AVS - Những đứa trẻ khổ vì năng khiếu

Yêu âm nhạc và có năng khiếu về môn nghệ thuật này nhưng hễ nghe nhắc đến chuyện chơi đàn là bé Khoa sợ. Thậm chí bé còn hét lên khi bố yêu cầu chơi cho khách nghe một bài.
Bố mẹ nào cũng phấn khởi khi nghĩ con mình có năng khiếu. Nhiều người trong số họ không tiếc tiền của ép con học thêm thật nhiều để bồi dưỡng năng khiếu ấy, đến mức chuyện học đó trở thành nỗi sợ hãi, ám ảnh của trẻ.

Thui chột vì... bồi dưỡng

Từ hồi nhỏ xíu, bé Đăng Khoa, con anh Long (quận 3, TP HCM) đã rất thích nghe nhạc. Đến khi bé đi học mẫu giáo, ở trường có mở lớp năng khiếu trong đó có môn đàn. Anh Long đăng ký cho con học ngay, và rất mừng khi cô giáo nói bé có khả năng cảm thụ âm nhạc tốt, tay đàn chuẩn nổi bật so với các bạn trong lớp.

vợ chồng anh Long đều là dân làm kinh doanh, không hiểu nhiều về âm nhạc. Nhiều khi được các đối tác nước ngoài mời đến các buổi trình diễn nhạc cổ điển, anh chỉ biết đi cùng, nghe mà không hiểu, chẳng biết bình luận thế nào cũng thấy “quê” lắm. Vì thế biết con có năng khiếu, anh quyết tâm đầu tư cho con phát triển mà không tiếc tiền của. Anh sắm hẳn một chiếc đàn piano đắt tiền cho con học.




Long tìm lớp ở trung tâm cho con học buổi chiều. Buổi tối, anh thuê thêm một giảng viên của nhạc viện về tận nhà dạy. Theo anh, học nhiều chỗ, nhiều thầy như thế, con trai anh sẽ càng giỏi. Anh xếp lịch học cho con hầu như kín hết cả tuần: học đàn, học nhạc lý, học xướng âm... như một sinh viên nhạc viện. Cậu bé chẳng còn thời gian để vui chơi, nô đùa cùng các bạn. Thời gian đầu, Đăng Khoa luôn nhận được lời khen ngợi của giáo viên vì bé thực hiện tốt các bài tập. Cứ có khách đến nhà là anh Long lại gọi con ra đàn một bài để “khoe” với khách.

Nhưng về sau, Đăng Khoa tỏ ra mệt mỏi và không hứng thú với cây đàn nữa. Long không hài lòng, mắng mỏ, tỏ ra thất vọng với con, ép bé học. Cứ thế, tính nết của Khoa dần thay đổi. Bé trở nên khó bảo, ít nói hơn và rất dễ nổi cáu. Có lần khách đến nhà, anh Long gợi ý Khoa đàn nhưng bé không chịu. Cu cậu hét lên rồi chạy về phòng đóng chặt cửa lại. Sau đó, dù bố mắng thế nào, Khoa cũng kiên quyết không học, không đụng đến đàn nữa.

Cháu Vân Linh, 12 tuổi, sống ở thành phố Vinh, Nghệ An, cũng là nạn nhân của chính năng khiếu của mình. Linh bộc lộ năng khiếu toán học rất sớm, mới học mẫu giáo đã biết cộng trừ nhân chia và biết làm các bài toán mẹo. Vì thế, cô bé được bố mẹ mua cho rất nhiều sách toán, và từ năm lớp một đã có gia sư đặc biệt dạy nâng cao môn này. Ban đầu, Linh cực kỳ hứng thú với việc học, nhất là khi cô bé thường xuyên được khen. Nhưng khi lịch học càng ngày càng dày, cô bé mất dần sự say mê vì quá mệt mỏi và vì việc học đã trở thành công việc bắt buộc, mặc dù vẫn đứng đầu lớp.




Càng lên lớp trên, bố mẹ Linh càng ép con học nhiều hơn và bày tỏ hy vọng cháu sẽ giật giải khi thi học sinh giỏi, nhưng sự thực là Linh học Toán ngày càng kém dần bởi cháu không còn thích nữa, thậm chí ngày càng sợ học. Việc Linh không được chọn đi thi học sinh giỏi thành phố năm lớp 5 là một cú sốc lớn cho bố mẹ cháu. Không chỉ đánh con, bố Linh còn nhiếc móc con dai dẳng. Kết quả là cuối năm học, anh phải mang con ra Hà Nội để nhờ các chuyên gia tâm lý giúp đỡ, bởi Linh đã bị trầm cảm khá nặng. 

Học theo sở thích của mẹ

Nhiều trẻ không thực sự có khả năng đặc biệt về lĩnh vực nào nhưng vẫn "được" bố mẹ cho đi học năng khiếu. Bé Diệu, 5 tuổi, con chị Mai (Trần Phú, Hà Nội) là một trong số đó. Chị Mai vốn rất yêu thích nghệ thuật múa, từ bé đến lớn ấp ủ ước mơ học để trở thành diễn viên múa nhưng không có điều kiện. Vì thế khi sinh được con gái, chị đã nghĩ ngay đến việc cho con đi học múa để bù đắp nguyện ước ngày xưa. Thế là mới gần bốn tuổi, dù thấp bé hơn các bạn, tính tình lại nghịch ngợm, chỉ thích chơi siêu nhân và đùa nghịch cùng các bạn trai, bé Diệu đã bị mẹ bắt đi học múa. 

Mỗi tuần ba buổi, vừa rời lớp mẫu giáo, Diệu được mẹ mua cho hộp sữa và cái bánh ăn tạm rồi chở đến lớp học thêm. Không thích, cũng không có năng khiếu nên bé Diệu không hào hứng gì với bài học. Bé thường uể oải, không tập trung, chỉ làm mấy động tác lấy lệ rồi đứng im một chỗ. Chị Mai đứng ngoài vừa theo dõi từng động tác của cô giáo vừa gọi nhắc con làm theo. Về nhà, chị còn “phụ đạo” thêm cho con theo những động tác "học lỏm" đó. Nhưng bảo một đằng, bé Diệu làm một nẻo. Chị Mai vừa dỗ, vừa quát tháo ầm ĩ mà tình hình chẳng cải thiện được mấy.




Hôm học đến bài tập phải uốn cong người, bé Diệu không uốn được, cô giáo phải kéo chân phụ giúp, bé đau quá ngồi khóc nức nở giữa lớp. Từ đó, đến ngày đi học múa là bé lại khóc mếu, tìm cách trốn, nhưng chị Mai vẫn vừa nịnh vừa nạt, bắt con đi bằng được. 

Còn chị Chi ở phố Nguyễn Qúy Đức (Thanh Xuân, Hà Nội) cho con trai đi học năng khiếu vì thấy bạn bè đều làm thế. Cu Thái vừa "tốt nghiệp" lớp một hôm trước, hôm sau đã được đưa đến trung tâm đăng ký học liền hai môn: vẽ và võ thuật. Vì phải đi xa nên chị Chi cho con học cả hai môn trong một buổi cho đỡ phải đi lại: sau một tiếng rưỡi ở lớp vẽ, Thái lại sang lớp võ.
 
Ban đầu, Thái khá hào hứng, nhưng chỉ sau vài buổi đã bắt đầu chán. Trong giờ học vẽ, thì cậu chạy loăng quăng. Cuối buổi, trong khi các bạn hoàn thành bài  thì trên trang giấy của cậu chỉ có mấy vạch màu ngang dọc chả đâu vào đâu. Còn về môn võ, sau hôm rèn thế đứng tấn, cu cậu về la oai oái vì đau mỏi chân, bắt hết mẹ đến bố bóp chân và tuyên bố không học nữa. Nhưng chị Chi đã đóng tiền cả mấy tháng hè, lại hy vọng rồi con sẽ quen nên vẫn kiên trì đưa Thái đến lớp. Kết quả là sau mấy tháng hè, cu cậu vẫn chẳng vẽ đẹp hơn, võ thì chẳng biết chiêu nào, lại còn sụt mất hai cân.

Chuyên gia tâm lý Lan Hương, Tổng đài 1088, cho rằng thời nay, trẻ em có điều kiện tiếp xúc với các môn năng khiếu từ rất sớm, ở tuổi mẫu giáo. Điều này phần nào giúp bé tự tin hơn và có thể phát triển khả năng, sở trường của bé. Tuy nhiên, ở lứa tuổi này, chỉ nên cho trẻ học những môn mà trẻ thực sự yêu thích, và phải chú ý đến thời gian, thời lượng học của trẻ sao cho hợp lý, đảm bảo sức khoẻ. Nếu bị ép học những môn không thích, không phải sở trường, trẻ sẽ rất nhanh chán, khó thu được kết quả mà có khi còn phản tác dụng, ảnh hưởng đến sự phát triển tự nhiên của trẻ.

Ngay cả với những trẻ có năng khiếu thực sự, nếu cha mẹ quá nôn nóng, kỳ vọng mà thúc ép con học nhiều như thì sẽ gây quá tải, dẫn đến tâm lý căng thẳng, nặng nề, trẻ sẽ hết hứng thú với môn học, thậm chí có thể gây tổn thương tâm lý. Trẻ trở nên thiếu tự tin và sợ chính môn học đó.

“Cha mẹ nên để trẻ tự do lựa chọn học cái mà nó thích. Điều nên làm là tạo điều kiện, chuẩn bị cho con tâm lý thoải mái nhất khi đến với môn năng khiếu để trẻ có thể phát huy, thể hiện hết khả năng của mình. Tránh gò ép, hối thúc trẻ theo ý mình” bà Lan Hương nói.

Theo Xinhxinh


------------------------------

------------------------------
Đã đọc : 1428 lần

Liên hệ tư vấn

hỗ trợ trực tuyến

CHÚ Ý: AVS KHÔNG TƯ VẤN QUA CHAT

tư vấn qua điện thoại (3.000 đồng/phút): 1900 68 50 hoặc (04)1088 - 1 - 7

tư vấn trực tiếp: 2/15, phố Đào Duy Từ, phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội

Lĩnh vực tư vấn:

- tư vấn tâm lý tình cảm, hôn nhân, gia đình

- tư vấn nuôi dạy trẻ

- tư vấn sức khỏe tình dục: xuất tinh sớm, lãnh cảm, nghệ thuật phòng the, bệnh tình dục....

- tư vấn sức khỏe sinh sản, giới tính

- tư vấn trị liệu tâm lý

- Các vấn đề tâm lý khác như ly hôn, stress

Gọi -1900 68 50 để đặt lich tư vấn trực tiếp

Biểu giá tư vấn tại đây

Khách hàng tư vấn trực tuyến xem hướng dẫn tư vấn tại đây

Truyện hay

Truyện ngắn: Cái kính của gã bạn trai cũ

Truyện ngắn: Cái kính của gã bạn trai cũ

Có rất nhiều cách để chấm dứt một mối quan hệ, đặc biệt là kiểu quan hệ tình cảm nam nữ. Tôi vẫn hình dung mọi chuyện đơn giản thế này, hai cục nam châm điên cuồng hút nhau, rồi tới khi bản thân chúng mất đi lực hút, hoặc giả bi ai hơn cứ cho là... Đọc thêm