Mẹ và bé - Dạy con không chỉ bằng lời

- Cha mẹ nào cũng muốn giáo dục, dạy dỗ con nên người. Tuy nhiên, niềm trông mong này không phải gia đình nào cũng đạt được. Một trong những lý do dẫn đến hậu quả này là do cha mẹ chưa tìm ra cách nói chuyện, tâm sự phù hợp với trẻ.

Nói nhiều không phải là cách dạy tốt

Ông Công Hùng và bà Kim Tuyến (Biên Hòa, Đồng Nai) đến với nhau khi tuổi đã “băm”. Đã thế, sau khi cưới nhau gần bảy năm, bé Kiều Nhi mới chào đời. Khi Kiều Nhi 15 tuổi thì bố mẹ đã ngoài “ngũ thập”. Chênh lệch về tuổi tác, cộng với việc ít tìm hiểu về tâm sinh lý của trẻ nên ông bà đều thừa nhận là đang “đau đầu về cách hành xử trời ơi của con bé”. Khi tiếp cận, chúng tôi mới biết: ông bà vẫn dạy con theo kiểu nói nhiều, lặp đi lặp lại với mong muốn “mưa dầm thấm lâu”. Trước, thấy con bé “một dạ hai vâng”, nhưng không hiểu sao gần đây nó cứ phản ứng: “Khổ lắm! Con biết rồi, bố mẹ đừng nói nhiều”, rồi đóng kín cửa, “bế quan tỏa cảng”.

Tuấn Khanh (Q.Thủ Đức, TP.HCM): bố điềm đạm, kiệm lời; mẹ hay huyên thuyên, nói dông dài, đến nỗi trong một lúc vui đùa, bố đã đặt cho mẹ biệt danh là “máy nói”. Điều làm Tuấn Khanh ngại nhất ở mẹ là có nhiều chuyện cậu đã biết rõ mồn một nhưng cứ ngồi vào bàn ăn là mẹ tiếp tục “điệp khúc” muôn thuở đó. Có lần, Tuấn Khanh bật máy thu được “bầu tâm sự” của mẹ khi mẹ nói về lợi ích của việc ăn đúng giờ. Hôm sau, không biết do quên hay nghĩ Tuấn Khanh chưa hiểu, mẹ lại tiếp tục ca cẩm. Đến một đoạn mẹ bị bí, Tuấn Khanh liền “nhắc bài” và còn đùa: “Mẹ thiếu hai ý so với bài hôm qua”.

Thực tế cho thấy, sau 15 tuổi, sự hiểu biết của trẻ về cuộc sống đang dần hoàn thiện. Trẻ bắt đầu biết quan sát, tìm hiểu, biết ý thức về cuộc sống nhiều hơn. Hơn nữa, cha mẹ cần phải biết và thừa nhận rằng, con của mình đã bắt đầu trưởng thành, sự hiểu biết cũng được mở rộng. Do vậy, với nhiều việc, bố mẹ chỉ nên gợi ý để con cái suy nghĩ. Nhiều trẻ tỏ ra bực tức, giận dỗi, bất hợp tác khi bố mẹ cứ liên tục ca “bài ca muôn thuở”.

“Dĩ bất biến ứng vạn biến”

Hãy giả định mục đích dạy con nên người là điều bất biến. Vậy, phụ huynh cũng hãy vạn biến, ứng biến, linh hoạt trong cách nói chuyện, cách giáo dục con cái.

Thực tế cho thấy, có những điều mà ngôn ngữ bất lực, không thể diễn tả và truyền đạt hết tất cả tư tưởng, tình cảm con người. Đó là sự hữu hạn của ngôn ngữ. Lắm lúc cuộc trò chuyện trong im lặng, đối thoại trong im lặng lại đạt những hiệu quả bất ngờ. Anh Hoàng Lãm (Q.10, TP.HCM) kể cách đây hai năm, Hữu Đắc - đứa con trai của anh gặp sự cố trong tình cảm với bạn gái. Nó gần như buông hết chuyện học hành, thi cử, tương lai… Hai vợ chồng đã nhỏ to tâm sự, thậm chí, có lúc bực mình, anh đã đánh cho cu cậu một bạt tai nhưng tình thế vẫn chưa khả quan. “Cương” không được, anh chuyển sang “nhu”. Nhân tiện hôm đó, rạp Cinebox chiếu bộ phim của đạo diễn Đặng Nhật Minh, anh rủ con trai cùng đi xem. Suốt buổi chiếu phim, hai bố con im lặng dõi theo diễn tiến và cảm nhận được khát vọng sống, làm việc của nhân vật chính Đặng Thùy Trâm. Kết thúc phim, anh nói bâng quơ nhưng ngụ ý cho Hữu Đắc nghe: “Thế đó, trong chiến tranh, trong nguy hiểm, người ta còn biết vươn lên, biết hy vọng thật nhiều!”. Lời nói đó, bộ phim đó đã làm Hữu Đắc suy nghĩ lại về bản thân. Vài hôm sau thấy cu cậu tươi vui lại bình thường. Các hoạt động học tập, sinh hoạt gia đình trở về đúng quỹ đạo của nó. Đến nay con trai của anh đang là sinh viên năm thứ ba của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM.

Anh chị Phi Long bật mí: mỗi khi có xung khắc với Thu Huyền - con gái của anh chị, cả gia đình thường tìm quán cà phê có không gian rộng, yên tĩnh để cùng nghe nhạc, tĩnh tâm. Anh Long cho hay: “Đến đó vừa nhâm nhi ly cà phê, vừa thủ thỉ đôi lời với con gái. Đó là không gian nói ít hiểu nhiều. Đôi khi chúng ta phải dùng đến ngôn ngữ im lặng, “tâm” nói với “tâm”, để tiếng lòng nói với tiếng lòng.  Đó là ngôn ngữ của trái tim, của tình yêu, tâm hồn… Đây là những khoảng lặng cần thiết trong cuộc sống". Trường phái “vô ngôn” này xem ra ngày càng khắc chế được nhiều con ngựa bất kham.

Theo các nhà nghiên cứu tâm sinh lý, trẻ ở độ tuổi mới lớn có tâm sinh lý cực kỳ phức tạp. Trẻ tò mò muốn biết về nhiều thứ - trong đó có những chuyện khó nói như chuyện tình dục. Là con gái thì có thể tỉ tê với mẹ. Riêng các ông bố có vẻ khá e dè khi tâm sự với con trai về những chuyện này. Mới đây, chúng tôi đã phát hiện một cách làm khá mới, khá thức thời của một ông bố. Khi phát hiện đứa con trai của mình đang tải những truyện người lớn về để đọc, người bố đã gởi email cho con trai. Trước khi “vào cuộc”, ông cũng giãi bày lý do “rất tiếc là bố không nói chuyện trực tiếp với con được vì chuyện này khá tế nhị”. Sau đó, ông đã phân tích cho con trai thấy rõ vấn đề cũng như những cảnh báo về tác hại của việc tiếp xúc với những văn hóa phẩm có nội dung xấu như vậy.

Không dừng lại ở đó, ông còn chỉ cho cậu con trai thấy rõ cách quan tâm của bố mẹ: “Con đã lớn, đã hiểu biết nhiều. Với tính cách của con, bố mẹ biết cần hỗ trợ con như thế nào khi con còn đi học cũng như sau này con đã trưởng thành”. Từ đó, ông đã đưa thực tế gia đình để “nói” với con: “Bố cũng như mẹ đã làm được một chuyện phi thường mà người đời luôn nể phục đó là phấn đấu vượt khó. Con nên biết rằng, trong điều kiện như ông bà nội ngoại ở một vùng quê nghèo như thế mà bố mẹ đã phấn đấu tìm và phát triển được một nghề ổn định, có được một địa điểm kinh doanh như hiện nay là vô cùng khó. Bố, mẹ luôn là niềm tự hào của ông/bà và cả họ hàng bên nội, ngoại vì khả năng, ý chí phấn đấu vượt khó khăn, gây dựng được một cơ ngơi như bây giờ, mặc dù cũng phải hy sinh rất nhiều thứ và khá thiệt thòi... Nếu ở tuổi con không biết suy nghĩ, không có sự thông cảm và thương bố mẹ bằng việc tự học tập, tu dưỡng trở thành một người tốt, có ích thì nó vừa là một sự yếu kém, nhụt chí, vừa mang lại một điều rất hổ thẹn với những người thân, bạn bè của mình.

Hy vọng là sau những dòng này, con hiểu thêm được những suy nghĩ và tình cảm của bố mẹ dành cho con”.

Ông bố này cho hay, sau gần một tuần gởi email, ông đã nhận được email phản hồi của con trai. Qua lá thư này, cậu đã nhận ra những hạn chế của mình. Từ đó đến nay, cậu đã tu chí học tập và tiến bộ thấy rõ.

Tất nhiên, kiệm lời không phải là “đoạn tuyệt” với cách giáo dục bằng khuyên răn, đối thoại. Việc giáo dục con cái cũng cần phải linh hoạt tùy từng đối tượng, từng độ tuổi, tâm lý khác nhau để có những “kế sách” phù hợp. Việc thường xuyên tâm sự, nói chuyện với con cái - đặc biệt ở độ tuổi mới lớn này là rất cần thiết. Tuy nhiên, đôi khi bố mẹ cần thay đổi giọng điệu, cung bậc hay tạo những khoảng lặng để dễ thuyết phục con cái hơn.

ThS Đặng Quốc Minh Dương

 


------------------------------

------------------------------
Đã đọc : 1692 lần

Liên hệ tư vấn

hỗ trợ trực tuyến

CHÚ Ý: AVS KHÔNG TƯ VẤN QUA CHAT

tư vấn qua điện thoại (3.000 đồng/phút): 1900 68 50 hoặc (04)1088 - 1 - 7

tư vấn trực tiếp: 2/15, phố Đào Duy Từ, phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội

Lĩnh vực tư vấn:

- tư vấn tâm lý tình cảm, hôn nhân, gia đình

- tư vấn nuôi dạy trẻ

- tư vấn sức khỏe tình dục: xuất tinh sớm, lãnh cảm, nghệ thuật phòng the, bệnh tình dục....

- tư vấn sức khỏe sinh sản, giới tính

- tư vấn trị liệu tâm lý

- Các vấn đề tâm lý khác như ly hôn, stress

Gọi -1900 68 50 để đặt lich tư vấn trực tiếp

Biểu giá tư vấn tại đây

Khách hàng tư vấn trực tuyến xem hướng dẫn tư vấn tại đây

Truyện hay

Truyện ngắn: Cái kính của gã bạn trai cũ

Truyện ngắn: Cái kính của gã bạn trai cũ

Có rất nhiều cách để chấm dứt một mối quan hệ, đặc biệt là kiểu quan hệ tình cảm nam nữ. Tôi vẫn hình dung mọi chuyện đơn giản thế này, hai cục nam châm điên cuồng hút nhau, rồi tới khi bản thân chúng mất đi lực hút, hoặc giả bi ai hơn cứ cho là... Đọc thêm