Đa số người đang ở trong giai đoạn đầu của bệnh mất trí nhớ gặp khó khăn trong việc xác định những lời nói dối và châm biếm của người khác.
“Nếu ai đó thực hiện những hành vi kỳ lạ và đột nhiên không hiểu được những câu dối trá hoặc mang hàm ý mỉa mai thì người ấy nên gặp một chuyên gia về bệnh mất trí nhớ để đảm bảo rằng bản thân mình không mắc bệnh”, Katherine Rankin, một nhà tâm lý thần kinh của Đại học California tại Mỹ, tuyên bố.
Rankin và các đồng nghiệp yêu cầu 175 người xem những đoạn video mà trong đó các nhân vật nói chuyện với nhau. Hơn một nửa trong số 175 người này từng hoặc đang mắc một hội chứng rối loạn thần kinh như suy giảm trí nhớ. Thỉnh thoảng các nhân vật trong những đoạn video nói dối hoặc thể hiện thái độ mỉa mai bằng ngôn ngữ cơ thể và lời nói. Sau khi các tình nguyện viên xem xong video, nhóm nghiên cứu hỏi họ rằng họ có phát hiện ra hành vi bất thường của những nhân vật trong video hay không, Livescience cho biết.
Kết quả cho thấy những người đang mắc một dạng bệnh suy giảm trí nhớ phân biệt kém hơn nhiều so với người bình thường.
Sau khi chụp não của tất cả tình nguyện viên bằng máy chụp cộng hưởng từ, các nhà nghiên cứu thấy nhiều dấu hiệu tổn thương trong vùng thùy trước trán của những người không phân biệt được lời nói dối và mỉa mai.
Giới khoa học khẳng định thùy trước trán có nhiệm vụ giúp con người xác định những lời nói dối và châm biếm. Vì thế nhóm nghiên cứu lập luận rằng, việc ai đó không phát hiện ra điều này có thể là dấu hiệu báo trước tình trạng suy giảm trí nhớ trong tương lai.