Mặc dù mẹ đã gợi ý, nhưng Bin thấy khó xử quá, trong lớp ai Bin cũng chơi, cũng đùa, vậy mời ai đây? Mời người này thì mất người khác, không mời thì sợ bạn giận. Lớp Bin có 40 bạn, mời hết tất cả thì lấy đâu đủ tiền? Đó là chưa kể đến mấy bạn hàng xóm, người lớn nhất là chị Linh, năm nay đã 15 tuổi. Đãi tiệc mặn thì Bin đâu biết nấu, tiệc ngọt thì người thích kẹo bánh người không…
Bin lấy số tiền mẹ giao cho, đếm đi đếm lại, không thể hình dung được sẽ làm gì với số tiền “khổng lồ” mà lần đầu tiên Bin được quản lý. Đang “bí” thì may quá, có Tom đến, hai bạn bắt đầu lên kế hoạch. Lấy bút giấy ra hí hoáy, “muốn tiêu tiền thì phải biết giá cả”, Tom nói như đinh đóng cột. Ừ nhỉ, mình phải biết có bao nhiêu người dự, mua gì, giá bao nhiêu…
Bin và Tom quyết định sinh nhật “đãi” hai nơi. Ở trường, trong giờ ra chơi sẽ mang bánh kẹo tới và cùng chơi trò chơi với các bạn. Buổi tối thứ bảy, kéo nhau lên sân thượng thổi nến, cắt bánh kem mua ở tiệm bánh gần nhà. Hai đứa lấy giấy màu ra cắt mấy bông hoa, cắm vào một cái cốc. Tiệc sinh nhật của Bin diễn ra hai nơi đều rất vui vẻ, tưng bừng. Quan trọng là Bin đã bắt đầu biết quản lý và sử dụng tiền một cách hiệu quả. Bin cảm ơn mẹ đã tạo cơ hội, cảm ơn Tom đã hỗ trợ tận tình.
Lên kế hoạch là một thói quen rất quan trọng. Khi xác định được chính xác điều mình muốn, bạn sẽ biết cần làm gì để dẫn đến thành công. Người lớn nên tập cho trẻ có một thói quen ghi chép những việc cần làm vào một cuốn sổ nhỏ. Thỉnh thoảng trẻ kiểm tra lại những việc đã làm và chưa làm được. Như vậy, trẻ sẽ biết cân đối mục tiêu đề ra và khả năng của mình. Trẻ con có rất nhiều ước mơ hoài bão, thậm chí đôi lúc hơi “viển vông, trừu tượng”, nhưng bố mẹ đừng ngăn cản, chế giễu hay phủ nhận. Từ ước mơ của trẻ, người lớn tập cho trẻ lên kế hoạch hành động để thể hiện ước mơ của mình; phân tích, đánh giá và cùng trẻ lập ra những kế hoạch nằm trong khả năng có thể thực hiện được. Người lớn cũng nên giúp trẻ lựa chọn những mục tiêu cần thiết, đảm bảo tính thiết thực, có thời hạn cụ thể để hoàn thành.
Để trẻ luôn có ý thức phấn đấu, ta nên tập cho trẻ lập kế hoạch ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Ví dụ: trong học kỳ này cần đạt điểm số bao nhiêu? Môn nào cần tăng cường thêm thời gian học?
Để quản lý được thời gian của trẻ, cả nhà nên tập thói quen thông báo về kế hoạch công việc và học tập của các thành viên trong gia đình. Ví dụ: tuần này bố đi công tác, mẹ có họp, con có thư mời sinh nhật ở đâu, ngày giờ nào. Sau khi có thông tin, trẻ sẽ biết thu xếp thời gian cho hợp lý. Đặc biệt là trẻ sẽ ít khi có cơ hội nói dối để đi chơi. Vì khi nói dối, trẻ sẽ dễ bị phát hiện do mâu thuẫn trong lời nói của mình.
Cần nhớ, dù đã lên kế hoạch, nhưng trẻ có thể thay đổi hay điều chỉnh cho phù hợp. Nếu thay đổi trẻ sẽ phải nêu lý do, giải thích nguyên nhân và lường trước hậu quả. Nhờ đó, trẻ tập được thói quen làm việc khoa học, không lãng phí thời gian và công sức.
Có kế hoạch cụ thể, có mục tiêu phấn đấu rõ ràng sẽ tạo được niềm tin cho trẻ, giúp trẻ phát triển có định hướng, biết tập trung vào những việc quan trọng. Trẻ sẽ làm chủ cuộc sống của mình, khi trẻ biết lập kế hoạch. Đó cũng là thói quen rất quan trọng giúp trẻ trưởng thành.