Mỗi lần nghe thấy con run rẩy nói: “Mẹ ơi! Con sợ!” là chị Hoa nẫu ruột bởi bé Bông quá nhút nhát.
Tính nhút nhát của trẻ không phải là bẩm sinh, mà nhiều khi là do cha mẹ đã quá “bao bọc” con. Để đến lúc cha mẹ giật mình nhìn lại thấy con mình quá nhút nhát đến nỗi không dám tham gia các hoạt động nào, không dám bắt đầu với những cái mới lạ hoặc thậm chí là không dám nói chuyện nơi đông người.
Vậy làm sao để giúp con tự tin và mạnh dạn hơn?
“Mẹ ơi, con sợ!”
Chị Hoa đã quá chán mỗi khi cô con gái nhỏ 4 tuổi thốt ra câu đó. Cứ mỗi lần bảo con làm gì hay đưa con đến chỗ đông người là y như rằng, chẳng cần chờ chị cũng đoán ra cô bé sẽ lặp lại điệp khúc: “Mẹ ơi, con sợ!”.
Chẳng là bé Bông - con gái chị Hoa năm nay 4 tuổi và có tính nhút nhát. Mặc dù đi lớp nhà trẻ được hơn 1 năm rồi nhưng có vẻ bé Bông vẫn chưa quen. Lần nào đến lớp là bé cứ bám chặt lấy chân bố mẹ, cô giáo phải dỗ dành mãi mới chịu vào lớp nhưng không quên ngoái lại nhìn xem bố mẹ còn đứng đó không. Chỉ cần bố mẹ bỏ đi trước khi bé vào lớp là Bông nhà ta có thể sụt sịt một cách ngon lành.
Ở lớp, Bông không chơi với nhiều bạn, cũng không dám thử với những đồ chơi mới. Mỗi lần cô giáo hỏi: “Bông đóng giả làm bác sĩ con nhé!?” hoặc “Bông đứng đầu hàng đi trước đi!” là thế nào Bông cũng lí nhí: “Cô ơi, con sợ!”.
Để giờ đây, cả hai anh chị đều phát hoảng với cô con gái quá nhút nhát của mình. Câu nói quen thuộc nhất của Bông vẫn cứ là: “Mẹ ơi, con sợ!” và thái độ nem nép, thu mình ra vẻ sợ hãi.
Điều bố mẹ Bông lo lắng nhất là, cứ đà này không biết vào học tiểu học Bông có theo học nổi không vì tính quá nhút nhát của con. Giờ đây, việc quan trọng nhất là phải giúp Bông thoát khỏi tính nhút nhát vốn có này.
Giúp con không còn quá nhút nhát
Bản thân tính nhút nhát không phải là xấu, nhưng nếu trẻ quá nhút nhát thì rất có thể cha mẹ cần xem xét lại, vì như vậy trẻ sẽ rất khó hòa đồng với thế giới xung quanh.
Theo các chuyên gia, để giúp trẻ thoát khỏi tính nhút nhát không phải là khó.
- Trước hết, cha mẹ cần tập trung vào một hành vi cần thay đổi của con và thay đổi hành vi đó. Ví dụ bạn nói với con gái rằng con nên nói chuyện với các bạn, vì đó là điều tốt, nên làm… và để con tự làm điều đó. Lúc đầu, con bạn có thể sẽ không dám như mẹ bảo. Vậy nên, cha mẹ cần mỉm cười khuyến khích con, khen hoặc nói chuyện với bạn của con để con có thể bạo dạn hơn.
- Một cách khác là giúp con có thể nói chuyện hoặc thể hiện tình cảm trước gương. Cứ coi như đó là một trò chơi, và người trong gương là một người bạn. Trẻ có thể sẽ cảm thấy thoải mái hơn với cách tiếp cận này và sẽ thấy tự tin hơn. Sau đó, bé sẽ cười nhiều hơn với chính mình trong gương, và rồi sẽ là cười với mọi người bên ngoài, bắt đầu là với những người bé yêu quý.
- Cha mẹ cũng nên đăng kí cho con tham gia các nhóm sinh hoạt ở trường lớp, ví dụ như nhóm thể thao, hát múa…
Điều quan trọng là để thay đổi tính nhút nhát của con, cha mẹ cần kết hợp với cô giáo và các bạn cùng lớp của con. Đây không phải việc một sớm một chiều, sự kiên trì và khuyến khích động viên con hàng ngày sẽ giúp con bạn có những tiến bộ rõ rệt.
Theo Afamily