Con, cháu của những chuột đực giao phối với nhiều chuột cái có sức khỏe và khả năng sinh sản cao hơn so với hậu duệ của những "chàng" tuân thủ chế độ "một vợ một chồng".
Ảnh minh họa: mustknowhow.com. |
Một nghiên cứu trước đây chứng minh những con đực thuộc loài ruồi ăn trái Drosophia sẽ sinh ra những đứa con khỏe mạnh hơn nếu chúng giao phối với nhiều ruồi cái. Ruồi là động vật không xương sống nên giới khoa học không biết xu hướng tương tự có xảy ra ở loài động vật có xương sống - bao gồm cả con người - hay không. Vì thế Renee Firman và Leigh Simmons – hai nhà khoa học của Đại học Western Australia – quyết định tìm hiểu.
Hai nhà nghiên cứu nuôi một số con chuột - một trong những loài động vật có xương sống. Khi chúng tới giai đoạn trưởng thành họ chia những con đực thành hai nhóm. Một nhóm giao phối với nhiều chuột cái, còn mỗi con trong nhóm kia chỉ làm “chuyện ấy” với một đối tác, Livescience cho biết.
Sau 8 thế hệ hai nhà nghiên cứu nhận thấy tinh trùng của những con chuột đực giao phối với nhiều con cái ngày càng khỏe hơn và nhanh hơn so với những con chỉ giao phối với một chuột cái. Ngoài ra số lượng tinh trùng của những con chuột “đa tình” cũng lớn hơn hẳn.
Để tìm hiểu khả năng thành công khi giao phối của hai nhóm, các chuyên gia cho chuột đực “chung thủy” và “đa tình” giao phối với một con cái. Kết quả cho thấy con đực nào làm “chuyện ấy” trước thì tinh trùng của nó sẽ bơi tới trứng trước. Nhưng nếu chuột đực “đa tình” giao phối sau, khả năng làm cha của chúng vẫn cao hơn so với chuột “chung thủy” tới 19%. Như vậy, nhìn tổng thể thì khả năng thụ tinh thành công của chuột “đa tình” vẫn cao hơn.
Sự cạnh tranh giữa tinh trùng là một dạng chọn lọc tự nhiên trong thế giới động vật. Những con đực có tinh trùng khỏe luôn có cơ hội làm cha cao hơn so với các đối thủ. Cuộc đua tranh giữa các tinh trùng chỉ xảy ra khi một con cái giao phối với nhiều con đực. Để tăng khả năng truyền gene sang thế hệ sau, các con đực phải sinh ra những “tinh binh” khỏe và nhanh.