Một mình nuôi 3 đứa con nơi xứ người, trong khi vẫn phải lo hoàn tất khóa học về giáo dục tại New Zealand, nhiều người rất ngạc nhiên trước nghị lực của Lương Hoàng Anh.
Ngày nào cũng thấy cô vui vẻ, hạnh phúc bên các con qua các hình ảnh trên trang cá nhân Facebook, dù trong năm qua, cô đã trải qua quá nhiều sóng gió trong đời sống hôn nhân.
Lương Hoàng Anh và 3 con tại New Zealand
Nhìn hình ảnh đó, có nhiều người băn khoăn: liệu họ có nên trở thành một bà mẹ đơn thân tiếp theo? Lương Hoàng Anh đã chia sẻ những kinh nghiệm riêng của mình đối với những ai đang thắc mắc về vấn đề này. SSM xin đăng lại bài viết của cô.
"Có hai câu hỏi khó nhất trong cuộc đời người phụ nữ là: 1.Sinh con thế nào; và 2.Thay đổi cuộc đời như thế nào?! Mình xin phép được phân tích vấn đề theo quan điểm cá nhân và kinh nghiệm thực tế của chính mình. Tuy bản thân chưa đến tuổi "Ngũ Thập Tri Thiên Mệnh", nhưng với kinh nghiệm đã đẻ con nhiều hơn số Nhà Nước cho phép Đảng viên đẻ trong cả đời người; và đã thay đổi nhà ở và môi trường sống nhiều hơn người bình thường có thể làm trong một trăm năm, thì mình nghĩ câu trả lời sau đây cũng đáng để suy ngẫm...
Trước tiên là việc 'sinh con thế nào' là tốt nhất. Dĩ nhiên lý tưởng là đứa trẻ sinh ra có đủ tình yêu và trách nhiệm của bố lẫn mẹ để chăm sóc và dạy dỗ con nên người, ít nhất là đến khi con 18 tuổi. Nhưng lý tưởng luôn là cái để người ta phấn đấu, chả thế mà ông bà nói: "thế gian được vợ hỏng chồng"! Và cuộc sống luôn tạo ra sự khiếm khuyết để con người luôn phải phấn đấu, vươn lên. Nhìn những cuộc đời xung quanh, không khó để thấy "mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh".
Nhà có vợ giỏi dang, xinh đẹp, tương đối lý tưởng thì chồng lại có nhiều "vấn đề", và ngược lại. Hoặc nhà có cả vợ lẫn chồng tương đối lý tưởng, thì đứa con sinh ra có "vấn đề". Hoặc tôi biết có gia đình cả vợ chồng con cái đang sống rất lý tưởng, gia đình họ là tấm gương cho cả xã hội noi theo, thì tự nhiên ông chồng bị tai nạn chết bất đắc kỳ tử.
Ngoài ra, nhìn những danh nhân thành đạt trên thế giới, thì hơn 50% trong số họ là có xuất thân từ gia đình "có vấn đề", hoặc mồ côi ba/mẹ sớm. Vậy nếu bạn quyết định làm bà mẹ đơn thân, thì có ích kỉ và nhẫn tâm với tương tai đứa trẻ không? Điều này phụ thuộc việc bạn chuẩn bị cho đứa trẻ ra đời như thế nào, và cam kết trách nhiệm nuôi dạy con đến đâu!
Mấy mẹ con tranh thủ chụp hình, làm dáng trong lúc đợi khách đến dự tiệc
Trong trường hợp của tôi, khi sinh 2 con gái Luli thì cả xã hội phản ánh, chê trách, và cả trù ẻo "để rồi xem"! Nhưng cho đến bây giờ tôi thấy quyết định đúng đắn và khôn ngoan nhất trong cuộc đời tôi là sinh ra hai cô công chúa Luli khỏe mạnh, thông minh và xinh đẹp.
Con tôi không có một người cha lý tưởng, nhưng ít ra không bao giờ bị tổn thương vì phải sống với một người cha vô trách nhiệm, nhậu nhẹt bê tha, hay bạo hành vợ con; không bao giờ phải mông lung giữa việc chia sẻ tình cảm giữa con anh, con tôi, con chúng ta; và cũng không bao giờ bối rối vì sự không thống nhất trong cách giáo dục của cha và mẹ.
Con tôi sống vui vẻ, hồn nhiên, khỏe mạnh và rất hạnh phúc. Không bao giờ phải tủi thân vì bất cứ điều gì khi chúng hiểu rằng: trong cuộc sống "mình có nhiều thứ mà người khác không có, và ngược lại" là điều rất bình thường. Chúng kính trọng, thương yêu và trân trọng sự chăm sóc nuôi dạy tần tảo của tôi dành cho chúng hàng ngày. Và đây cũng chính là hạnh phúc lớn nhất trong đời tôi!
Vậy để sinh ra những đứa con tốt nhất trong khả năng "mẹ đơn thân" của mình, thì bạn phải chuẩn thế nào cho phù hợp?
Thứ nhất, là phải đảm bảo kinh tế để cho con ăn học như người bình thường, đến ít nhất năm con 18 tuổi. Vì là mẹ đơn thân, nên bất cứ rủi ro nào xảy ra với bản thân (cái này "trời kêu ai nấy dạ"), thì con bạn sẽ màn trời chiếu đất nếu không có di sản được bảo hiểm và được luật pháp bảo vệ. Đừng tính đến bất cứ sự hỗ trợ nào của tha nhân, vì không thể đặt sinh mạng và tương lai con mìnnh vào một lời hứa suông hay giả thuyết mơ hồ!
Cùng hai cô con gái song sinh trang trí nhà cửa
Thứ hai, kinh tế chỉ là "điều kiện cần", để nuôi con nên người thì người mẹ đơn thân phải có đủ kiến thức để làm "cả cha lẫn mẹ". Đây là kiến thức được đưa vào kiến thức phổ thông ở các nước phát triển (sách tham khảo: Parenting Knowledge). Từ khi muốn mang thai, mẹ phải ăn uống như thế nào, tập luyện thể chất tinh thần thế nào; cho đến khi có thai thì gìn giữ và chăm sóc đứa trẻ ra sao? (sách tham khảo: Mẹ và Bé của BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng); và khi sinh con ra rồi thì phải hiểu quá trình phát triển của trẻ theo từng độ tuổi để chăm sóc và giáo dục trẻ cho đúng (sách tham khào: Child Development, Berk., 2009).
Thứ ba, khi đã có đủ tài chính, kiến thức thì việc cam kết thực hiện hay nói rộng hơn là trách nhiệm lâu dài đối với chúng là điều quan trọng nhất. Tôi đã quyết định sinh con khi chuẩn bị đầy đủ ba yếu tố quan trọng nhất này, khi tôi bước vào tuổi 30.
Nhiều người thanh minh với tôi, rằng ai cũng biết vậy là tốt nhưng không phải ai cũng làm được... Thật ra ai có sức khỏe và trí não phát triển bình thường, đều có thể làm một Người Mẹ tốt. Có điều nhiều người chỉ nói thương con, nhưng không hề muốn làm những việc mà mẹ thương con phải làm. Họ không muốn lao tâm khổ trí, không muốn dành thời gian hay phải hy sinh những sở thích cá nhân, nói chung là không có trách nhiệm với con và với quyết định của bản thân họ.
Đối với cá nhân tôi, thì sinh ra một sinh linh, tạo ra một thế hệ nối tiếp là "Thiên Chức", là một "Mục Tiêu Cả Đời" mà tôi phải chuẩn bị, lên kế hoạch, và cam kết thực hiện đến nơi đến chốn; chứ sinh con không phải là kết quả của vài phút "hứng tình", rồi sau đó muốn ra sao thì ra! Vậy nên, nếu đứa trẻ có cả cha lẫn mẹ, mà cha mẹ không đủ kiến thức, trách nhiệm, cũng như kinh tế để nuôi dạy con nên người thì con cũng chẳng phát triển tốt được.."
Theo Afamily
------------------------------
------------------------------