Thay đổi để luôn mới trong mắt nhau

Đám cưới là mở đầu cho một cuộc sống mới. Mối quan hệ hôn nhân được thiết lập bởi hai người “không họ hàng huyết thống”, nên cả hai đều phải thay đổi để thích nghi với nhau. Sự thay đổi luôn đòi hỏi sự từ bỏ.

Có ai thay đổi phong cách sống, thói quen, dở thích mà không phải từ bỏ một điều gì đó. Vì thế, quá trình thay đổi để thích nghi với cuộc sống hôn nhân, với những người thân mới như bố mẹ, anh em, bạn bè bên chồng, bên vợ... người trong cuộc cần có sự kiên nhẫn, sáng tạo và quyết tâm. Bên cạnh đó, cần có sự hỗ trợ của người bạn đời, cùng sự chờ đợi một cách bình tĩnh của những bên có liên quan đến đương sự.

 

 

Trong hôn nhân, vợ chồng sống với nhau có nghĩa là sống với người khác mình. Hai người yêu nhau, khong có nghĩa là hai người có cùng văn hóa, cảm xúc, sở thích... Vì thế, việc thay đổi để thích nghi, không chỉ là chuyện diễn ra trong thời gian đầu mà cần phải tiếp tục trong suốt cuộc hôn nhân. Thích nghi để hòa hợp, để không gây tổn thương, thiệt hại đến nhau, nhưng vợ chồng cũng phải giữ nét riêng, nét độc đáo của mình, thì cuộc sống chung của hai người mới ngày càng cuốn hút và thỏa mãn.

 

Ngày mới lấy vợ, họ hàng hai bên cũng chê vợ anh Nguyễn Tuấn Tú, kỹ sư xây dựng ở quận 8, TPHCM, là trông gầy gò, đen đúa, so với anh thì quá chênh lệch về mặt hình thức. Anh Tú thì rất yêu vợ vì thấy bề ngoài vợ mình có nhiều nét đẹp, chỉ mỗi tội thể chất gầy gò - thế thôi. Sau hai năm, vợ anh sinh con và thay đổi hẳn hình thức. Chị béo trắng ra nên nét mặt thay đổi hẳn. Anh Tú tự hào vì đi đến đâu, mọi người cũng khen sao dạo này vợ anh xinh thế. Anh Tú còn hài hước: “Quan trọng là người phát hiện được tố chất. Bản chất vợ tôi là xinh rồi, chỉ là mọi người không nhìn ra thôi”. Càng sống, anh càng tự hào về vợ. Vợ anh ngày càng biết ăn mặc đẹp hơn, tính tình đằm thắm hơn sau khi sinh.

 

Trước kia, hễ vợ chồng có gì mâu thuẫn là vợ làm ầm ĩ nhà cửa, rồi khóc bù lu bù loa, rất hay có phản ứng tiêu cực. Anh chúa ghét cái thói khóc lóc ấy. Nhưng sau khi sinh con, vợ anh trở nên nhẹ nhàng hẳn. Có gì không hài lòng với chồng, chị kiên nhẫn chờ đợi chồng giải thích, rồi nói rất thẳng thắn và bình tĩnh. Nhiều khi anh nể tính cương quyết và bình thản của vợ nên hễ mắc lỗi gì là nhận ngay để vợ vui.

 

Câu chuyện khác là của anh Dũng, chị Ngoan. Đã có với nhau 2 mặt con, thậm chí ngưỡng lên chức ông bà ngoại sẽ bị vượt qua trong ngày một ngày hai, vậy mà ngó qua cảnh vợ chồng anh chị Dũng - Ngoan, ít ai không có chút ghen tị. Tất nhiên, tôi không ngoại lệ và vì thế, sau mấy lần lưỡng lự, tôi đánh bạo hỏi chị để thỏa cái sự tò mò cỗ hữu của con người.

 

Nghe hỏi, chị thoáng đỏ mặt (lạ thật, đã ngoài ngũ tuần, tức là đã bước một chân vào loại “di tích sắp được xếp hạng”, vậy mà chẳng biết có cơ chế vận hành đặc biệt nào mà vẫn có thể đỏ mặt khi nghe những câu hỏi như vậy), và bảo tôi: “Duyên số nó thế đấy ông ạ. Đương nhiên là rất yêu nhau rồi mới đi đến quyết định gắn bó, nhưng quả là sau ngần ấy năm sống với nhau, đi vắng, nhà vẫn thấy lạnh, muộn về vẫn thấy mong, đêm tỉnh giấc, quờ tay sang bên không thấy vẫn còn thấy trống trải lắm!”.

 

Hỏi “nhân”, bà toàn nói “quả”, chán quá, tôi bèn hỏi ông anh. Thật ra, chẳng phải để học tập hay tuyên truyền kinh nghiệm nhằm “nhân rộng mô hình” mà hỏi chỉ để thỏa sự tò mò, một sự tò mò thú vị.

 

Hắn bảo, nếu chỉ ngó bên ngoài thì mọi sự trông rất bình thường, nhưng cốt lõi của sự bình thường đó là sự vận động, vận động không ngừng nghỉ. Thấy sặc mùi triết học, tôi hơi nghi ngại, hỏi tiếp: “Thôi, tất cả những gì thuộc phạm trù vận động, tương đối, phản biện... để nghị ông gói lại và mang lên giảng đường. Tôi chỉ muốn hỏi làm thế nào mà sau ngần ấy năm sống với “giặc ngoại xâm”, mà tình thế xem ra... vẫn rất ổn?”.

 

Khoải chí, hắn trỏ vào mặt tôi và lớn tiếng: “Trên đời, dối trá và láu táu vội vàng là hai thứ tôi ghét nhất. Phải nghe cho hết rồi mới được... phản khẩu! Vận động không có gì khác hơn là thay đổi”.

 

Thoạt nghe thấy hơi ổn, giải thích rồi lại thấy hoang mang, vì thế, tôi khẽ hỏi: “Thay đổi là... “nới cũ” phải không bác?”. Hỏi xong, biết là dễ bị ăn mắng, nhưng quả là nếu có bị mắng thì đúng là thêm một lần tính tò mò lại hại tôi. Tuy vậy, hắn không tỏ ra bức xúc như tôi tưởng mà khẽ khàng giải thích: “Không thể hiểu sơ khai như vậy. Từ ban đầu, tôi nói với ông về sự vận động, nhất định ông phải hiểu cho được khái niệm của nó, có thể hiểu nôm na là sự biến chuyển từ từ trên nền có sẵn.

 

Có vẻ như câu chuyện lại sa vào lĩnh vực triết học, tôi ngăn ngay: “Xin bác cứ cụ thể cho em nhờ”.

 

Hóa ra, tổ con chuồn chuồn nó nằm đúng chỗ tôi vừa động tới và bầu tâm sự đã được dốc ngược.

 

Ngày anh chị lấy nhau, cũng như bao đôi vợ chồng khác, việc lấy thói quen của mình áp đặt kẻ còn lại khi ghép thành đôi sống chung là cuộc chiến muôn thuở. Không cần phải kể đến những việc cao siêu như hoc vấn, trình độ thẩm mỹ, hiếu lễ với họ hàng, nghe nhạc cổ điển hay nghe nhạc sến, chỉ cần mấy thói quen lặt vặt như ăn mặn hay ăn nhạt, gác chân hoặc ngáy như sấm khi ngủ, ăn muộn hay ăn sớm... cũng đã đủ để có thể... phát điên! Chỉ có điều, cuộc sống không dừng một chỗ. Có khi, sau thỏa hiệp được hai bên tạo dựng, một thời gian, sau những thói quen mới lại phát sinh và nếu không thể thích ứng với cái mới, người ta bắt đầu hay nói về chuyện ngày xưa.

 

Thấy dài dòng, tôi hỏi ngay: “Lý thuyết thì đây cũng am tường, nhưng anh ví dụ một cái gì đó cụ thể cho tôi xem nào”.

 

Anh cười và kể cho tôi nghe chuyện anh được coi là mẫu mực về sự thích ứng, đó là chuyện chị chuyển từ mặc quần sang mặc váy và sau đó lại chuyển từ mặc váy sang mặc quần.

 

Đại loại câu chuyện như sau: Ngày lên xe hoa, trong hành trang về nhà chồng, nếu gọi đúng nghĩa là váy, thì duy nhất chỉ có một chiếc nhưng phải đem trả, đó là chiếc váy cưới. Thôi thì bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông, ngày đêm, khi mưa dầm cũng như khi nắng cháy da, trang phục của chị chỉ có quần. Yêu vợ, thấy chiếc quần mới gọn gàng trang nhã làm sao, thậm chí, thấy mấy cô mặc váy đến nhà chơi, anh còn tỏ ra khó chịu.

 

Sau một thời gian, chẳng hiểu thế quái nào, số lượng quần trong hành trang của chị giảm dần và tất nhiên là số lượng váy tăng lên theo tỷ lệ thuận. Vậy là, y hệt trước đây, lại Xuân, Hạ, Thu, Đông, tất tần tật, chỉ có váy. Thấy lòe xòe, vướng víu quá, đôi khi anh lại ao ước... giá như chị chăm mặc quần. Vậy rồi cũng quen, lâu dần thấy vợ mặc gì cũng ưng mắt, cũng lịch sự.

 

“Chuyện ăn uống, vui chơi, chuyện sinh hoạt gia đình, chuyện quan hệ xã hội, tất cả những chuyện từ nhỏ như con kiến tới chuyện lớn như con voi, nếu thực sự nhìn nhau qua lăng kính riêng, những thay đổi đều đáng yêu tất”, anh cưới tít mắt và kết luận một câu xanh rờn: “Tất nhiên, những cái quá lố thì... Ông thử hình dung xem, U60 như vợ tôi mà đóng “quả” váy ngắn tới mức chìa hết cả ra, có lẽ... đến Tây cũng ngất. Sức chịu đựng của cá nhân tôi thực ra không đáng mấy, nhưng chính sự vừa phải của vợ tôi đã khiến cho tôi ngất ngây vì ai cũng khen sức chịu đựng của mình”.

 

“Tính đi rồi phải tính lại, tính sức chịu đựng của mình cũng phải tính tới sức chịu đựng của vợ. Ông xem mình đã có bao nhiêu sự thay đổi từ khi lập gia đình và bấy nhiêu thứ lạ lẫm vẫn được vợ chấp thuận đấy thôi. Tôi nói riêng chuyện nhà tôi sắm xe ôtô để ông thấy chúng tôi chủ động vì nhau cỡ nào. Đàn ông thì thích hoành tráng, nên sự lựa chọn đầu tiên phải là xe SUV, chẳng hạn như Santafe, hay Acura. phụ nữ nhất định phải thích Yaris, hoặc Wolk-swagen Beetle. Ấy vậy mà ông biết không, cuối cùng nhà tôi mua chiếc xe Camry”.

 

Bây giờ tôi mới biết sự thật đằng sau câu chị trả lời “Duyên số nó thế đấy ông ạ” khi tôi hỏi hồi trước. Sự thay đổi của nửa kia, có thể là sự thay đổi dễ chịu với mình nhưng chưa chắc đã làm người khác dễ chịu và ngược lại.

 

Nghe chuyện anh chị, tôi nhớ lại ngày lập gia đình, mẹ tôi chỉ nhắc có một câu: tình yêu chỉ sống được khi con người ta có hai thứ: sự vừa phải và bộ da con kỳ nhông.

Ngưỡng của sự thay đổi

 

Thay đổi thế nào là đủ, là phù hợp? Thay đổi thế nào để không đánh mất bản chất của mình? Thay đổi thế nào để không thể trở thành người lệ thuộc? Tất cả đều không có câu trả lời chung cho mọi người. Tuy nhiên, cũng có một số nguyên tắc để bạn tham khảo.

 

Có những người phụ nữ yêu hết lòng và thay đổi mọi thứ vì một người đàn ông. Anh ta mong muốn cô phải để tóc dài, phải ăn mặc kín đáo, không được hở cổ, hở tay nhưng khi ra đường, anh ta lại thích ngắm những cô gái gợi cảm và cá tính. Vì thế, sẽ rất phù phiếm nếu bạn thay đổi cá tính bản thân, hình thức bề ngoài vì mong muốn của một ai khác. Nếu người đàn ông của bạn yêu bạn thì anh ta sẽ yêu mọi thứ vốn có của bạn chứ không phải cái anh ta muốn. Mặt khác, nếu chính bạn cũng thấy hình thức hay cá tính của mình không đáng yêu lắm, vì thế, bạn phải thay đổi, thì là sao đòi hỏi người khác yêu được cái vốn có của bạn? Do đó, tiêu chí đầu tiên và cơ bản là bạn phải yêu những thứ bạn vốn có và chỉ chấp nhận người đàn ông yêu bạn dù bạn tóc ngắn hay tóc dài, dù béo hay gầy, dù bạn cao hay thấp.

 

Thay đổi một số thói quen có phải là thay đổi cá tính của mình hay không? Đây là một câu hỏi khó để tìm ra ranh giới thế nào là đúng và đủ. Chỉ có sự nhạy cảm của bạn mới mang đến cho bạn kết quả chính xác. Giả dụ, nếu chồng bạn là người hết lòng yêu thương và chăm sóc bạn, anh ấy nhường nhịn bạn tất cả và chỉ mong rằng bạn hãy chiều mẹ chồng một chút, dù bạn phải chịu đựng, nhún nhường hay thậm chí là chịu khó khi nghe và mắng mỏ nếu bà hơi phũ miệng. Bạn sẽ chọn lựa thế nào? Có thể bạn sẽ cảm kích vì chồng mình đã hết lòng với mình nên chịu khó vì anh ấy một chút cũng không sao. Có thể bạn sẽ nhất quyết không, tôi không thể chịu nhục vô lý khi tôi chẳng có lỗi gì. Tùy bạn, sự cân nhắc và quyết định thuộc về bạn. Và còn phụ thuộc vào thái độ và sự kiên nhẫn của chồng bạn.

 

Có những người đàn ông không chấp nhận được sự ương bướng của phụ nữ. Họ cho rằng đã là vợ và con dâu thì đúng cách mấy cũng phải nhẫn nhục chịu đựng, dù là vô lý. Nhưng cũng có những người đàn ông hiểu và chờ đợi, họ cũng không muốn vợ phải chịu nhục dù là trước gia đình mình. Họ sẽ chờ đợi sự điều chỉnh từ hai phía. Nguyên tắc cơ bản là không được đánh mất bản thân, lòng tự trọng của mình. Nhưng lòng tự trọng của bạn cao đến mức nào trước những vấn đề thế nào lại là việc khác. Đôi khi, hạ bớt lòng tự trọng và vấn đề cao tính bị tha, nhường nhịn lại rất có lợi cho bạn.

 

Thế nào là tính tốt, không được phép thay đổi và thế nào là tính xấu, cần thay đổi? Câu hỏi này cũng không dễ trả lời. Tính cương quyết của bạn có thể là tính tốt với cá nhân bạn nhưng trong mắt gia đình chồng, đó có thể là tính ương bướng, bảo thủ, cần dẹp bỏ. Tính thẳng thắn của bạn có thể trở thành tính không khéo léo, đáng chê trách. Tính nhẫn nại, cần mẫn được đánh giá cao với các cô con dâu, có khi trong mắt bạn, đó lại là sự nhịn nhục, câm nín. Tất cả những điều đó cần sự điều chỉnh tương đối. Nếu bạn quá thẳng thắn, bạn có thể điều chỉnh để nó thẳng thắn tương đối chứ không đồng nghĩa với việc bạn sẽ phải trở thành người khéo miệng đến mức không thật. Nhưng về cơ bản, mọi điều chỉ là gợi ý.

 

Theo Đẹp


------------------------------

------------------------------
Tags:
Đã đọc : 1452 lần

Liên hệ tư vấn

hỗ trợ trực tuyến

CHÚ Ý: AVS KHÔNG TƯ VẤN QUA CHAT

tư vấn qua điện thoại (3.000 đồng/phút): 1900 68 50 hoặc (04)1088 - 1 - 7

tư vấn trực tiếp: 2/15, phố Đào Duy Từ, phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội

Lĩnh vực tư vấn:

- tư vấn tâm lý tình cảm, hôn nhân, gia đình

- tư vấn nuôi dạy trẻ

- tư vấn sức khỏe tình dục: xuất tinh sớm, lãnh cảm, nghệ thuật phòng the, bệnh tình dục....

- tư vấn sức khỏe sinh sản, giới tính

- tư vấn trị liệu tâm lý

- Các vấn đề tâm lý khác như ly hôn, stress

Gọi -1900 68 50 để đặt lich tư vấn trực tiếp

Biểu giá tư vấn tại đây

Khách hàng tư vấn trực tuyến xem hướng dẫn tư vấn tại đây

Truyện hay

Truyện ngắn: Cái kính của gã bạn trai cũ

Truyện ngắn: Cái kính của gã bạn trai cũ

Có rất nhiều cách để chấm dứt một mối quan hệ, đặc biệt là kiểu quan hệ tình cảm nam nữ. Tôi vẫn hình dung mọi chuyện đơn giản thế này, hai cục nam châm điên cuồng hút nhau, rồi tới khi bản thân chúng mất đi lực hút, hoặc giả bi ai hơn cứ cho là... Đọc thêm