Trong cuộc sống, đôi khi có những thói quen mà chúng ta hoàn toàn không để ý, nhưng chúng lại gây tác hại tới sức khỏe nếu ta không điều chỉnh kịp thời.
1. Ngoáy mũi, ngoáy tai
Khi ngồi rỗi không có việc gì làm, nhiều người thường hay ngoáy mũi và ngoáy tai. Thói quen tưởng như rất nhỏ nhặt này lại gây hại cho chúng ta. Ngoài việc mất vệ sinh, ngoáy mũi có thể hủy hoại lông mũi, làm rách màng dính, gây chảy máu. Vì màng dính ở mũi rất mềm, mỏng và có nhiều mạch máu. Vi trùng theo ngón tay vào lỗ mũi, làm mũi bị viêm mạn tính, tắc lỗ mũi, đỏ mũi, sống mũi sưng đỏ lâu ngày không khỏi.
2. Ngoáy tai
Ngoáy tai có thể làm rách da của tai ngoài, khiến lỗ tai luôn chảy nước. Thậm chí còn có thể làm rách màng nhĩ, khiến vi trùng xâm nhập trung nhĩ, dẫn đến viêm tai giữa, chảy máu tai.
3. Cắn móng tay
Cắn móng tay nghe có vẻ là thói quen ở trẻ nhỏ. Nhưng thật ra nhiều người lớn cũng có thói quen cắn móng tay. Kết quả là móng tay bị nham nhở, quá sát với phần thịt, dẫn đến sưng đau móng tay, thậm chí bị nhiễm trùng. Nếu bạn “nghiện” cắn móng tay thì nó còn có thể làm biến dạng ngón tay.
Móng tay còn chứa rất nhiều vi khuẩn vì thế việc cắn móng tay còn có thể khiến chúng ta nhiễm giun sán. Ngoài ra, cắn móng tay còn làm hại đến răng và làm mỏi khớp thái dương. Điều đó làm ảnh hưởng đến sức nhai và cách phát âm.
4. Gãi đầu
Đôi khi, ai đó gãi đầu chẳng phải vì họ ngứa mà đó chỉ là một thói quen. Nhưng bạn biết không, gãi đầu chẳng những gây mất mỹ quan với người đối diện mà còn khiến cho da đầu bị xước, dễ gây nhiễm trùng. Ngoài ra điều này cũng khiến cho tóc bị rụng nhiều và nhanh. Thói quen gãi đầu khiến cho tóc dễ bị xơ xác, mất đi độ bóng khỏe bình thường.
5. Liếm môi
Đây là thói quen của rất nhiều người khi cảm thấy môi mình bị khô hoặc nẻ, chưa kể nhiều người còn nghĩ động tác này khiến môi có vẻ mềm ra, dễ chịu hơn nhưng thực chất ngược lại. Trong nước bọt chúng ta có chứa men tinh bột, tương đối dính, liếm lên môi thì giống như 1 lớp hồ mỏng lên môi. Nhưng khi nước bọt bốc hơi hết, thì môi sẽ càng khô hơn. Hơn nữa, trên môi có dính bụi và mầm bệnh nên dùng lưỡi liếm rất mất vệ sinh. Để giữ cho môi không bị khô, bạn nên sử dụng kem dưỡng môi.
Nên giữ thói quen dưỡng môi hàng ngày
6. Gối tay khi ngủ
Một số người có thói quen kê tay lên đầu gối khi đi ngủ mà không biết rằng thói quen này rất có hại cho sức khỏe. Tay phải giơ lên cao khi ngủ làm ảnh hưởng đến tuần hoàn máu của cánh tay khiến cho tay bị tê liệt, nhức mỏi. Ngoài ra, cánh tay giơ cao cũng sẽ làm cho áp lực vùng bụng tăng lên, làm cho thức ăn trong dạ dày cùng với dịch tiêu hoá chạy ngược trở lại thực quản. Điều này có thể dẫn đến tình trạng niêm mạc thực quản chạy máu, bệnh phù thũng, viêm thực quản do thức ăn bị trào ngược.
7. Ngồi quá sát màn hình
Xu hướng của nhiều người, đặc biệt là người trẻ, khi xem TV hay dùng máy tính là ngồi gần, tiến sát hơn nữa, ngày một gần thêm vào màn hình. Nhưng ngồi quá gần màn hình khiến cho mắt ta dễ bị mỏi, khô mắt từ đó khiến cho chức năng mắt bị suy giảm. Việc ngồi quá gần khiến cho mắt phải điều tiết nhiều, mau mệt. Đó cũng là lí do vì sao nhiều người khi sử dụng máy tính thường cảm thấy buồn ngủ.
Vì vậy, bạn cần điều chỉnh khoảng cách thích hợp khi xem TV và sử dụng máy tính. Màn hình máy tính nên đặt hơi nghiêng về phía sau và cách mặt khoảng từ 50-70cm
8. Nghe tai phone to và thường xuyên.
Hầu hết các thiết bị chơi nhạc di động hiện nay đều được sản xuất với âm lượng lớn hơn 120 Db. Nhiều bạn trẻ đã để âm thanh ở mức cao nhất với những loại nhạc sôi động. Có bạn còn vừa nghe nhạc... vừa ngủ khiến màng nhĩ bị “tra tấn” suốt đêm.
Nhưng bạn có biết không, bạn đang làm hại thính giác của mình. Thường thì, âm thanh không tiếp xúc trực tiếp vào màng nhĩ mà nó được đập vào vành tai, ống tai... trước khi đến màng nhĩ. Nhưng khi nghe bằng Headphone, âm thanh được truyền đến màng nhĩ trực tiếp, khiến màng nhĩ rung rất nhiều, biên độ lớn. Chưa kể đến việc, những người dùng đến tai nghe thường vặn âm thanh ở cường độ lớn để nghe cho thích. Hậu quả là, màng nhĩ sẽ bị xơ hóa từ từ, đục dần và rất cứng khiến cho nó không thể rung động được, gây lãng tai.
Vì thế, lời khuyên tốt nhất cho người sử dụng máy nghe nhạc cầm tay là chỉ nên nghe nhạc từ tai nghe trực tiếp khoảng dưới 1 tiếng/ngày. Mức âm thanh an toàn là khi nghe nhạc bạn vẫn có thể nghe được người khác trò chuyện xung quanh.
9. Bóp, kéo, bẻ khớp ngón tay, ngón chân
Sẽ thật dễ chịu khi bạn cảm thấy mệt mỏi, rã rời đúng không? Tuy nhiên, khi làm thường xuyên sẽ khiến dây chằng và cơ gân bị nhão, lâu ngày dẫn tới vị trí của khớp biến dạng, dễ gây viêm khớp.
10. Bỏ bữa sáng
Theo các chuyên gia y tế, bỏ bữa sáng là một việc làm thiếu khoa học nhất. Một bữa sáng nhỏ dù chỉ là mẩu bánh mì, cốc sữa cũng tốt hơn vạn lần để bụng “rỗng”. Bỏ bữa sáng không chỉ ảnh hưởng đến trí nhớ, làm giảm năng suất lao động của bạn mà còn khiến bạn có nguy cơ bị đau dạ dày rất cao.
11. Ăn quá nóng, quá lạnh
Ăn thức ăn quá nóng, quá lạnh đều không tốt cho sức khoẻ răng miệng của bạn. Thức ăn quá nóng không chỉ làm ảnh hưởng tới răng, làm bỏng niêm mạc khoang miệng mà còn có nguy cơ gây ung thư thực quản. Ngoài ra, ăn nóng quá còn có thể phá hoại ở mức độ nhất định những tế bào và cơ năng của đường tiêu hoá.
Còn ăn quá lạnh thì sao? Bạn cứ thử uống nước đá non trong tủ lạnh thì biết. Có thể bạn cảm thấy rất “đã” nhưng liền sau đó là cảm giác giật giật lên tận thái dương rồi họng của bạn nữa chứ. Rất dễ bị viêm họng đấy!
12. Vừa uống bia rượu vừa hút thuốc lá
Đây là một thói quen cực xấu nhưng lại có ở đa phần những người nghiện thuốc và rượu. Không tin, bạn hãy thử để ý họ, bao giờ cũng là vừa nhậu vừa hút thuốc lá.
Khi đó, chất nicotine trong thuốc lá được hòa tan trong rượu đi vào cơ thể. Kết quả là bạn cảm thấy rất hưng phấn nhưng thực ra là huyết quản đang bị phá hủy rất nhanh. Mà gia tăng sự phá huỷ của huyết quản chính là một nguyên nhân cơ bản dẫn đến tai biến mạch máu.
13. Chạy bộ lúc đói
Bạn nghĩ chạy bộ khi đói càng nhanh giảm cân? Đó chắc chắn là một sai lầm. Vì khi đang đói bụng mà chạy bộ sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sức khoẻ, đặc biệt ở người lớn tuổi.
Khi đói chạy bộ sẽ làm tăng gánh nặng cho phổi, dễ gây hiện tượng tim đập không đều, thậm chí có thể gây đột tử với những người có tiền sử bệnh tim mạch. Còn với người cao tuổi mà chạy bộ lúc đói, nguy cơ đột tử càng lớn.
14. Không đánh răng trước khi đi ngủ
Đây không chỉ là một thói quen mất vệ sinh mà nó là tác nhân gây cho bạn nhiều bệnh về răng lợi. Không vệ sinh răng miệng trước khi đi ngủ, thức ăn còn bám ở chân răng là nguyên nhân gây các bệnh xuất huyết răng lợi, viêm nha chu, sâu răng dẫn tới rụng răng…
15. Thích ăn đồ quay nướng, hun khói, ăn mặn
Đồ quay nướng thường làm bạn cảm thấy ngon miệng, dễ ăn hơn nhưng đây cũng là loại thức ăn có nguy cơ gây ung thư rất cao. Ngoài ra, những thức ăn quay nướng, hun khói do giàu mỡ, chất đạm nên rất dễ bị ô nhiễm, nhanh ôi thiu, khi ăn bạn sẽ có nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm cao.
16. Nhịn tiểu tiện
Nhiều người hay nhịn tiểu tiện. Ngoài ra, còn có tình trạng nhà vệ sinh ở trường bẩn khiến nhiều học sinh nhịn tiểu tiện từ lúc đến trường đến tận khi về nhà. Các bác sĩ cho rằng đây là một thói quen nguy hiểm bởi có thể dẫn đến nhiều bệnh như trĩ, nhiễm trùng tiết niệu, sỏi thận...
17. Lười uống nước
Nhiều người không có thói quen uống nước thường xuyên mà chỉ uống nước khi khát. Nhưng bạn biết không, nước nhiều khi còn quan trọng hơn thức ăn. Nó giúp lưu thông khí huyết, lọc và đào thải các chất độc. Cơ thể thiếu nước sẽ làm giảm khả năng thải độc, rối loạn điện giải, khiến người mệt mỏi, sức đề kháng giảm sút. Thiếu nước cũng khiến các loại sỏi dễ hình thành hơn. Chứng viêm đường tiết niệu và táo bón cũng khó cải thiện hơn khi không được cung cấp nước đầy đủ.
------------------------------
------------------------------