Con của những bà mẹ đi làm lại trong vòng một năm sau sinh thì ít khi đánh nhau với bạn cùng lớp hoặc lo lắng thái quá, so với khi mẹ của chúng ở nhà, các nhà nghiên cứu khẳng định.
Trước những lo ngại rằng trẻ sẽ thiệt thòi nếu thiếu sự chăm sóc của mẹ trong những năm đầu đời, các chuyên gia tại Đại học Tổng hợp Lon Don tìm thấy chẳng có "ảnh hưởng bất lợi" nào do người mẹ đi làm sớm trở lại cả.
"Sự sắp xếp tốt nhất để cân bằng tình cảm cho trẻ là ở trong một gia đình mà cả bố và mẹ cùng đi làm, một phần vì người mẹ đi làm sẽ ít có nguy cơ trầm cảm", nghiên cứu kết luận.
Theo những tìm hiểu trước kia, con của những bà mẹ đi làm trở lại quá sớm sau sinh thường gặp các trục trặc về sức khỏe, tâm lý, như có thói quen ăn uống xấu, ít vận động và thừa cân, so với con của những bà mẹ ở nhà. Một nghiên cứu quốc tế hồi đầu năm nay còn tìm thấy các bà mẹ người Anh có đi làm thì trung bình chỉ dành 81 phút mỗi ngày để chăm con.
Tuy nhiên, Telegraph cho biết, trong báo cáo mới đây nhất, nhóm nghiên cứu lại nhận định rằng các bậc cha mẹ đang phải vật lộn để kết hợp giữa công việc và gia đình không nên sợ rằng họ sẽ thiếu thời gian quan tâm đến trẻ.
Tiến sĩ Anne McMunn, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết, với những bà mẹ đi làm cả ngày, thực ra con họ lại ít gặp nguy cơ trục trặc tinh thần và tình cảm nhất.
"Những đứa trẻ có mẹ ở nhà hoàn toàn thì gặp trở ngại lớn nhất về hành vi, tiếp đó là những trẻ có mẹ đi làm bán thời gian", bà kết luận.
Kết quả này được phân tích từ một nghiên cứu quy mô lớn khác, theo dõi sự phát triển của gần 19.000 trẻ sinh từ năm 2000 đến 2011, nhằm tìm ra mối liên hệ giữa công việc của cha mẹ với tình trạng xã hội của đứa trẻ.
Theo đó, nhóm trẻ có mẹ độc thân hoặc cha mẹ cùng thất nghiệp thì rất dễ có hành vi xấu ở tuổi lên 5. Còn những bà mẹ không đi làm cũng dễ bị trầm cảm và có con bị trục trặc hành vi.