Con đang thất tình
Bé Lê Na, con chị Tâm mấy hôm nay kém ăn, trong bữa cơm bố mẹ gắp cho mấy món ngon mà cháu thích, cháu cũng không muốn ăn.Cháu cứ ngậm ngậm trong mồm không buồn nuốt. Anh Thành, chồng chị cũng lo lắng cho con lắm, vặn hỏi mãi mà con không trả lời nên anh cũng sinh ra bực. Anh mắng chị Tâm không biết chăm sóc và hỏi han con.
Bé Na ậm ừ không nói gì, cô bé chỉ trả lời gọn lỏn: “Con mệt ạ!”. Chị Tâm cố kìm hãm cơn cảm xúc khó chịu bằng một giọng nói nhẹ nhàng: “Mệt sao hả con có ốm không để mẹ đi lấy thuốc và đun ít nước nóng ngâm chân cho con gái”. Nhưng đáp lại cái câu hỏi ân cần của mẹ là cạch một cái, cô bé bỏ đôi đũa nặng nề xuống bàn rồi đi lên phòng. Chị bực nhưng cũng đành chịu vì chị sợ con gái giận. Chị ngậm hòn bực trong cổ.
Đến tối khuya, chị thấy phòng con gái vẫn còn thắp đèn sáng trưng. Chị bước sang thấy con gái đang gục đầu xuống bàn khóc. Đôi vai mỏng manh của con bé run lên từng hồi, nước mắt tuôn rơi ướt đẫm trang sách. Chị Tâm bối rối hỏi con: “Sao thế Na? Có chuyện gì xảy ra với con thế?”.
Như đâm trúng vào nỗi buồn, cô bé kể rằng cô thích một anh lớp 10 ở khối cấp 3 cùng trường, hai đứa có hẹn hò đủ kiểu nhưng cuối cùng khi bé Na đã có vẻ thích thì anh chàng lại “ngãng” ra và dẫn đến là hậu quả như ngày hôm nay: cô bé thất tình.
Những tâm sự của bé Na làm chị Tâm rối bời. Chị phải biết làm sao đây với con gái? Chị có nên mắng nó hay không? Chị có cần nhờ đến chồng chị không?.
Tháo gỡ tơ lòng
Chị Tâm cũng muốn cầu cứu đến anh Thành, chồng chị lắm nhưng ở với nhau hơn chục năm trời chị biết thừa tính anh. Anh rất nóng tính nếu biết được chuyện “động trời” này chắc anh tức phát điên lên mất. Con một giảng viên đại học lại sớm có những chuyện như thế sao (đó là theo cách nghĩ của anh).
Hằng ngày chị vẫn nhẹ nhàng với con gái: đưa đón con đến trường, đi học thêm và thậm chí hai mẹ con còn đi shopping nhiều hơn, đi xem phim và ăn những món ăn của tuổi teen. Chị lắng nghe con trò chuyện nhiều hơn, đi mua sách cùng còn và chị chấp nhận xin làm việc ở nhà không lương để được gần con hơn. Cô bé cảm thấy được che chở và được chia sẻ. Thực sự, bé Na cảm thấy mẹ thật quan trọng, cô bé trở lên vui vẻ hơn.
Ngoài ra, chị Tâm còn đọc thêm sách báo về tâm lý con trẻ cộng với kinh nghiệm cá nhân. Chị kiên trì trò chuyện với con, nói cho con nghe về những chuyện trước đây của chị. Những xúc cảm đầu đời của chị và chị cũng cảm thấy rất vui khi nhắc lại những xúc cảm mong manh đó. Lâu dần chị thấy con gái không còn ưu tư, không buồn bã mà lại rất hăng say học hành, thích đi học đàn và vẽ, thích giúp mẹ và trò chuyện cùng mẹ. Hai mẹ con gần gũi và thân thiết với nhau chưa từng thấy. Chị cảm nhận được hạnh phúc từ nụ cười của con.
Theo Giadinh.net