Cuộc sống vợ chồng được xem là "ăn đời ở kiếp" với nhau, không phải chuyện một sớm, một chiều mà ta phải băn khoăn có nên tiếp tục làm "máy bay bà già” hay không.
"Máy bay bà già” tuy là một hình tượng thiếu sức sống, nhưng có nhiều yếu tố chuẩn mực của một con người chín chắn, nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống, dễ vượt qua mọi khắc nghiệt trên đường đời. Đặc biệt là trong tình yêu; kể cả tình dục, cũng biết chiều chuộng "phi công trẻ” nhiều hơn, cách đối nhân xử thế với gia đình chồng cũng có nhiều thuận lợi hơn các "máy bay phản lực" trẻ người non dạ. Tôi và bạn bè thường nói đùa: "máy bay bà già” tắt máy vẫn còn lả lướt trên không mấy vòng rồi mới... rớt, có khi còn bay lên lại được, chứ "máy bay phản lực" hiện đại chỉ cần một sai sót nhỏ là toi".
Hiện nay, nhiều thanh niên không còn đặt nặng chữ "trinh" (trên nhiều góc độ), nên số lượng "phi công trẻ” lái "máy bay bà già” cũng không ít. Vấn đề là họ có hợp, hiểu nhau, biết nhường nhịn, tôn trọng, chăm lo và thương nhau hay không. Nỗi lo sợ một ngày nào đó "máy bay bà già” đã hết hạn lưu hành mà "phi công trẻ” còn yêu nghề đã không còn là một trở ngại, vì đời người, sống cuộc sống vợ chồng với nhau được là bao? Khi còn trẻ cần hương sắc, lúc về già cần tình, cần nghĩa, mà tình nghĩa được vun đắp trong một điều kiện tốt lành thì không lo gì sự nhàm chán và nguy cơ khi tuổi đời chồng chất. Với những "phi công trẻ” vốn có thói trăng hoa thì dù "lái" máy bay nào cũng thế!
Cuộc sống vợ chồng được xem là "ăn đời ở kiếp" với nhau, không phải chuyện một sớm, một chiều mà ta phải băn khoăn có nên tiếp tục làm "máy bay bà già” hay không. Nên nhìn thẳng vào sự thật của mỗi hoàn cảnh: có tình cảm gắn bó, có hạnh phúc không? Còn đối phó với sự bàn tán, chế giễu của bạn bè, hàng xóm ư? Hãy chứng minh bằng cuộc sống tốt đẹp của gia đình mình!