Nỗi lo canh cánh của đàn bà là làm sao để không bị chồng bỏ. Nỗi lo canh cánh của đàn ông là làm sao để không bị thất nghiệp. Nhưng nay có vẻ “gió đã đổi chiều”.
Kết quả điều tra về thực trạng gia đình Việt Nam (6.2008) với phạm vi điều tra trên 64 tỉnh thành với 775 phường, xã cho thấy, có đến 47% phụ nữ đứng đơn ly hôn, cao gấp đôi so với nam giới (28,1%). Công bố trên làm đảo ngược hoàn toàn quan niệm truyền thống lâu nay trong xã hội Việt Nam, rằng quyền định đoạt sự tồn tại của một cuộc hôn nhân là do nam giới.
Khi phái yếu đã không còn yếu
Theo công bố đó thì ngày nay ở nước ta, số đàn ông bị vợ bỏ nhiều gấp đôi số đàn bà bị chồng bỏ. Xu hướng này sẽ còn tăng, nghĩa là ngày càng có nhiều đàn ông bị vợ “ruồng rẫy”, đẩy vào tình cảnh mất vợ, mất con, nhà cửa xẻ đôi khi chỉ cần bà vợ chứng minh được với tòa: cuộc hôn nhân không đạt mục đích như ban đầu đề ra.
Lý giải cho việc này là nhờ kết quả của cuộc đấu tranh bền bỉ: bình đẳng giới. Sự bình đẳng trong nhiều phương diện đã đưa người đàn bà thoát khỏi thân phận lệ thuộc, nhất là lệ thuộc về kinh tế, đã khiến họ mạnh mẽ hơn, quyết đoán hơn và... kém sức chịu đựng hơn.
“Ta có thể đứng một mình”, khi người đàn bà có tâm thế này, là khi người đàn ông bắt đầu lo. Gió đổi chiều, thì vị thế “người trên kẻ dưới” trong quan hệ vợ chồng truyền thống cũng có thể “đổi chiều” (nếu như trước kia vai trò chủ hộ dĩ nhiên là người chồng thì ngày nay có thể là chồng, vợ hoặc cả hai - anh ta đã mất thế độc tôn).
phụ nữ “thích” ly dị hơn đàn ông
Có một điều nằm sâu trong tâm lý phụ nữ mà các đức ông chồng lẽ ra phải hết sức “đề phòng” thì lâu nay lại chủ quan không lưu tâm: phụ nữ vốn “thích” ly dị hơn đàn ông.
Điều này rất dễ kiểm chứng.
tâm lý đàn ông vốn tham lam “sông bao nhiêu nước cho vừa/Trai bao nhiêu vợ cho vừa lòng trai”, nên với chuyện vợ và bồ, họ chỉ muốn thêm chứ không muốn bớt. Khi đàn ông ngoại tình, họ nghĩ đến chuyện làm sao qua mặt vợ chứ không nghĩ đến chuyện bỏ vợ (ngoại trừ có những mâu thuẫn nội tại trầm trọng khác của cuộc hôn nhân này). phụ nữ ngược lại, là “giống” chung tình, mỗi lúc chỉ yêu được một người và đã yêu thì muốn được tận tụy, trọn vẹn với người đó, nên khi người đàn bà đã ngoại tình, họ thường đồng thời nghĩ đến chuyện... đổi chồng.
Chúng ta cũng nghe nhiều đến kỷ lục kết hôn (thêm) của nam giới nhưng kỷ lục ly hôn lại thuộc về phụ nữ (báo từng đưa tin một quý bà “năng động” ở California (Mỹ) đã ly dị đến lần thứ 14).
Theo kết quả một cuộc điều tra bỏ túi của người viết, thì trong quan hệ yêu đương, người hay đòi “chia tay” là cô gái chứ không phải là chàng trai; trong quan hệ hôn nhân, người “hở một chút đòi ly dị” là bà vợ chứ không phải ông chồng. Trong tâm thức của người đàn bà, hai chữ chia tay/ly dị tồn tại như “cửa thoát hiểm” cuối cùng.
Để thích ứng với hoàn cảnh mới, người đàn ông giờ đây phải biết lo nỗi lo canh cánh của người đàn bà trong nhiều thế kỷ qua: bị bạn đời cho ra rìa. Đã đến lúc nam giới phải điều chỉnh tương quan mối quan hệ vợ chồng của mình, theo hướng “nương nhau mà sống”.
Theo Thanh Niên