Một sáng cuối tháng 12 vừa qua, trường tôi tổ chức lễ phát bằng tốt nghiệp cho các sinh viên khóa 2006 – 2010. Không khí hôm ấy thật nhộn nhịp, cổng trường rực rỡ hoa được bày bán để chúc mừng, còn sân trường đầy ắp người. Các tân cử nhân trong bộ lễ phục hân hoan hạnh phúc trong ngày vui và nô nức chụp hình cùng bạn bè.
Nhưng trong số họ, tôi thấy không nhiều những người có cha mẹ cùng đi để vui với con mình trong ngày quan trọng nhất đời sinh viên. Đem chuyện này kể với các bạn, có người cũng buồn và bảo chắc do phần lớn sinh viên ở xa nên cha mẹ không đến chung vui được. Nhưng lại có bạn ngạc nhiên hỏi: “Tại sao lại phải có ba mẹ trong ngày tốt nghiệp? Sau này đến lượt cậu, cậu cũng đưa ba mẹ dưới quê lên dự à? Tớ thì không!”.
Tôi nghe câu hỏi, và câu khẳng định chắc nịch mà bạn buông ra hết sức tự nhiên, mà chợt thấy hẫng trong lòng. Cứ ngỡ việc mời ba mẹ lên dự lễ tốt nghiệp của mình là chuyện hẳn nhiên, ít nhất là đối với những sinh viên thành phố hay các tỉnh lân cận, nhưng sao với bạn tôi, đó lại là chuyện không cần thiết?
Có bố mẹ nào mà không mong đến ngày thấy con cười rạng rỡ trong bộ lễ phục và tấm bằng đại học trên tay. Đó là kết quả miệt mài học tập của con cái 4 nằm ròng, có khi còn hơn, là công sức bố mẹ vất vả ngược xuôi để lo cho con mình yên tâm đèn sách?
Chợt nhớ đến một bà mẹ từng buồn bã kể rằng con mình không cho bà đến dự lễ tốt nghiệp của con, dù bà đã năn nỉ đến rơi nước mắt. Bà tự an ủi có lẽ con sợ mình đi xa vất vả... Mà có xa xôi vất vả gì cho cam, khi từ quê bà đến Sài Gòn này chỉ hơn trăm cây số với 3 tiếng ngồi xe.
Tôi cố lý giải cho câu hỏi có vẻ như bâng quơ của bạn, và có lẽ của không ít người khác nữa. Phải chăng bạn không muốn người cha người mẹ chân lấm tay bùn của mình đứng giữa sân trường đại học danh giá này, nhìn bạn rực rỡ giữa những bó hoa và những lời chúc tụng? Hay bạn không muốn những gương mặt dày gió dạn sương của ba mẹ mình làm hỏng những tấm ảnh lung linh của bạn và bạn bè trong ngày tốt nghiệp?
Tôi biết có những người cha, người mẹ cả đời chỉ mong được một lần lên thành phố, đến chỗ ở của con để xem con sống thế nào, hay đứng trước cổng trường của con để xem chỗ con mình học tròn méo ra sao. Nhưng tất cả những gì họ có thể làm là lo toan mưu sinh, chắt chiu đừng đồng gửi lên cho con ăn học. Và những đứa con của họ, cũng mong mỏi biết chừng nào để cha mẹ mình có thể chứng kiến ngày họ hoàn thành sứ mệnh với tấm bằng tốt nghiệp trên tay. Nhưng kinh phí và khoảng cách địa lý xa xôi một lần nữa cũng dập tắt ước mơ của họ.
Vậy tại sao lại có những người, trong khi mọi điều kiện và hoàn cảnh đều cho phép, thì tự mình khước từ cái quyền hẳn nhiên của cha mẹ được hiện diện trong ngày tốt nghiệp của mình?
Tôi nhớ đến má mình, người cũng đã từng tốt nghiệp đại học, đã lui tới thành phố nhiều lần. Hẳn nhiên người không có cái mong mỏi được đến thăm con, được thấy trường đại học của con như những bà mẹ quê khác. Nhưng cũng như họ, má tôi đang ngày ngày vất vả để lo cho tôi ăn học. Ngày tốt nghiệp tới đây của tôi, chắc chắn sẽ có mặt ba má tôi, và sẽ không có tấm hình nào đẹp bằng bức ảnh của tôi giữa gia đình, trong bộ lễ phục và tấm bằng đại học trên tay.
Lương Nguyễn