Cắn móng tay, mút ngón tay, ngoáy mũi... là vài thói quen xấu trẻ hay mắc phải. Ngoài việc trông không đẹp, nó còn có thể khiến trẻ mắc bệnh. Dưới đây là 5 thói quen xấu phổ biến ở trẻ và cách sửa chữa.
Theo Telegraph, với những trẻ đủ lớn, hãy nhấn mạnh tác hại của thói xấu cho trẻ nghe, nhờ bác sĩ nói hộ với trẻ về những ảnh hưởng của việc cắn móng tay, mút ngón tay, nhấn mạnh rằng hành vi ngoáy mũi là không đẹp chút nào và có thể lan truyền vi trùng, có thể gây ho và cảm lạnh.
Nếu con bạn còn nhỏ, không đủ để nhận thức vấn đề, nhắc nhở nhẹ nhàng sẽ giúp bé hiểu. Các phương pháp nặng nề, như bôi ớt lên ngón tay trẻ mút, sẽ không hiệu quả. Thay vào đó hãy dùng phần thưởng và khích lệ bé.
1. Cắn móng tay
Cắn móng tay thường xảy ra khi trẻ hồi hộp hoặc buồn chán, khiến cho móng tay méo mó, mòn mẹt, và trông mất vệ sinh. Nặng hơn, nó có thể gây chảy máu và nhiễm trùng. Nếu trẻ cắn móng tay ngày càng nhiều, cha mẹ mãy tìm hiểu điều gì khiến bé căng thẳng như vậy, và giải quyết stress đó nếu có thể. Đánh lạc hướng sự chú ý của bé vào việc chơi bóng hoặc nặn đất. Việc dùng các chất đắng bôi vào móng tay cũng có thể hiệu quả, nhưng chỉ khi trẻ thực sự muốn bỏ thói quen này. Hãy thưởng cho bé một phần quả nhỏ nếu bé ngừng cắn móng được vài ngày, vài tuần.
2. Mút ngón tay
Nhấn mạnh rằng người khác sẽ nghĩ không hay về bé khi bé làm thế, đề cập đến các cảnh báo của bác sĩ và sử dụng phần thưởng, là những cách giúp bé bỏ thói quen này.
3. Ngoáy mũi
Một nghiên cứu cho thấy 91% người lớn làm điều đó, và khiến trẻ bắt chước theo. Việc ngoáy mũi có thể làm hỏng niêm mạc ở trẻ, dễ gây bệnh. Hãy khuyến khích trẻ dùng khăn mềm lau mũi và kiên trì nhắc nhở trẻ, đồng thời dùng phần thưởng khích lệ bé.
4. Xoắn và giật tóc
Xoắn tóc thường gặp ở trẻ gái, và hầu như vô hại. Song, cha mẹ không nên để trẻ duy trì thói quen đó quá lâu. Ngược lại, giật tóc thì đáng lo ngại hơn, nó có thể khiến trẻ mất cả mảng tóc. Thói quen này có thể bắt nguồn từ những nguyên nhân phức tạp hơn, và nếu trẻ cứ tiếp diễn mãi, hãy đưa bé đến gặp bác sĩ.
5. Sờ bộ phận sinh dục
Mặc dù trẻ làm thế ban đầu chỉ vì thấy thú vị, song với các bậc cha mẹ, điều này có thể khiến họ xấu hổ. Với trẻ nhỏ, hãy nhẹ nhàng nhấc tay chúng ra và nói "không". Với trẻ lớn, đừng dùng bạo lực. "Nếu trẻ muốn chạm vào bộ phận riêng trên cơ thể chúng, hãy bảo chúng chỉ có thể làm thế ở trong phòng riêng, nơi không ai nhìn thấy", tránh những bình luận có thể khiến trẻ khó chịu.
Các bậc phụ huynh cũng nên nhớ rằng trẻ học thói xấu chính là từ bắt chước cha mẹ. Vì thế, nếu thói quen của trẻ bắt nguồn từ sự lo lắng, hãy xoa dịu trẻ tốt nhất có thể. Đừng khiến trẻ bối rối, xấu hổ. Hầu hết các đứa trẻ đều có ít nhất một thói quen xấu như vậy trong đời. Nó không có nghĩa bạn là cha mẹ tồi.