Một nghiên cứu mới đây cho rằng, chị em không nên tập thể dục đến toát mồ hôi với chế độ tập luyện khắc nghiệt
Những bài tập nhẹ nhàng, vừa sức sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn, giúp bạn khoẻ đẹp và tràn đầy sinh lực.
Tập quá sức gây bệnh
Đồng quan điểm với nhóm nghiên cứu tại Đại học bang Pennsylvania (Hoa Kỳ) cho rằng, vận động vừa phải cho hiệu quả cao hơn nhiều so với những bài tập khắc nghiệt, ThS.BS Nguyễn Văn Phú, trưởng khoa Y học Thể thao, Bệnh viện Thể thao Việt Nam nhấn mạnh rằng, việc luyện tập quá sức thậm chí có thể gây chấn thương hoặc bệnh lý phức tạp.
Luyện tập quá sức có hai trường hợp là cấp tính và mạn tính. Quá sức cấp tính có thể xảy ra ở cả những người tập nghiệp dư và vận động viên chuyên nghiệp, khi chế độ luyện tập vượt quá sức chịu đựng của cơ thể, khiến cho cơ xương khớp đau mỏi, thậm chí có thể gây chấn thương, bong gân, rách cơ, ảnh hưởng đến hệ tuần hoàn, hệ thần kinh.
Các trường hợp luyện tập quá sức mạn tính tức là sự quá sức trường diễn khiến toàn bộ cơ thể không phục hồi được, gây nên các bệnh lý phức tạp, stress kéo dài, ảnh hưởng đến nội tiết, tuần hoàn, thần kinh ở mức độ bệnh lý.
Việc phát hiện mình có luyện tập quá sức hay không có thể phụ thuộc cảm nhận chủ quan của người tập. Sau mỗi buổi tập cơ thể bạn có thể đau mỏi nhẹ hoặc thậm chí bạn có cảm giác mệt mỏi, khát nước và đói, nhu cầu bổ sung năng lượng cao; Nhưng nếu chỉ là biểu hiện sinh lý bình thường thì sẽ nhanh chóng hết sau 24h và cơ thể bạn sẽ sẵn sàng cho buổi tập ngày hôm sau.
Tuy nhiên, nếu những cảm giác này kéo dài đến tận hôm sau và bạn mỏi mệt đến mức không muốn tập luyện tiếp thì có nghĩa là bạn đã quá sức, cơ thể bạn chưa có đủ thời gian để hồi phục. Trong trường hợp này bạn tuyệt đối không nên gò ép mình tiếp tục các bài tập.
BS Đào Bá Vy, chuyên khoa Phục hồi chức năng, nguyên trưởng khoa Vật lý trị liệu, Bệnh viện 354 cho biết, việc luyện tập thể dục thể thao có quá sức hay không cần xét đến các yếu tố cường độ, tần số và thời gian tập luyện. Khi cường độ luyện tập quá tải, vượt ngưỡng chịu đựng của cơ thể nhưng thời gian phục hồi ngắn (tức là thời gian giãn cách giữa các buổi tập) thì chắc chắn gây quá sức.
Hãy lắng nghe cơ thể
Các chuyên gia cho rằng, nếu có một mục đích, động cơ rõ ràng thì việc luyện tập sẽ dễ đạt được kết quả tốt hơn bởi người tập sẽ nghiêm túc thực hiện mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, để việc luyện tập thực sự hiệu quả, người tập cần xây dựng chế độ luyện tập vừa sức. Không thể có một lời khuyên chung cho mọi người tập mà mỗi người phải biết tự lắng nghe cơ thể mình để có những quyết định về môn tập, thời lượng, cường độ tập phù hợp với đặc điểm thể chất của cơ thể mình.
Các chuyên gia khuyến cáo rằng, bạn không nên bắt đầu các bài tập ở mức quá thấp vì như vậy sẽ làm bạn thấy nhàm chán, mất hứng thú tập luyện; Nhưng bạn cũng không thể bắt đầu ở cường độ cao, với những bài tập vắt kiệt sức lực của bạn.
ThS.BS Nguyễn Văn Phú khuyên rằng, tốt nhất, trước khi xây dựng kế hoạch tập luyện, bạn hãy đến gặp bác sĩ thể thao, hoặc bác sĩ phục hồi chức năng để được tư vấn, đánh giá thể trạng, và kiểm tra các vấn đề sức khoẻ. Qua các test thể lực, bác sĩ sẽ giúp bạn xác định đâu là ngưỡng bắt đầu phù hợp.