Tiền bạc, tình dục và các cuộc tranh luận là gốc rễ trong phần lớn các cuộc xung đột giữa các đôi. Nhà tâm lý học Susan Quilliam đã lý giải bản chất của từng vấn đề trên Ivillage để những đôi vợ chồng mới bắt đầu bước chân vào hôn nhân có thể lường trước được.
Tôi phát hiện ra chồng mình vụng trộm với một trong những người bạn thân nhất của chúng tôi. Những ngày sau đó trôi qua thật kinh khủng, tôi chìm ngập trong nước mắt và những cuộc cãi cọ buộc tội lẫn nhau. Anh ấy nói vẫn còn yêu tôi và tôi cũng vậy nhưng mọi người đều nói rằng đã cặp bồ thì nên chấm dứt quan hệ. Liệu điều đó có đúng không?
Sự thiếu chung thủy không phải là dấu chấm hết cho một mối quan hệ. Vài người ngoại tình bởi họ muốn thoát ra khỏi cuộc sống hiện tại nhưng phần lớn chuyện hái hoa bên ngoài là dấu hiệu cho thấy họ không hạnh phúc. Nếu quan hệ được cải thiện thì họ sẽ ở lại và chấm dứt chuyện léng phéng kia. Vài trường hợp vợ chồng lại yêu quý nhau hơn bởi cả hai cùng đối mặt và bắt tay vào giải quyết trục trặc đang diễn ra.
Chúng tôi thường tranh luận với nhau về cùng một vấn đề. Dù đã cố gắng hòa giải nhưng một trong hai người thường xuyên không giữ được bình tĩnh. Làm sao chấm dứt cuộc om sòm này?
Có hai lý do chính gây ra các cuộc tranh luận. Đầu tiên, có lẽ bạn không có các kỹ năng cần thiết để giải quyết các cuộc xung đột nghiêm trọng. Vào thời kỳ đầu của mối quan hệ, bạn cảm thấy mọi việc đều tốt đẹp, chẳng có gì nghiêm trọng đến nỗi phải tranh cãi. Giờ thì sự khác biệt về quan điểm xuất hiện bạn nỗ lực giải quyết nhưng bất lực.
Thứ hai, do bạn né tránh các cuộc nói chuyện cởi mở về rắc rối khiến bạn chán ngán.
Lúc mới cưới tình dục là chuyện diễn ra như cơm bữa. Nhưng 6 tháng trôi qua, anh ấy dường như đã đánh mất niềm quan tâm đối với chuyện đó. Anh ấy không bao giờ gần gũi và mọi chiêu dụ dỗ chồng lên giường của tôi đều bất thành. Anh nói rằng vẫn yêu tôi nhưng tôi không tin. Liệu có phải khi không thích làm tình thì có nghĩa là không còn yêu?
Khao khát thể xác luôn nằm sâu trong bất kỳ mối quan hệ nào. Tuy nhiên, khi sự thèm muốn đó mất đi, có thể vài thứ đã không còn hoạt động theo đúng quỹ đạo của nó.
Bạn cần tin rằng, hết ham muốn không nhất thiết là do các trục trặc về tình cảm giữa hai người. Khao khát yêu đương có thể héo tàn bởi các nguyên nhân thể chất như bị ốm, đang dùng thuốc và tinh thần như căng thẳng và buồn chán.
Chúng tôi đã ở bên nhau gần một năm và mọi thứ đều diễn ra tốt đẹp ngoại trừ việc vào cuối tuần anh ấy hay đi thăm các con của mình. Tôi chưa sinh con và điều này làm tôi bực bội bởi vì những đứa trẻ đó muốn anh ấy quay trở về với mẹ chúng. Hai ngày cuối tuần trước thật khó chịu và sau khi bọn trẻ về nhà chúng tôi lại giận dỗi với nhau.
Trở thành cha/mẹ kế là điều không phải ai cũng làm được. Anh ấy muốn làm mọi thứ tốt nhất cho những đứa con của mình và về nguyên tắc thì bạn nên đồng ý với điều này. Trên thực tế, bạn có cảm giác bị bỏ rơi và tổn thương vì thái độ thù địch, thiếu thân thiện của lũ trẻ. Trạng thái như chiến tranh này làm mối quan hệ của bạn căng thẳng.
vợ chồng tôi có thái độ khác nhau về chuyện tiền bạc. Anh ấy hay vung tay quá trán nên hầu như chúng tôi thường bị thâm hụt ngân sách. Tôi thì tiết kiệm hơn vì thế mà bị chồng đổ lỗi là người bủn xỉn. Anh cảm thấy bị kiểm soát khi tôi bắt giảm chi tiêu. Đầu tháng quan hệ của chúng tôi không quá tệ, nhưng đến cuối tháng thì chán nhau lên tận cổ.
Tiền đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống. Nó thực sự trở thành vấn đề lớn khi mỗi cá thể muốn quản lý và dành dụm số tiền kiếm được theo cách của riêng mình.
Các trục trặc cũng nảy sinh khi thái độ của mỗi người khác nhau. Hầu như mọi người thừa hưởng cách chi tiêu và tiết kiệm tiền bạc từ cha mẹ mình. Vì thế, xuất thân từ gia đình khác nhau lại có cách giải quyết chuyện tiền nong khác nhau. Điều này vô tình tạo ra những trục trặc về chuyện tiền nong.
Chi Anh - Ngoisao