Ngọng nhiều nhất vẫn là N và L
Đây là điều mẹ Sún lo nhất. Ở nhà, người giúp việc và ông bà nội Sún đều ngọng, không bao giờ phân biệt đúng âm L và N. Mẹ Sún sợ sau này Sún cũng thế.
Hiện nay hiện tượng nói ngọng chữ L và N rất phổ biến ở trẻ, nguyên nhân chủ yếu là do người lớn nói ngọng như : cô giáo, bố mẹ, ông bà và các trẻ khác khi tiếp xúc nói chuyện với những người bị nói ngọng trẻ sẽ tiếp thu và bị nói ngọng ngay khi không được uốn nắn kịp thời và thường xuyên.
Theo Chuyên gia tâm lý Lê Khanh cho biết, cách tốt nhất để khắc phục chuyện này là khi người lớn ngọng, cố gắng trò chuyện với cháu một cách rõ ràng khi ở nhà. Khi cho bé đi học, lưu ý xem cô giáo dạy cháu có bị ngọng không. Nếu có, có thể xin đổi lớp, trao đổi với cô để luyện tập phát âm cho cháu.
Các bé nói ngọng được uốn nắn, khi lớn lên cũng bớt đi nhiều. Giai đoạn quan trọng trong việc phát âm của bé là từ 3 - 6 tuổi. Bố mẹ nên chú ý quan tâm đến con để tập cho con nói chuẩn hơn, kết quả rất khả quan.
Bố mẹ có thể thường xuyên uốn nắn cho cháu tập nói thường xuyên các từ có vần L và N như : nồi cơm nếp, lòng lợn. Bố mẹ có thể phát âm và phân biệt các từ, các câu dài liên quan có từ L và N, giải thích cho con đâu là ngọng, đâu là không ngọng. Lâu dần sẽ tạo cho bé phản xạ có điều kiện khi phát âm các từ này, nhắc nhở các bé phát âm chậm, và cả bố mẹ nữa khi phát âm các từ này
Con nói thạo rồi mà ngọng mới chán
Trên thực tế, các bé không chỉ ngọng âm L và N. Như trường hợp bé Hà ở khu đô chung cư CT1 Mỹ Đình – Hà Nội lại bị ngọng một cách “đặc biệt”.
Bé gần 4 tuổi rồi mà ngọng buồn: kh thành th (phòng khách thì nói thành phòng thách), ng thành n, g thành d (ngồi ghế thành nồi dế), c thành ch, ... và hầu như không có chữ g trong các câu ghép: giường thành giườn, uống thành uốn, nước thành nướt. Mẹ bé đã dạy con cách đè lưỡi, uốn lưỡi (nhọn cả mồm lên ...). Bé đều làm theo mà vẫn không sửa được. Ông bà ở quê cũng nói như thế.
Theo chuyên gia tâm lý Lê Khanh, đối với các bé ngọng theo tiếng địa phương, lớn lên cũng có thể sửa ngọng.
Nhưng nếu thấy con nói ngọng nhiều, bố mẹ cũng nên đưa đến chuyên khoa Tai mũi họng để xem lại Thanh quản và hệ cơ lưỡi. Nếu có vấn đề, bố mẹ có thể tìm một chuyên viên về chỉnh âm để xem xét và lên kế hoạch tập cho cháu một số những bài cơ bản về luyện âm.
Ở nhà, bố mẹ nên chú ý một số yếu tố sau xem con có bị ngọng thật sự không. Chú ý xem con nhai có tốt không, cần có sự chuyển động của hàm. Thử một số động tác như thổi nến, chúm môi phun nước, ăn kẹo dẻo chíp chíp.
Nếu bé bị ngọng, có thể tập cho cháu đọc các bài vè, đồng dao ngắn - các bài hát ngắn có những âm điệu từ dễ đến khó. Không nên bắt các con đọc từng từ một - nhất là những từ bị ngọng - vì càng đọc thì càng khó quên.
Bố mẹ nói chuyện với con, nên nói ngắn gọn, rõ ràng. Khi con nói đúng nên động viên ngay. Nhưng đừng bắt con tập nói nhiều quá. Hãy nhẹ nhàng và kiên trì, vì sự tiến bộ sẽ rất chậm.
Bố mẹ cần tìm hiểu ở trường lớp có thầy cô hoặc bạn bè nào nói ngọng như thế không để tìm cách điều chỉnh phần nào.
Theo afamily.vn