Khi có thai, việc kiêng khem là tất yếu, có những kiêng kị lạ lùng theo quan niệm của người xưa và cũng tùy vào hiểu biết, cách nghĩ của từng thai phụ mà có cách kiêng khác nhau. Miễn là việc kiêng kị không gây ảnh hưởng đến sức khỏe và bổ sung dinh dưỡng trong thời kỳ mang thai của thai phụ.
Tuy nhiên, vẫn có những hiểu biết thông thường mà bất kỳ bà bầu nào khi mang thai cũng tự biết là phải thay đổi lại không thực sự đúng. Và 3 vấn đề sau đây là phổ biến nhất:
Việc làm đẹp khi mang thai
Khi mang thai, các bà bầu cũng tự mặc định là mình sẽ xấu đi và chấp nhận sự thực đó trong vòng 10 tháng, không trang điểm hoặc làm đẹp vì sợ ảnh hưởng đến thai nhi.
Thực chất, việc làm đẹp trong thời kỳ mang thai cũng là tùy vào suy nghĩ của mỗi người. Tuy nhiên, trong thai kỳ, do các hooc-môn trong cơ thể gia tăng, sự trao đổi chất diễn ra nhanh hơn, chất nhờn tiết ra nhiều làm làn da không còn sáng mịn và trở nên sần sùi. Bởi vậy, vừa kết hợp với việc không chịu làm đẹp, bà bầu sẽ càng trở nên xấu xí hơn. Việc bà bầu xấu có thể sẽ ảnh hưởng tới tâm lý một số thai phụ. Vì thế, bà bầu vẫn nên chú ý tới việc làm đẹp, làm đẹp không những không có hại mà làm đẹp khuôn mặt có thể giúp da có được chất dinh dưỡng cần thiết, cải thiện dung mạo, tăng sự tự tin, mang lại niềm vui cho con người.
Để các bà bầu yên tâm, bạn nên biết thêm thông tin này: các chuyên gia cho rằng, trong quá trình mang thai bà bầu vẫn có thể làm xoăn tóc ở tuần thứ 18 - 20. Việc sử dụng hóa chất để làm đẹp trong quá trình mang thai hiện vẫn chưa có chứng minh cụ thể sẽ ảnh hưởng tới thai nhi như thế nào nhưng để an toàn thì các thai phụ cũng không nên lạm dụng. Còn việc làm đẹp đơn giản với những mỹ phẩm an toàn thì không có vấn đề gì.
Chuyện tránh xuất tinh vào âm đạo khi quan hệ tình dục khi có thai
Khi có thai, các bác sỹ thường khuyên nên hạn chế quan hệ vợ chồng và cả thai phụ cũng tự hiểu điều đó. Đối với những trường hợp bình thường (trừ những trường hợp hay bị động thai, dọa sẩy thai, có tiền sử sẩy thai...), việc giao hợp có thể vẫn bình thường nhưng nhẹ nhàng hơn vì việc đi sâu dương vật vào âm đạo cũng không thể chạm tới bào thai được. Điều này nhiều cặp vợ chồng đều biết rõ nhưng vấn đề xuất tinh vào âm đạo thì lại khá mù mờ.
Nhiều thai phụ biết rằng không nên xuất tinh vào âm đạo nhưng lại cho rằng điều đó ảnh hưởng tới hình hài của thai nhi ví dụ thai nhi sẽ có nhiều gầu hay cứt trâu trên phần tóc phía trước.
Thực tế, việc xuất tinh vào âm đạo có thể gây sảy thai. Vì trong tinh dịch có nồng độ cao prostaglandin, chất này dễ gây cơn co tử cung và mở cổ tử cung có thể gây ra đẻ non. Chính vì thế, các tháng cuối cần tuyệt đối không cho xuất tinh vào âm đạo. Những tháng đầu và giữa có thể có ngoại lệ.
Giày đế bệt không hẳn là tốt
Khi mang thai, đi giày cao gót hẳn là không tốt chút nào đối với thai phụ rồi, chính vì thế, tất cả các thai phụ đều sử dụng giày đế bệt. Tuy nhiên, giày đế bệt hoặc đế bằng cũng gây ra những điều không tốt cho thai phụ vì những chấn động khi đi bộ sẽ trực tiếp truyền lên chân. Ví dụ, khi bạn giẫm chân lên một hòn sỏi hoặc bước trên đoạn đường không được bằng phẳng, bạn sẽ cảm thấy sự tiếp xúc của bàn chân với mặt đất rất rõ ràng. Chưa kể tới việc, khi chúng ta bước đi, thường đặt mũi chân xuống trước gót chân sau, nếu mũi chân và gót chân đều bằng như nhau bạn sẽ có cảm giác mình bị đổ về phía sau.
Chính vì vậy, lựa chọn tốt nhất cho bà bầu đó là một đôi giày gót to bằng (loại đế xuồng) cao khoảng 2cm, hoặc loại giày bệt có đế bản to chừng cao chừng 2cm. Gót giày có hoa văn chống trơn trượt, kích thước vừa vặn và đặc biệt là phải nhẹ. Tốt nhất bạn nên chọn loại được kết từ mây,cói.