Đó là một rối loạn khí sắc xảy ra vào mùa thu và đông, thường nhầm lẫn với trầm cảm do mang nhiều đặc điểm tương tự.
Bệnh biến đổi cảm xúc theo mùa xảy ra do lượng ánh sáng giữa các mùa trong năm thay đổi. Vào mùa thu và đông sẽ có nhiều phụ nữ buồn bã, ủ rũ vô cớ. Nếu tâm trạng này chấm dứt vào mùa xuân hay hè thì đó chính là bệnh biến đổi cảm xúc theo mùa, khác với chứng trầm cảm kéo dài quanh năm.
Thiếu nắng
Người sống ở cực Bắc của Bắc bán cầu hay cực Nam của Nam bán cầu dễ bị bệnh biến đổi cảm xúc hơn so với các khu vực khác. Thực tế, sống càng xa đường xích đạo về phía Bắc hay Nam thì càng có nguy cơ mắc bệnh. Nguyên nhân do ngày càng ngắn, số giờ có nắng trong ngày càng giảm sẽ khiến võng mạc ít được ánh sáng mặt trời tác động, chất serotonin của cơ thể tiết ra ít, dẫn đến nồng độ melatonin giảm xuống. Mặt khác, dao động theo mùa của các chất này cũng gây bệnh.
Chu kỳ thức-ngủ gây ra những dao động về nồng độ serotonin và melatonin, giúp con người ngủ ban đêm và thức ban ngày. Khi các hóa chất trong não mất cân bằng thì nồng độ serotonin có thể không đủ vào ban ngày để tăng lên bằng với nồng độ trong mùa xuân và mùa hè. Ngoài ra, bệnh cũng xuất hiện khi cơ địa phản ứng quá nhạy cảm với thay đổi bất thường của thời tiết.
Tăng cường vận động
Liệu pháp ánh sáng (tăng tác động của ánh sáng đến não thông qua võng mạc) thường được chỉ định để phòng tránh bệnh biến đổi cảm xúc theo mùa. Hiệu quả điều trị có thể đến 60% - 80% và cải thiện rõ rệt trong vòng 4 - 5 ngày.
Từ 3% - 5% dân số trưởng thành ở phương Bắc, chủ yếu là phụ nữ, bị trầm cảm theo mùa, dường như do thiếu vitamin D. Ánh nắng mặt trời có tác dụng làm tăng lưu thông máu, điều hòa huyết áp, giảm cholesterol và nhu cầu tiêu thụ ôxy, giúp phòng các chứng bệnh hay gặp như mệt mỏi, đau lưng, nôn mửa, chán ăn, hoảng loạn và dễ bị xúc động mạnh.
Do đó, bệnh nhân cần tăng cường vận động nhiều (đi bộ, tập aerobic) để tiếp xúc với ánh sáng giúp cơ thể khỏe khoắn, hấp thụ nhiều ánh sáng, lấy lại hưng phấn, đặc biệt làm bớt u sầu và trầm cảm; ăn ít mỡ, chỉ dùng đủ lượng đạm, càng giảm bớt đồ ngọt và chất bột càng tốt; không nên uống cà phê; tăng ánh sáng trong nhà liên tục nhiều giờ…
Dấu hiệu nhận biết
Bệnh biến đổi cảm xúc theo mùa thường có những biểu hiện như: hành động chậm chạp uể oải; thiếu nghị lực sống, mỏi mệt nhiều, thèm ngủ và luôn ở trạng thái lơ mơ; tăng sự thèm ăn, nhất là đồ ngọt và tinh bột, do đó, có thể lên cân; sống thu mình, không thích giao lưu với bạn bè và gia đình, gặp trở ngại trong giao tiếp xã hội; không còn ham muốn tình dục, thường thấy lo âu, sợ hãi; khó tập trung vào nhiều việc hay nhiệm vụ khác nhau…
Các triệu chứng này mang tính chu kỳ, xuất hiện và biến mất vào cùng một thời điểm trong các năm. Trong khi các triệu chứng ở trầm cảm nặng (chẳng hạn như mỏi mệt) không thay đổi trong ngày thì ở bệnh biến đổi cảm xúc lại tăng lên suốt ngày. Nếu bệnh kèm theo cả trầm cảm nặng thì cần đến gặp thầy thuốc ngay.