Một trong những mối băn khoăn hàng đầu của các vị phụ huynh có con đến tuổi đi học là các cháu sẽ hòa nhập với trường lớp, với bạn bè như thế nào, có an toàn khi rời bố mẹ bước vào môi trường xã hội đầu tiên ấy hay không. Dạy con kỹ năng xã hội cơ bản Trẻ cần được học các kỹ năng giao tiếp xã hội cơ bản: Nói “xin chào”, trả lời câu hỏi bằng một câu hoàn chỉnh chứ không phải một từ cộc lốc, học cách giao tiếp bằng ánh mắt và hiểu tầm quan trọng của việc để người khác nói hết câu trước khi nói xen vào. Không trả lời hộ trẻ nhút nhát Nếu con của bạn quá hiền lành và rụt rè, hãy tỏ ra thông cảm, khuyến khích đối với con, song đừng nhảy vào trả lời hộ con trước tất cả các câu hỏi. Ví dụ bạn đang có mặt trong siêu thị, cô thu ngân hỏi con bạn một câu, hãy cho bé cơ hội trả lời, nhẹ nhàng khuyến khích bé trả lời nếu bé vẫn im lặng. Từng bước một học nói lên suy nghĩ của mình chính là cách giúp bé vượt qua tính nhút nhát. Khuyến khích bé nói về những gì đã trải qua Trong suốt đoạn đường từ trường về nhà và cả thời gian sửa soạn bữa tối, hãy nói chuyện với con về những gì con đã trải qua trong ngày. Song thay vì hỏi: “Con đã làm gì hôm nay?”, bạn nên kể về việc bạn đã làm gì trong ngày. Như thế con sẽ dễ dàng tham gia câu chuyện hơn, phản ứng tự nhiên hơn. Dù sao hòa vào cuộc nói chuyện bao giờ cũng dễ hơn bắt đầu cuộc nói chuyện.
Tìm bạn “chung chí hướng”
Tham gia vào các hoạt động ngoại khóa sẽ mang đến cho con bạn cơ hội gặp gỡ những trẻ có “chung chí hướng” - một cách tuyệt vời để gây dựng nên tình bạn. Ghi danh vào một lớp thể thao cũng là con đường khá nhanh để trẻ có thêm bạn bè mới.
Chơi nhóm nhỏ hay nhóm lớn
Cả hai đều có tác dụng tích cực như nhau, hãy để con tùy ý lựa chọn theo ý thích.
Cho đi nhờ xe
Cách này, bạn mang đến cho con cơ hội hòa mình với các bạn khác, và bản thân bạn cũng quen biết các phụ huynh của bạn con. Thông thường các vị phụ huynh sẽ thiết lập quan hệ với nhau trước, từ đó phát triển tình bạn giữa các con của họ.
Lắng nghe, đừng can dự
Đôi khi trẻ chỉ muốn giãi bày, tâm sự cho bạn biết chúng đang cảm thấy thế nào và đang trải qua chuyện gì mà không cần bạn đóng vai trò “quân sư”. Thông thường, sẽ tốt hơn cả nếu phụ huynh không tham gia giải quyết việc của con, chỉ dừng lại ở giúp con nhẹ nhõm hơn, bớt lo lắng hơn với những vấn đề tuổi học trò.
Đổi vai
Nếu phát hiện ra con khó khăn trong vấn đề kết bạn, các bậc cha mẹ có thể giúp con bằng cách chơi trò đóng kịch. “Con sẽ đóng vai bạn ấy nhé, còn mẹ đóng vai con”. Theo cách này, bạn sẽ chỉ cho bé thấy, bằng hành động, rằng nên làm thế nào để làm quen với một bạn mới, hơn là chỉ giảng giải bằng lời nói và bắt bé nghe song rất khó để thực hiện.
Mời trẻ khác đến nhà chơi
Đôi lúc nên sắp xếp thời gian mời trẻ khác tới chơi nhà. Bạn sẽ trông chừng bọn trẻ, song đừng can thiệp lúc chúng chơi với nhau, rồi bạn sẽ thấy, trẻ nào đối xử tốt với con nhà bạn, trẻ nào không.
Bạn còn có thể nhận ra bé nhà mình có gặp vấn đề trong giao tiếp xã hội hay không (quá đáo để hoặc quá nhút nhát).
Hãy coi mời các bé khác đến nhà là một kinh nghiệm vui song cũng đừng quá tha thiết. Nên đợi gia đình bạn nhỏ kia mời con bạn tới chơi trước khi đưa ra lời mời tiếp theo.
Huyền Anh
Theo KP