Trước tiên, thử chia sẻ lo lắng với chồng bạn. Giao tiếp cởi mở sẽ khiến vợ chồng cảm thấy dễ chịu hơn. Tiếp đến, hãy buôn chuyện với bạn bè và người thân của bạn. Những người mẹ cùng hoàn cảnh khác cũng là nguồn động viên lớn đối với bạn. Nếu bạn lo lắng tột độ hoặc chịu cú shock lớn về tinh thần, bạn nên nhờ sự trợ giúp của bác sĩ.
Ảnh hưởng đến thai nhi
Sức ép công việc là một phần của cuộc sống hiện đại, nếu sức ép này ở cường độ cao, nó dễ dẫn tới nguy cơ chuyển dạ sớm hoặc sinh con nhẹ cân. Nếu bạn thường xuyên làm việc quá công suất, bạn cần điều chỉnh lại.
Nên nhớ rằng, chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần của mẹ là phần không thể thiếu để sinh con thông minh, khỏe mạnh. Bạn nên tìm cách giảm bớt áp lực công việc để có một thai kỳ khỏe mạnh.
Phương pháp xả stress
Bạn có thể thực hiện những gợi ý giảm căng thẳng dưới đây ở cơ quan và tại nhà:
- Cần biết nói “không” đúng lúc: Mang bầu là giai đoạn bạn tránh ôm đồm hết mọi chuyện, trừ khi bạn là một bà bầu siêu nhân. Bạn nên làm việc chậm hơn lúc trước và nhờ đến sự trợ giúp của đồng nghiệp, người thân.
- Giảm bớt việc nhà: Thay vào đó, bạn có thể dùng thời gian rảnh cho giấc ngủ ngắn, đọc sách, nghe nhạc…
- Tận dụng ngày nghỉ để nghỉ: Hãy dùng nửa ngày (hoặc một buổi tối) nghỉ ngơi ở nhà sau một tuần làm việc mệt mỏi.
- Thử những động tác thể dục hít thở sâu, yoga…
- Nên duy trì một hoạt động thể thao như đi bơi hoặc đi bộ.
- Bạn cũng nên ăn uống khỏe mạnh, cân bằng. Dinh dưỡng sẽ cung cấp năng lượng cho thể chất và tinh thần của bạn.
- Đi ngủ sớm hơn. Cơ thể mẹ phải chạy hết công suất để nuôi dưỡng bào thai đang tăng trưởng và giấc ngủ sâu sẽ giúp bạn minh mẫn.
- Tránh căng thẳng vì tin ngoài lề: Một người đồng nghiệp mới sảy thai hoặc một người thân vừa sinh con dị tật có thể làm bạn khủng hoảng. Khi đó, sự lo lắng quá mức trở thành thừa; vì thế, bạn cần tập trung vào sức khỏe thật của mình, tránh lo lắng ảo.
- Nếu bạn thấy khó khăn khi kiểm soát stress hoặc stress vượt ngưỡng chịu đựng, bạn cần trao đổi sớm với bác sĩ.