11 ngày sau khi sinh, chị Lê Thị Hồng Nương quăng con xuống mương nước với lý do "nghèo quá nuôi không xuể". Hành vi trên theo các bác sĩ tâm lý, xuất phát từ chứng trầm cảm sau sinh. Theo các bác sĩ Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản TP HCM và Bệnh viện Tâm thần TP HCM, mỗi tháng có hàng trăm sản phụ mắc chứng trầm cảm được đưa đến khám. Mỗi người một mức độ bệnh khác nhau, thường thấy nhất là ít nói, xa lánh con, trở nên hung hãn. Không ít người bệnh nặng với các hành vi muốn giết hại người khác hoặc tự sát.
Chị Huỳnh Thị Lý nhà ở Long An, sau khi sinh lại cứ đánh con và đòi chết. Cô ấy nhiều lần toan tự sát vì cho rằng mình không biết nuôi con. May mà người nhà phát hiện kịp, chồng của chị Lý nói.
Vốn tính tình vui vẻ, hoạt bát, hòa đồng, nhưng sau khi sinh con, chị Thủy (23 tuổi) nhà ở quận 5 đột nhiên im lặng không chịu giao tiếp và thường xuyên cáu gắt vô cớ. Đưa bà xã đi khám, anh Tuấn được các bác sĩ cho hay vợ anh bị chứng trầm cảm sau sinh.
Cũng có những biểu hiện bất thường như chị Thủy, chị Hạnh (25 tuổi) ở quận 3 TP HCM từ một phụ nữ hiền lành, ít nói, bỗng trở thành hung dữ.
Bình thường vợ tôi không có kiểu chửi chó mắng mèo, thế nhưng đẻ xong, ai làm gì cô ấy cũng không hài lòng. Tôi tắt đèn đi ngủ thì cô ấy bảo muốn mở đèn để ngủ. Tôi nhờ lấy giúp cái khăn thì cô ấy bảo "tôi không phải người hầu". Đến bác sĩ, tôi mới biết vợ mình bị chứng trầm cảm, anh Hưng chồng chị Hạnh nói.
Cùng cảnh vợ bỗng dưng bất thường sau sinh, anh Huy nhà ở quận 11 cho hay, trước sinh, Yến háo hức chờ con chào đời, thế nhưng sau sinh cô thậm chí không nhìn mặt con. Con khát sữa khóc, cô lại sang phòng khác ngồi chứ nhất định không cho bú. Lúc đứa trẻ khóc to, thay vì dỗ, Yến lại tát vào mông bé và mắng nhiếc.
Các bác sĩ Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản TP HCM cho biết, khoảng 40% phụ nữ mắc hội chứng này sau khi sinh con đầu lòng; nửa số sản phụ bị trầm cảm sau sinh đã tái trầm cảm lúc sinh con thứ 2.
Các rối loạn tâm thần thường xuất hiện khoảng vài ngày đến 6 tuần sau sinh, với nhiều mức độ khác nhau. Ở dạng trầm cảm nhẹ, đẻ xong khoảng 3-4 ngày người mẹ thường thấy mệt mỏi, các hoạt động vô cùng khó khăn và vụng về, lo lắng thái quá đối với sức khỏe của con và của bản thân, khóc vô cớ.
Trầm cảm ở dạng nặng, người mẹ thường buồn rầu, cáu gắt vô cớ, rối loạn hành vi, mất định hướng về không gian và thời gian, không chủ động được bản thân, có những lời nói hay hành vi thô bạo, xúc phạm tới người xung quanh. Theo các nghiên cứu tại Bệnh viện Từ Dũ (TP HCM), có đến 50% số người muốn giết hại người khác hoặc tự sát.
Ông Văn Thanh Sĩ, chuyên viên tư vấn văn phòng TT&T cho rằng, về cơ bản trầm cảm là trạng thái bệnh lý xuất hiện sau khi người ta trải qua một biến cố lớn hoặc cú sốc mạnh như sinh con, phẫu thuật, xúc động mạnh, ức chế tâm lý…
Trong những sự cố về sức khỏe sản phụ sau khi sinh thì trầm cảm chỉ là một, bên cạnh đó còn có nguy cơ về bệnh tâm thần, bất mãn, bại liệt, tử vong... Riêng với người đã có tiền sử trầm cảm thì nguy cơ tái phát chứng này càng cao.
Ông Sĩ nhìn nhận, đối với những trường hợp mắc chứng trầm cảm nặng dẫn đến mất ý thức, bệnh nhân không kiểm soát được những hành động của mình và có thể gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng.
Nhằm hạn chế những sự cố ngoài ý muốn xảy ra với sản phụ, tại các nước tiên tiến trên thế giới, phụ nữ khi mang thai được hướng dẫn bài bản về những bài tập hít thở, động tác vận động, tư thế sinh… để không bị sốc với những vấn đề xảy ra trong lúc vượt cạn.
Tại Việt Nam, theo ông Sĩ, các tổ chức xã hội về bà mẹ và trẻ em cần quan tâm hơn nữa trong việc tạo điều kiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe thai kỳ cho phụ nữ. Song song đó, phía gia đình cũng cần quan tâm chăm sóc chu đáo hơn, tránh để người mẹ phải lao động chân tay, suy nghĩ căng thẳng hay ức chế tâm lý.
"Nếu sản phụ được chăm sóc tốt, được sống trong một môi trường lành mạnh, thoài mái và không bị áp lực về tâm lý, công việc thì ít có nguy cơ trầm cảm", ông Sĩ nói.
Theo Afamily