Ghé thăm nhà anh Xuân Thành (Q.Phú Nhuận, TP.HCM), tôi đã “choáng” khi quan sát căn phòng của đứa con gái anh chị - bé Bình (tám tuổi). Căn phòng rộng gần 30m2 với nhiều đồ chơi đắt tiền. Bé Bình khoe với tôi dàn máy vi tính mới được bố mẹ sắm cho. Tôi giả vờ hỏi về mục đích sử dụng, cháu ngây thơ cho hay: “Bố mua để cháu chơi game đó”. Mẹ bé Bình - chị Hằng than: “Mệt nhất là những lần đi siêu thị với con. Một mình tôi khệ nệ với đống đồ chơi mà bé đã chọn”. Tôi đặt vấn đề với chị Hằng: “Sao anh chị mua cho bé nhiều vậy?”. Chị bảo: “Con đã đòi mà mình không đáp ứng là không xong đâu. Có lần, bé đã bỏ ăn cả ngày vì tôi không mua cho bé một món đồ chơi đó”.
Là giám đốc của một công ty, anh Văn Chấn (Q.Tân Bình) thường đi công tác. Anh tâm sự: Không có nhiều thời gian bên con trai nên sau mỗi lần đi công tác là anh lại mua cho cu cậu vài món đồ chơi như một cách “bù lỗ” cho con. Chính suy nghĩ đó mà khi con trai mới 14, 15 tuổi, anh đã tậu cho “cậu ấm” chiếc xe tay ga bóng láng. Còn những điện thoại Iphone 3G, dàn nhạc hifi, máy vi tính… thì đã có từ lâu...
Đáp ứng nhu cầu của con cái như trên sẽ rất dễ dẫn đến việc con cái không biết quý trọng đồng tiền - tiêu xài hoang phí. Chính vì thế, phụ huynh nên có cách “ràng buộc ngân sách mềm”. Anh Thanh Hải (Q.Phú Nhuận) “bật mí”: “Mỗi lần đưa con đến siêu thị hay đi mua sắm, tôi thường chỉ cho trẻ sử dụng một số tiền có hạn và yêu cầu trẻ tự xoay xở với khoản tiền đó”. Theo anh, tuyệt đối không cho trẻ tiền khi chúng chưa biết, chưa nắm chắc mục đích sử dụng. Việc trẻ chỉ biết nhận mà không biết cho cũng sẽ tạo cho trẻ trở nên ích kỷ. Nên “mớm” vào suy nghĩ của trẻ: “Trò chơi này, chị em con phải chơi chung với nhau nhé”…
Chị Ngọc Thoa - một giáo viên, khuyến cáo: “Theo tôi, phụ huynh chỉ nên tặng quà cho trẻ vào những dịp đặc biệt như sinh nhật, lễ tết, tổng kết năm học… Có như vậy, trẻ mới biết mong chờ, mới thấy hết ý nghĩa món quà”. Mặt khác, phụ huynh phải biết từ chối những yêu cầu không chính đáng của trẻ. Việc trẻ không bao giờ bị từ chối yêu cầu đồng nghĩa với việc trẻ chưa “nếm mùi” thất bại. Chưa trải nghiệm thất bại, sau này trẻ sẽ dễ mất ý thức cầu tiến.
ThS Đặng Quốc Minh Dương (Đại học Văn Hiến TP.HCM)