Bà nội chỉ có người con duy nhất là ba. Ông nội mất từ khi ba còn bé, bà một mình bươn chải nuôi ba khôn lớn. Rồi ba trưởng thành, cưới mẹ, sinh ra con. Đến nay, khi ba và mẹ đều thành đạt, con – cháu nội duy nhất của bà – cũng đã 18 tuổi, những tưởng bà sẽ được hưởng một tuổi già an nhàn, hạnh phúc. Nhưng không, cùng sống trong một nhà, con thấy bà khổ quá, tất cả cũng chỉ vì cách đối xử của ba, mẹ với bà…
Bà năm nay đã 86 tuổi, lưng còng, mắt mờ, tay chân run rẩy. Với cái tuổi ấy, việc bà sinh hoạt khó khăn, việc đãng trí, nhớ trước quên sau cũng là điều dễ hiểu. Bà mở đèn, mở quạt rồi quên tắt; bà hay mất ngủ, lục cà lục cục cả đêm; bà hay làm đổ vỡ đồ đạc; làm bẩn nhà vệ sinh… Thay vì nhìn những chuyện này như một việc bình thường tất yếu của người già, như một bổn phận của con cái thì ba mẹ lại xem đó là sự phiền toái mà mình phải chịu đựng. Tuổi bà càng cao thì những lời than phiền, cằn nhằn, thậm chí la mắng của ba mẹ ngày càng nhiều. Có lúc bà nằm bệnh viện, ba mẹ thay phiên nhau chăm sóc vất vả, ba còn nói: “Bệnh gì mà bệnh hoài, chẳng làm ăn gì được với bả!”…
Bị con cái cằn nhằn, la mắng, dù bà không nói, nhưng con biết bà buồn lắm. Bà như một cái bóng trong nhà, lặng lẽ, thui thủi. Cuộc sống của bà dường như chỉ còn vài niềm vui nhỏ bé. Niềm vui đó là nụ cười móm mém những khi bà ngồi kể chuyện đời xưa, kể chuyện bà với ông nội, kể chuyện ngày ba còn bé… cho con nghe. Niềm vui đó là khi thỉnh thoảng có bà con thân thuộc đến thăm, ở lại vài ngày, bà có người nói chuyện, hỏi han. Niềm vui đó là vài vòng đi bộ thể dục quanh khu phố, tận hưởng chút không gian trong lành lúc 5g sáng. Nhưng tuần trước, bà dậy đi bộ mà quên khóa cổng, ba la lối um sùm rồi cấm không cho bà đi thể dục nữa, tước luôn một trong những niềm vui hiếm hoi của bà.
Nhà mình có hai tầng, thời gian trước, bà có hẳn một phòng riêng. Sau này, ba mẹ dành trọn cả tầng trệt để làm nơi buôn bán, diện tích sinh hoạt của gia đình thu hẹp lại. Ba mẹ nói bà chẳng có đồ đạc hay nhu cầu gì nhiều nên không cần phòng riêng. Thế là không gian của bà chỉ còn lại chiếc ghế bố kê tạm bợ góc cầu thang. Bà lớn tuổi cần ngủ sớm nhưng cả nhà mình lại hay sinh hoạt khuya khiến bà mất ngủ. Con nhiều lần nói bà ở chung phòng với con nhưng bà không chịu, chắc là sợ chật chội cho con. Cái nhà mình đang ở là do bà và ông nội xây nên, vậy tại sao về già bà lại không có chỗ ở ngay trong chính căn nhà của mình?…
Ba mẹ cũng chẳng quan tâm gì đến chuyện tiền bạc của bà, cứ bảo là ở chung nên ba mẹ lo hết rồi, bà đâu cần tiền làm gì. Nhiều lúc tội lắm, bà thèm ăn món này món nọ hay cần mua mấy món đồ lặt vặt nhưng ngại xin ba mẹ nên đành thôi. Hai ba năm gần đây, nếu lâu lâu con không đưa bà một ít bỏ túi thì chắc bà cũng chẳng biết mặt mũi đồng tiền ra sao.
Có một câu chuyện rất nổi tiếng nhưng con không biết ba mẹ có nhớ hay không: “Một gia đình ba thế hệ ở chung. Ông nội già cả nên hay làm vỡ chén bát, làm đổ thức ăn. Con trai và con dâu làm cho ông một chiếc bát gỗ và để ông ăn riêng một mình nơi góc phòng. Một ngày, người con trai thấy đứa bé con mình đang cặm cụi đẽo mấy mẩu gỗ. Anh hỏi đứa bé: “Con đang làm gì thế?”. Đứa bé trả lời: “Con đang làm một chiếc bát gỗ cho cha dùng lúc cha già như ông nội!”. Ba mẹ ơi, bà nội của con, mẹ đẻ của ba đang phải “ăn bằng bát gỗ” đó! Cả đời bà đã lo cho ba rồi, giờ bà chỉ còn đoạn thời gian ngắn ngủi cuối đời, ba mẹ hãy cho bà “chiếc bát sứ” của tình thương và lòng hiếu thảo.
Hạnh Hoa