Con bạn không thể kiềm chế được cơn giận. Trẻ có khuynh hướng nói năng, hành động một cách ngông cuồng với những người khác. Làm sao giúp con kiềm được cơn giận như thế?
Nguyên tắc chung:
Trong những sách giúp thành công, tác giả thường trình bày cho các bậc cha mẹ một nguyên tắc quan trọng là "Thấu hiểu và điều khiển cơn giận của bạn". Bạn hãy tự nói với mình: "Nếu hàng trăm người lớn còn phải tham dự các lớp học về cách điều khiển cơn giận, thì tôi cũng không thể nổi nóng với con và tôi sẽ dạy con mình biết cách tự kiềm chế cơn giận".
Ðừng đáp lại cơn giận bằng sự giận dữ:
Bạn đừng đối phó cơn giận của trẻ bằng sự giận dữ của chính mình. Sự bực dọc của bạn sẽ có khuynh hướng làm tăng tâm trạng bực bội và gắt gỏng của trẻ. Thay vào đó, bạn hãy tự kiềm chế cơn giận của chính mình trước. Nên trả lời con bằng giọng ôn tồn, bình tĩnh. Làm như thế bạn sẽ điều khiển được những hành động của con mình, và bạn sẽ có thể uốn nắn được cách cư xử của nó.
Chọn lựa giải pháp:
Phải cho con bạn biết rằng những cảm xúc giận dữ là chuyện bình thường, người lớn cũng thường giận dữ, tuy nhiên cách thể hiện những cảm xúc giận dữ ấy có thể chấp nhận được hoặc không thể chấp nhận được.
Ðể giúp trẻ học được điều này, bạn hãy công nhận nguyên nhân làm trẻ giận dữ. Chính khi biết rằng bạn đã hiểu được cảm xúc của nó, con bạn sẽ dịu lại.
Ví dụ, bạn làm gì nếu con bạn giận dữ vì anh nó đã lấy xe đạp đi mà không hỏi nó trước, và thế là nó la hét và chửi thề? Lúc ấy, bạn phải bình tĩnh công nhận lý do bực dọc của trẻ bằng cách nói như thế này: "Ừ, bố (mẹ) biết anh Minh làm con bực mình khi lấy đồ của con mà không hỏi". Ðiều này thường sẽ làm cho trẻ ngưng lại để suy nghĩ về cách hưởng ứng mới mẻ này của bạn. Tiếp đến, bạn hãy hỏi một câu hỏi để hướng suy nghĩ của trẻ theo cách hữu ích hơn: "Phải làm sao để bắt anh con nhớ phải hỏi trước khi dùng đồ của con?". Nếu trẻ vẫn còn trả lời một cách giận dữ thì gợi ý cho nó nghĩ theo hướng tích cực hơn: "Con nóng giận như vậy cũng chẳng được gì. Con thấy bây giờ phải làm gì?..." Bạn hãy ở lại với con mình khi nó đang bực bội và hướng dẫn nó vượt qua cơn nóng giận đó.
Làm nguôi cơn giận:
Nếu thấy con bạn "giận quá mất khôn" và hành động nóng nảy của nó đi lệch hướng, bạn hãy ngăn nó lại và đưa nó đi khỏi chỗ đó, hoặc vào phòng riêng để lấy lại bình tĩnh. Ðừng cố đối đầu lúc trẻ đang giận dữ tột đỉnh. Sau đó, khi trẻ lắng xuống, hãy tìm dịp nói cho nó biết một cách cụ thể những gì nó làm khiến bạn không hài lòng. Khuyến khích, thử hỏi nó xem làm sao để tránh những hành vi như vậy trong tương lai.
Dạy bảo:
Nên nói cho con bạn biết rằng học được cách kiềm chế cơn giận rất quan trọng. Trước hết, hãy cho trẻ biết lần tới, nếu trẻ nổi giận, bạn sẽ giúp nó bằng cách bắt vào phòng riêng để lấy lại bình tĩnh. Nếu nó không chịu làm theo lời bạn nói ngay lập tức thì sẽ mất quyền lợi trong ngày hôm đó, như không được xem ti-vi, không được đi chơi với bạn bè...
Lên kế hoạch:
Hãy giúp con của bạn triển khai "một kế hoạch kiềm chế cơn giận". Khi mọi chuyện êm ả, bạn gọi con đến nói chuyện như người lớn với nhau và đưa ra một cuộc thảo luận về sự tức giận. Cả hai cùng đưa ra một loạt hành vi mà một người khi mất bình tĩnh nên làm: Ví dụ, uống một ly nước, đeo loa vào tai để nghe nhạc, đi ra ngoài và đá vài đường banh, hoặc đi tắm... Hãy bảo trẻ viết những ý tưởng đó vào một bảng liệt kê và đặt nó ở chỗ dễ thấy nhất. Hãy khích lệ con bạn mỗi khi nó thực hiện những ý tưởng đó.
Bạn cũng có thể cùng với con chọn một mật mã (ví dụ như nheo mắt phải, đưa ngón tay út ra...) để cho biết lúc nào trẻ đã "phạm luật" và nó cần một khoảng thời gian để nguôi cơn giận. Bạn lẫn trẻ có thể sử dụng mật mã đó làm dấu hiệu khi cần ngừng cuộc đối thoại, và cho phép trẻ có thời gian để tự kiềm chế chính mình. Một chút hài hước như thế sẽ giúp giảm bớt căng thẳng khi trẻ đang nổi nóng (và chắc chắn bạn cũng bật cười khi bạn đang nổi nóng thì thằng con bé nhỏ dùng mật mã đó để báo cho bạn biết: hãy tự kiềm chế mình!).