Môi trường sống thu mình, cô độc do bố mẹ bận làm không quan tâm, trẻ xem tivi quá nhiều… chỉ là chất xúc tác. Trẻ đã có bệnh mà sống thiếu sự quan tâm thì bệnh nặng thêm…
Cha mẹ không để ý bệnh
Năm 2010, khoa Tâm bệnh, Bệnh viện Nhi T.Ư khám và điều trị cho khoảng gần 1.800 trẻ, 50% trong số này là trẻ nông thôn. Các bé được cha mẹ đưa đi khám rất muộn bởi trước đó, khi trẻ có các hội chứng tự kỷ, cha mẹ thường cho rằng con “tồ”, “ngố”, “chậm nói” và đưa đi chữa “mẹo”, thường là họ đưa con đi cầu cúng, đổi tên… thậm chí cho con đi cướp quà ở chợ.
Điều trị tâm lý cho trẻ tự kỷ tại khoa Tâm bệnh |
Tới bệnh viện này, hỏi 10 mẹ thì 7 mẹ trả lời là có chữa mẹo bằng cách cướp quà để cho con ăn, người ta đánh chửi mình càng tốt để cho con chóng biết nói, nhưng tất cả đều không hiệu quả.
Trẻ vẫn có các hội chứng tự kỷ như qua 2 tuổi mà không nói được hoặc nói từ vô nghĩa; trẻ không giao tiếp bằng mắt, không nhận biết được bố mẹ, người thân; trẻ hay chơi một mình, hay ăn vạ, xem ti vi suốt ngày hoặc nghịch ngợm...
Tuy nhiên, rất nhiều cha mẹ khi đưa con đi khám vẫn không biết con bị tự kỷ mà thường khám vì lý do chậm nói. Thực ra, rất khó phát hiện trẻ tự kỷ bởi nhìn nhóm trẻ này trông mặt còn đẹp, sáng sủa hơn trẻ bình thường.
Để phát hiện bệnh của trẻ, các chuyên gia tâm bệnh cũng phải có các bộ câu hỏi kiểm tra. Mới đây khi Chính phủ soạn thảo Luật Người khuyết tật, Hội Cha mẹ trẻ tự kỷ Hà Nội đã đề nghị phải xếp trẻ tự kỷ vào dạng khuyết tật để có hỗ trợ của nhà nước về mặt giáo dục, về bảo trợ xã hội.
Về lâu dài đây là nhóm thực sự cần được hỗ trợ. Hiện các trường không nhận nhóm trẻ này vì hành vi bất thường, hay quậy phá, gây nguy hiểm cho bạn học…
Tương lai của trẻ phụ thuộc vào cha mẹ
Hiện, chi phí kiểm tra, phát hiện trẻ tự kỷ là 200.000 - 300.000 đồng/trẻ (ở khoa Tâm bệnh) và khoảng 1-1,2 triệu đồng (ở các trung tâm điều trị trẻ tự kỷ). Trẻ có BHYT được chi trả chi phí khám bệnh này.
Bệnh tự kỷ khó có thể nói chữa khỏi mà chỉ có thể nói là giảm và cải thiện triệu chứng bệnh, vì đây là bệnh về gen. Hiện nay chưa có thuốc đặc trị bệnh này mà chỉ có thuốc điều trị triệu chứng.
Ví dụ như trẻ tự kỷ hay bị tăng động, tức là vận động luôn chân luôn tay; hay xúc động, cáu gắt, đập phá thì dùng thuốc để cho thần kinh dịu đi, chịu ngồi học yên hơn, không đánh bạn, nghe lời hơn…
Để điều trị cho trẻ tự kỷ, hiện tại chủ yếu điều trị về tâm lý. Nhiều người cho rằng hiện nay môi trường sống làm gia tăng số trẻ tự kỷ nhưng thực tế thì các nhà khoa học đã chứng minh đây là bệnh về gen.
Môi trường sống thu mình, cô độc do bố mẹ bận làm không quan tâm, trẻ xem tivi quá nhiều… chỉ là chất xúc tác. Trẻ đã có bệnh mà sống thiếu sự quan tâm thì bệnh nặng thêm… Vì vậy, điều trị tự kỷ cho trẻ rất cần sự phối hợp của cha mẹ (đợt điều trị tâm lý 3 tuần, 1 năm điều trị 3 đợt). Dạy trẻ tự kỷ phải kiên nhẫn, nhìn mắt con, gọi tên con, chơi đồ chơi cùng, vận động cùng trẻ…
Hiện nay, nhiều cha mẹ, dù biết con bị bệnh nhưng bận làm ăn không thể chăm sóc con mà phó thác hết cho ông bà. Ông bà 60-70 tuổi, trông trẻ còn khó thì không thể phối hợp điều trị cho trẻ được. Vì vậy, có thể nói rằng, tương lai trẻ tự kỷ như thế nào (bệnh tình nhẹ hơn hay diễn biến xấu đi) hoàn toàn phụ thuộc vào cha mẹ.
Theo Afamily