ấy trẻ, nhất định mẹ ru con, không phải bà ru cháu.
Từ đó, đêm nào tôi cũng được nghe hát Kiều ru con, mỗi ngày một đoạn, có khi tùy hứng, có khi đoạn này nối tiếp đoạn kia, khoảng mươi, mười lăm phút thì dừng... Đâm ra như nghiện, đêm nào cũng lóng tai chờ nghe tiếng ru. Trưa thứ bảy tuần rồi, tiếng ru êm ái đó lại cất lên. Tôi tò mò hết chịu nổi, lân la tìm đường qua làm quen.
Thì ra căn nhà sau nhà tôi đổi chủ mà tôi không biết. Người mới dọn đến là hai vợ chồng không quá trẻ. Chồng kinh doanh, vợ làm công ty nước ngoài, có chức vụ hẳn hoi. Bất ngờ là hai đứa con mà chị vẫn hát ru chúng ngủ đã lớn ầm, đứa con gái 9 tuổi, đứa con trai 6 tuổi. Chị kể, do con chị được nghe chị hát ru từ thuở mới lọt lòng nên đâm ra nghiện, không nghe giọng mẹ hát không ngủ được. Sau con lớn quá, chị lại biến giờ hát ru thành ra như giờ dạy thơ cho con. Chị chọn những bài thơ có vần có điệu hay, hát đi hát lại cho con nghe nhiều đêm, đến khi con thuộc chị lại chuyển qua bài khác, đoạn khác. Chị cũng chọn thêm những bài thơ mới từ báo, từ sách để hát ru con. Chị bảo với cách hát của mình, chị đã ru con từ Truyện Kiều đến Chinh phụ ngâm, thậm chí cả Đường thi và nhiều tác giả khác. Chị nói ngay cả bản phiên âm thơ chữ Hán, ru con nghe lại càng hay, càng nghiện. Và nhờ chục năm qua nghe mẹ hát ru này mà con chị thuộc rất nhiều thơ, toàn những bài thơ vào hàng tuyệt bút.
Con gái chị còn khoe với tôi: “Ba con cũng thích nghe mẹ con ru lắm. Bữa nào cũng nằm sắp hàng với tụi con nghe mẹ hát ru”. Chị cười xác nhận, nói anh chồng chị đã thành tật, đi đâu, bận mấy trước 9 giờ tối cũng ráng chạy kịp về nhà để nghe vợ... hát ru. Tôi nghĩ bụng đến tôi đây là hàng xóm, nghe mới chưa tròn tháng mà cũng đã nghiện, huống gì...
Theo Giadinh.net