Không ít cặp đôi luôn thấy mình bị rơi vào tình trạng khủng hoảng, căng thẳng sau mỗi cuộc tranh cãi. Xây dựng những thói quen tốt sẽ khiến chúng ta hạn chế những cuộc cãi vã vặt vãnh.
“Tranh cãi không thể giải quyết được vấn đề của hôn nhân. Các cặp vợ chồng cần có thảo luận nghiêm túc để giải quyết các vấn đề. Đôi khi có thể không đồng quan điểm nhưng phải tôn trọng ý kiến của nhau. Đó là điều kiện không gây gổ, tranh luận, xô xát. Nếu bạn có thừa năng lượng để diễn một màn kịch tranh cãi, nghĩa là bạn cũng sẽ có thừa khả năng biến nó thành cuộc thảo luận" - Tiến sỹ tâm lý Tina B.Tesina (Mỹ) cho biết.
Hãy dành cho nhau những lời tốt đẹp, sự quan tâm, hơn là cãi vã. Ảnh minh họa |
Dưới đây là 5 lời khuyên TS Tessina đưa ra để giúp bạn hạn chế những thói quen tiêu cực, giảm bớt các cuộc cãi vã.
1. “Chiến” trong bối cảnh nào
Nếu vấn đề phát sinh tại một thời điểm không thích hợp, bạn có thể nén giận, đưa ra một giải pháp tạm thời để trung hòa cả hai. Nếu bạn đang ở nhà bố mẹ của anh/ cô ấy, trước mặt họ hàng, trong nhà hàng, giữa buổi tiệc... thì “chiến” nhau sẽ làm cho cả hai muối mặt, dù ai đúng ai sai. Nên chờ cho đến khi cả hai đều bình tĩnh, sáng suốt. Bởi lẽ tranh cãi có thể gay gắt hơn nếu có những yếu tố chi phối như uống nhiều rượu, mệt mỏi, tâm trạng ức chế...
2. Thảo luận định kỳ các vấn đề
Sở dĩ những cuộc thảo luận này cần thiết vì nó có thể giải quyết vấn đề hiểu lầm, bất đồng quan điểm Giữa vợ chồng, con cái. Nếu cứ mãi đình chiến, né tránh thảo luận, mỗi người cứ ôm chặt nỗi bực bội, bất đồng thì quan hệ giữa các thành viên ngày càng xa cách, xấu đi. Vì thế, thay vì tránh né, nên có những cuộc trao đổi thẳng thắn, bình tĩnh để tìm hiểu xem người còn lại muốn gì.
3. Đặt mình vào hoàn cảnh người khác
Những người biết cảm thông sẽ sống dễ chịu hơn người chấp nhặt. Nếu bạn muốn người khác cảm thông cho mình, hãy thử đặt mình vào địa vị của họ. Trong quan hệ vợ chồng, điều này càng quan trọng. Điều này cũng vẫn không phải để ép buộc là phải thống nhất quan điểm. Mà cơ bản là để bạn và chồng/ vợ mình hiểu nhau. Nếu đặt mình vào hoàn cảnh đối tác, bạn có thể hiểu vì sao anh/ cô ấy lại đối xử với gia đình, con cái, bạn bè... như thế. Từ đó, hai bạn dễ chấp nhận nhau hơn.
4. trao đổi với người thân
Nhiều lúc, các thành viên trong gia đình hoặc bạn bè có thể có những ý kiến sáng suốt để giải quyết vấn đề. Bởi lẽ, là người ngoài cuộc, họ có thể đưa ra phán xét công bằng.
5. Khi “chiến tranh” không thể tránh khỏi
Nếu một cuộc chiến là không tránh khỏi hãy nhớ rằng:
- Tranh cãi để tìm ra giải pháp, không phải để giành chiến thắng hay để chứng minh đối tác của mình sai.
- Đừng lôi chuyện quá khứ ra để bới móc. Tập trung vào vấn đề hiện tại.
- Đừng nói quá nhiều một lúc. Đối tác của bạn chẳng nắm bắt được quá 2 - 3 câu đâu.
- Không chỉ trích về đạo đức, về gia đình hay cách đối tác được giáo dục. Đối với nhiều người, bạn chạm vào gia đình là chạm vào tự ái của họ. Điều này khiến họ thêm kích động.
- Hãy biết thừa nhận để đình chiến nếu mình thật sự sai. Đừng chối bỏ trách nhiệm. Phải xem đó là một cơ hội để cải thiện bản thân.