Chính kiểu xin lỗi con tùy tiện của chị đã khiến con chị không xem việc xin lỗi người khác là quan trọng. Con bé nghịch lửa, bị mẹ rầy, nó khoanh tay xin lỗi mẹ rồi ngồi xuống… chơi tiếp. Chơi trò may đồ cho búp bê, con bé lấy chiếc váy xịn của chị ra cắt. Sau khi bị mẹ mắng một trận, con bé xin lỗi mẹ. Nhưng hôm sau thì chiếc đầm mới của chị đã biến thành đầm của búp bê…
Khi con bé lớn, nó đã quen với kiểu “lời xin lỗi gió bay”. Mấy lần nó trốn học đi chơi, về nhà chỉ cần xin lỗi mẹ là xong. Chị hứa mua xe đạp điện cho nó, nhưng kẹt tiền, chưa mua được. Thay vì giải thích cho con hiểu gia đình đang khó khăn, chưa thể thực hiện lời hứa, chị lại xin lỗi con. Cô giáo của con bé mời phụ huynh lên “mắng vốn”, ba nó bực, đổ lỗi cho chị không biết dạy con. Con bé hồn nhiên bảo: “Vậy là lỗi tại mẹ đó nghe”…
Anh bạn tôi kể, anh thích ngành công nghệ thông tin, nhưng cha anh buộc con phải vào y dược. Sau mấy năm làm ngành dược, anh vẫn đì đẹt mãi vì không thấy hứng thú. Anh học thêm về công nghệ thông tin. Không ngờ, chỉ làm việc ở ngành này có hai năm, anh đã tiến bộ vượt bậc. Trong bữa cơm họp mặt gia đình mừng anh lên chức trưởng phòng, cha anh chúc mừng và xin lỗi anh vì bấy lâu đã không coi trọng nguyện vọng của anh. Lời xin lỗi của cha làm anh rất xúc động. Sau việc đó, anh thấy cảm phục và kính trọng cha hơn.
Xin lỗi con là để giáo dục con, để sửa chữa sai lầm, để thắt chặt tình cảm cha con… Vậy thì khi cần thiết, nên xin lỗi con, nhưng không được tùy tiện dễ dãi mà phải đúng nơi đúng lúc; khi ấy lời xin lỗi mới có giá trị và làm con nể phục.
Nguyễn Thùy Gương
>>
>>
>>
>>
>>
>>
>>