Tại một cuộc trò chuyện với chuyên gia về vấn đề này, một phụ huynh chia sẻ quan điểm của mình: “Theo tôi, do học kém nên các em thiếu tự tin. Tôi có một đứa con trai, sức học của cháu không tốt nên cháu cũng trở nên ngại trong giao tiếp, không dám phát biểu trước đám đông vì sợ sai”.
Một phụ huynh khác thì nói: “Theo tôi, cuộc sống
gia đình không hạnh phúc cũng là một nguyên nhân làm các cháu cảm thấy không tự tin, nhất là khi tiếp xúc với mọi người, các cháu sẽ nghĩ về hoàn cảnh lục đục của ba mẹ, thậm chí sự chia tay của ba mẹ... Bên cạnh đó, một nguyên nhân khác là do
gia đình quá nuông chiều con nên đã không để con tự làm, tự khám phá và đứng dậy sau những vấp ngã đã làm cho trẻ thiếu tự tin vì không biết làm gì!”.
Trên thực tế còn có những nguyên nhân khác đến từ ba mẹ, người thân như: sự áp đặt của ba mẹ, ông bà với con trẻ cũng đã tạo ra sức nặng, làm cho trẻ cảm thấy bị “quá tải”. Áp lực học tập đến mức trẻ cảm thấy
stress và không có cách giải quyết vấn đề, từ đó trẻ cũng thiếu tự tin vào chính mình. Ngoài ra, thể chất của trẻ cũng là vấn đề làm trẻ thiếu tự tin, một thân hình quá bé hoặc quá khổ trước đám đông cũng là một trong những nguyên nhân.
Áp lực học tập cũng là nguyên nhân khiến trẻ thiếu tự tin.
“Từ những nghiên cứu của các nhà tâm lý, xã hội học qua các cuộc khảo sát từ phụ huynh, học sinh... thì chúng tôi đưa ra một số nguyên nhân cơ bản làm trẻ thiếu tự tin như: trẻ không hài lòng về hình thức bên ngoài của mình; trẻ sợ sai, sợ thất bại; trẻ học kém, sức khỏe không tốt, bị chê, bị đánh nhiều và không cảm nhận được tình yêu thương từ bố mẹ; cuối cùng là các em không được làm việc để tự khẳng định bản thân”, thạc sĩ xã hội học Phạm Thị Thúy (Học viện Hành chính Quốc gia) nhận định.
Truyền cho con khao khát tự tin
Nhưng làm sao để trẻ tự tin, một phụ huynh bày tỏ: “Tôi cho rằng chúng ta nên cho trẻ hiểu biết mình (bản thân của trẻ) là ai?”. Gợi ý này theo thạc sĩ Thúy là khá hay.
Thạc sĩ Thúy nói: “Muốn biết mình là ai thì mình cần phải khám phá bản thân thông qua những hành động cụ thể. Phải có mơ ước và thực hiện ước mơ, trên cơ sở mơ ước của con, phụ huynh nên cùng con lập kế hoạch để con đi đến ước mơ ấy. Nhiều khi ước mơ không phù hợp hoặc quá sức thì trong quá trình lập kế hoạch và thực hiện ước mơ phụ huynh và trẻ sẽ cùng nhận ra điều đó và chấp nhận sự thật. Đó chính là nhận ra bản thân mình là ai đấy!”.
Thạc sĩ Phạm Thị Thúy gợi mở: “Khi trẻ nhận ra giá trị thật của bản thân có nghĩa là trẻ thấy được giá trị bên trong của mình, đó là tâm trí, tinh thần, tình cảm, nhân cách, kiến thức... Nếu biết rõ những thứ ấy của mình như thế nào thì con trẻ chắc chắn sẽ tự tin thể hiện bản thân đúng với tầm, tâm của mình. Muốn được vậy, chính trẻ phải có niềm khao khát có được sự tự tin và cha mẹ chính là người truyền khao khát ấy cho con”.