"Mấy đời bánh đúc có xương
Con vẫn nhớ từ ngày con còn bé tí, mới 2 tuổi thôi, theo chân bố lên Hà Nội chữa bệnh hen, đã gặp mẹ rồi. Lúc đó, mẹ là cô gái xinh đẹp, nết na hiền dịu, học cùng lớp với bố. Còn con, một con bé nhà quê, đen đúa, người rút lại vì những cơn ho hen, sợ sệt lấm lét đứng bên bố. May mà có mẹ chăm sóc, tắm rửa, nấu cơm cho ăn và dạy tập hát, tập vẽ. Dần dà, ngoài bố ra, con chỉ theo mỗi mẹ thôi. Sáng ngủ dậy đã đòi sang nhà cô Lan (tên mẹ), tối đến bố gọi mãi cũng không chịu về.
Mọi người ai cũng khen bố sướng. Vì chả phải lo gì cho con. Có thêm con, bố chẳng hề bận rộn vất vả tẹo nào. Đã có cô Lan nuôi dậy con hết. Nhớ lại hồi đó các học viên ở trường ở tập thể, mỗi người nửa căn phòng, thân và giúp đỡ nhau nhiệt tình lắm!
2 năm sau ngày con lên Hà Nội, bố và mẹ con chia tay. Lúc đó con còn nhỏ, chưa hiểu chuyện gì xảy ra. Chỉ biết rằng, tòa hỏi: “Con theo ai?”, con đã nói rằng: “Theo bố và cô Lan”. Có người nói với con rằng: “Cô Lan làm bố mẹ mày li dị, sao mày cứ quấn lấy thế?”. Con chỉ phụng phịu cãi lại: “Cô Lan dạy con nhiều bài hát hay lắm”.
Sau này lớn lên con mới biết nguyên nhân bố mẹ chia tay không phải vì mẹ kế của mình. Chuyện riêng của bố mẹ, con không muốn nhắc tới, tự nhủ rằng bố mẹ không có duyên với nhau.
Có lẽ mọi người sẽ trách sao con vô ơn với mẹ đẻ của mình như thế? Không phải như thế! Từ đáy lòng mình, con vẫn rất yêu mẹ, mẹ đẻ là mẹ của con. Và cô Lan cũng là mẹ của con. Một người có công sinh thành, một người có công dưỡng dục. Làm sao con có thể bỏ bên nào?
Bố và mẹ Lan lấy nhau có lẽ cũng vì con. Bố không có kinh nghiệm chăm sóc đứa con gái bé. Còn mẹ Lan lại không có khả năng sinh đẻ, không có quyền được thực hiện thiên chức của người làm mẹ. Hai người chỉ có một điểm chung là con.
Từ ngày con đi học mẫu giáo, lên cấp 1, rồi cấp 2, đại học và đi làm, tất cả mọi thứ mẹ Lan một tay chăm lo cho con. Tất cả mọi đồ dùng sách vở, quần áo, xe cộ, mẹ chắt chiu cho con không kém bạn kém bè. Trong khi mẹ mấy năm không may cho mình một bộ quần áo mới. Mẹ thủ thỉ với con về những điều mẹ dạy con gái, những chuyện bạn trai bạn gái, không hề đánh mắng con lấy một lần. Bạn bè lúc nào cũng ganh tị vì con sướng, có mẹ tâm lý thế. Nếu con không kể, chắc chẳng ai nghĩ, mẹ chỉ là mẹ kế của con thôi.
Ngày con làm cô dâu, về nhà chồng, không phải con khóc mà là mẹ khóc lã chã. Mẹ lo cho con còn bé, chưa lo nổi cho mình, nói gì đến chuyện làm dâu. Ngày con mang bầu, có khi mẹ còn vui hơn cả vợ chồng con ấy chứ. Mắt kém rồi, mẹ ngồi tỉ mẩn cả buổi sáng, nhặt hết xương dăm để nấu cho con bát cháo cá chép bổ cho cả mẹ và con.
Con sinh cháu mẹ tròn con vuông, mẹ phấn khởi lắm, đi đâu cũng khoe, một mực tự tay giặt tã lót, giặt quần áo cho hai mẹ con cháu. Có đêm cháu khóc quấy, mẹ thức suốt một đêm không ngủ, hát ru bế cháu, không một phút đặt lưng xuống sợ cháu giật mình tỉnh dậy. Con bảo mẹ nghỉ đi, để con bế cháu, mẹ lại mắng: “Con cố mà ngủ cho đẫy giấc, có sữa cho con bé bú”. Sáng ra, mẹ lại tất tả đi chợ, nấu nướng cho nhà con. Chao ôi, lúc đó nước mắt con chỉ trực trào ra, không biết nói gì hơn.
Có con rồi, con mới thấm thía nỗi lòng của người làm mẹ, sao mà bao la, sẵn sàng làm mọi việc cho con. Con sẽ không bao giờ kể hết được những tình cảm yêu thương mà mẹ dành cho con, đứa con riêng của chồng, cũng nhiều sự hy sinh và yêu thương như của người mẹ mang nặng đẻ đau suốt 9 tháng 10 ngày.
Khi con ngồi viết những dòng này, cũng là lúc mẹ đang phải nằm trong viện để điều trị bệnh loãng xương. Bác sỹ cũng nói rằng, một trong những nguyên nhân gây bệnh là do mẹ không có khả năng sinh con, tắt kinh sớm... Nếu không điều trị dứt điểm, có khi người bệnh không đi lại được, chỉ nằm nguyên một chỗ. Nước mắt con cứ lã chã tuôn hai hàng. Thương mẹ quá!
Theo afamily.vn