Chuyên gia giáo dục Elizabeth Pantley (Mỹ) giúp bạn giao tiếp tích cực và có hiệu quả với trẻ trong việc hướng trẻ biết vâng lời người lớn.
Thế nào là "nguyên tắc của bà"?
Elizabeth Pantley: Thời trước, tạm gọi là thời của bà, rất dễ hiểu khi bọn trẻ, với tư cách là thành viên trong gia đình, cần phải có những trách nhiệm nhất định. Muốn có được các quyền ưu tiên, trẻ phải hoàn thành nhiệm vụ/trách nhiệm của mình trước đã.
Ý tưởng ẩn sau nguyên tắc này là bạn thừa nhận mong muốn của trẻ, nhưng trẻ sẽ chỉ đạt được mong muốn đó khi thực hiện một công việc khác trước tiên. "Công việc khác" ấy phải thật cụ thể, do người lớn (cha mẹ, ông bà) yêu cầu, chỉ định.
Áp dụng nguyên tắc này, lợi ích thu được cao gấp 3 lần:
1. Yêu cầu của bạn rất cụ thể, vì thế trẻ có thể hiểu được.
2. Bạn thừa nhận mong muốn/nhu cầu của trẻ cùng lúc với đưa ra điều mình muốn/yêu cầu
3. Bạn tiếp cận vấn đề theo cách mở: Mời gọi trẻ có thái độ hợp tác.
Cụ thể nguyên tắc như sau:
"Con có thể… sau khi con…"
Con có thể ra ngoài chơi sau khi con rửa bát
Con có thể xem phim sau khi làm bài tập
Chúng ta sẽ đọc truyện sau khi con mặc xong đồ ngủ
Ngay sau khi đóng nắp hộp sữa con có thể chơi game trên máy tính
Một điều cần nhớ với "nguyên tắc của bà" là hạn chế càng nhiều càng tốt các "từ ngữ khiêu chiến". Đó là các từ như: "Con không được…", "Đừng…", "Không" và "Dừng ngay lại!".
Hãy xem sự khác biệt trong diễn đạt ảnh hưởng thế nào đến cảm xúc của trẻ khi nghe:
- Con không được đi chơi khi chưa làm xong bài tập
- Được chứ, con có thể đi chơi ngay sau khi làm xong bài tập.
- Đừng ăn bánh quy khi chưa xong bữa tối
- Con có thể ăn bánh quy ngay sau khi dùng xong bữa tối
- Không, con không được sang nhà bạn Tom
Con có thể đến nhà bạn Tom và thứ Bảy, khi đi học bơi về.
Rõ ràng cùng một mong muốn/yêu cầu, nhưng cách diễn đạt sau dễ nghe hơn cách diễn đạt trước, và có khả năng mời gọi thái độ hợp tác của trẻ tốt hơn.
Áp dụng cách giao tiếp này, các bậc cha mẹ sẽ thấy việc giao tiếp với con được cải thiện tích cực đáng kể. Con dường như "ngoan và biết vâng lời hơn". Thực tế, không có đứa trẻ nào sinh ra đã ương bướng. Trẻ luôn sẵn sàng vâng lời, nhưng bạn cần cho trẻ thấy rõ mình muốn trẻ làm gì và lợi ích mang lại là gì sau khi trẻ thực hiện yêu cầu đó