"Chiến tranh lạnh" xảy ra khi cả hai bên đều khăng khăng với "cái tôi" của bản thân. Họ luôn cho là mình đúng và không bao giờ chịu thừa nhận khuyết điểm.
Ảnh minh họa
Đã nhiều ngày kể từ khi hai bạn gây "chiến tranh lạnh". Mọi sinh hoạt hàng ngày vẫn diễn ra bình thường. Thế nhưng, căn nhà dường như rất vắng vẻ và hiu quạnh bởi chẳng có tiếng chuyện trò của hai bạn, có chăng chỉ là tiếng người í éo phát ra từ chiếc TV ở phòng khách.
Bạn cảm thấy thời gian như dài vô tận, loãng toẹt đến nỗi òn chẳng nhớ tại sao hai bạn lại ra nông nỗi này. Hay tại lý do quá vụn vặn hoặc đáng buồn cười? Hay tại cả bạn và anh ấy, không ai chịu nhúc nhích để làm lành trước và để thừa nhận mình là người có lỗi?
Sự im lặng đáng sợ ấy nhiều khi khiến bạn muốn nổ tung. Bạn sợ cảm giác khi quay về nhà, trở lại căn phòng quá quen thuộc hàng ngày rồi nhìn thấy những hình ảnh... cũ rích cứ thế lặp lại. Chồng bạn đang xem TV, thấy bạn mở cửa bước vào là ngay lập tức đứng dậy trả lại không gian đó cho riêng bạn. Căn nhà trống trải, im lìm. Cảm giác buồn chán đang vây quanh bạn đến nghẹt thở khiến bạn chỉ muốn là người đầu tiên xung phong phá tan sự im lặng ấy.
Bạn bước tới phía anh, nhưng đôi chân khựng lại rồi quay ra cửa. Ôi, giá mà anh ấy hiểu được cảm giác lúc này của bạn. Giá mà anh ấy chạy vào và là người mở lời trước. Bạn sẽ tha thứ, sẽ không chấp nhặt gì cả (nếu giả dụ anh ấy là người có lỗi). Chỉ cần...
Rất nhiều cuộc "chiến tranh lạnh" giữa các cặp chồng thường bắt đầu bằng những lý do hết sức ngớ ngẩn, vụn vặt và đáng buồn cười, để rồi sau đó chỉ qua một thời gian, khi cuộc "chiến tranh" vẫn chưa chịu dừng thì những đôi vợ chồng ấy lại quên bẵng hẳn nguyên nhân chính của "cuộc chiến".
Điều họ trông thấy được lúc này chỉ là cảnh hai người đang trở nên lạnh nhạt, xa cách và mất dần đi sự yêu thương. Và kể cả khi họ có nhớ ra được nguyên nhân của sự cãi vã, dường như là ai cũng muốn "độn thổ" vì nó quá... tầm thường so với hậu quả mà họ đang phải gánh chịu. Điều cỏn con vô tình bị thổi phồng và trở thành một vấn đề quá đỗi nghiêm trọng.
Nhiều người trong cuộc dường như phải thừa nhận rằng họ biết cách làm cho mọi thứ tốt lên nhưng họ đã không thể. Có vẻ như đối với những cặp vợ chồng càng trí thức, càng có đầu óc thì thời gian "chiến tranh lạnh" diễn ra càng dài. Họ hiểu rằng sự im lặng này chẳng mang lại lợi ích gì cả và đó là một sai lầm, nhưng họ lại tin rằng điều họ đang thể hiện là đúng.
Và đó mới thực sự là vấn đề!
"Chiến tranh lạnh" xảy ra khi cả hai bên đều khăng khăng với "cái tôi" của bản thân. Họ luôn cho là mình đúng và không bao giờ chịu thừa nhận khuyết điểm. Khi bạn "buộc tội" bạn đời càng nhiều có nghĩa là thời gian im lặng của hai bên càng dài. Ai cũng cao ngạo với niềm kiêu hãnh của chính mình mà quên đi cảm xúc thực sự của bản thân.
Trong hôn nhân, bạn có thể đúng hoặc bạn có thể hạnh phúc, nhưng cũng có thể bạn chẳng được điều gì trong số hai thứ vừa kể trên.
Ở chốn công sở, trong công việc, Đúng và sai quyết định thành công hay thất bại. Giống như mỗi quyết định của bác sĩ, nếu kê đơn đúng, bệnh nhân sẽ khỏi bệnh và ngược lại. "Đúng" trong trường hợp này là điều cần thiết vì nó liên quan đến sự sống và cái chết. Tuy nhiên trong hôn nhân, "đúng" không mang một ý nghĩa đặc biệt. Điều quan trọng hơn chính là duy trì được "mối quan hệ".
Đôi khi, bạn cần phải chọn lựa. Bạn muốn mình luôn "đúng" hay bạn chỉ cần có được cảm giác "hạnh phúc"?
Càng tỏ ra kiêu hãnh và khăng khăng bản thân mình là đúng, bạn càng thấy khổ sở trong cuộc hôn nhân của mình. Đừng đi tìm sự "đúng", hãy chỉ nên đi tìm "tình yêu". Học vị càng cao, càng thông minh, càng đầu óc thì "chiến tranh" càng kéo dài. Chỉ số IQ (mức độ thông minh) cao chưa chắc đã khẳng định chỉ số EQ của hai bạn cũng ở mức tương tự. EQ là con số dùng để đo mức độ cảm xúc. Chỉ số này càng nhiều càng chứng tỏ bạn có khả năng kết nối và giữ được mối quan hệ tốt đẹp với mọi người xung quanh.
"Chiến tranh lạnh" vẫn đang kéo dài vì ai cũng đề cao chỉ só "IQ" của bản thân mà quên béng mất việc cần phải vun vén cho những con số về cảm xúc.
Lại cảm giác khó thở, nặng trịch đến quen thuộc...
Bạn đã biết được mình cần phải làm gì?
Theo Đời Sống Gia Đình
Tags: