Vậy nên trong cuộc sống hằng ngày, mỗi khi hai đứa con tranh giành nhau về một thứ gì đó, chị thường kéo cậu con trai vào phòng, thủ thỉ:
- Con ạ, con là đàn ông phải nhường phụ nữ chứ. Mai mốt chị đi lấy chồng tài sản cả nhà này là của con chứ của ai.
Thằng bé phụng phịu:
- Nhưng chị ấy là chị, phải nhường em chứ!
Chị lại tìm cách dỗ cậu con trai. Thằng bé miễn cưỡng chấp nhận nhưng cũng có khi phản ứng:
- Mẹ lúc nào cũng bênh vực chị ấy.
Chị nghĩ con còn nhỏ dại không hiểu hết lòng mình. Mai sau, khi lớn lên, con trai chị sẽ hiểu những việc chị làm hôm nay.
Nhưng chiều nay đi làm về, chị dường như chết lặng giữa sân khi nghe trong nhà có tiếng của cô con gái vọng ra:
- Sau này mày còn ở với bố mẹ cả đời, nhà này, xe này... cái gì của bố mẹ mày cũng hưởng tất. Vậy mà bây giờ mẹ đổi cho tao cái xe đạp mới mày cũng tị. Đúng là cái đồ tham lam...
- Với mẹ, chị bao giờ chả quan trọng nhất. Chị thích thì sau này bố mẹ già về mà rinh của cải, tôi cóc cần.
Giọng của đứa con trai đầy thách thức và vô lễ.
Chị ngồi phịch xuống bậc thềm. Trong nhà những tiếng cãi vã qua lại như tiếng búa dội vào tai chị. Đến lúc này, chị mới nhận ra hai đứa con vốn ngoan ngoãn đã trở thành những đứa con hư chỉ vì cách cư xử sai lầm của chị. Chị sẽ "sửa sai" nhưng liệu có dễ để hàn gắn vết thương tâm hồn non nớt của cậu con trai và điều chỉnh những sai lệch trong suy nghĩ của các con không?
Theo afamily.vn