1. Làm gương cho trẻ
Trẻ em có tài bắt chước rất nhanh. Chúng sẽ bắt chước ăn những gì mà cha mẹ và các thành viên trong gia đình ăn, không ăn những gì mà mọi người không ăn. Chẳng hạn: Cha mẹ đừng bao giờ nhai, ngậm đá vào mùa hè nếu không muốn trẻ bắt chước hành động này...
2. Không ăn vặt
Xây dựng nguyên tắc cho trẻ: không ăn vặt các loại bánh kẹo (kể cả các loại đồ uống) trong khoảng 3 giờ trước khi ăn cơm. Cho trẻ ăn một loại đồ ăn gì đó nhẹ nhàng khi trẻ đi học về trong khi chờ ăn cơm như một miếng trái cây, một cốc sữa chua...(nhưng nhớ là không quá nhiều). Tới bữa cơm nếu trẻ có cảm giác đói chúng sẽ ăn bất kể cái gì có trên bàn ăn.
3. Không đáp ứng mọi yêu cầu của trẻ
4. Khuyến khích trẻ ăn nhiều rau
Ngoài những món rau, canh có trong bữa ăn, cha mẹ hãy chuẩn bị những loại rau sạch như carrot, dưa chuột, mía, củ đậu, bánh mì kẹp rau sống... trong tủ lạnh, và khuyến khích trẻ và các thành viên khác ăn vào các thời điểm trong ngày.
5. Ăn cùng nhau
Hãy thiết lập một nguyên tắc cho trẻ: Không dùng bữa trước hoặc sau các thành viên khác trong gia đình, mọi người đều phải ngồi vào mâm cơm và ăn cùng nhau. Mẹ cũng không nên vì chiều con mà nấu cho chúng một món ăn riêng nào đó. Nếu được mẹ chiều một lần, chúng sẽ "mè nheo" chỉ dùng bữa khi mẹ đáp ứng các yêu cầu. Tất nhiên mẹ có thể nấu món ăn chúng thích nhưng là đó là thực đơn cho cả nhà.
6. Không ép buộc
Cha mẹ có thể khuyến khích con thử một món ăn mới - nhưng không ép buộc. Không đưa ra bất kỳ phần thưởng hay một lời hứa hẹn nào để dỗ con ăn. Bởi nếu đạt được một lần, lần sau trẻ sẽ tiếp tục "yêu sách". Thay vào đó, cha mẹ nên giải thích cho con hiểu lợi ích của món ăn đó. Chẳng hạn khi cha mẹ mong muốn con ăn canh xương có thể nói với trẻ rằng: "Ăn món ăn này con sẽ khỏe hơn, cao hơn bạn Thắng trong lớp, con sẽ đá bóng giỏi hơn...".
7. Đừng gây áp lực với trẻ
Khi trẻ không đồng ý ăn một món ăn nào đó, đừng gây áp lực cho chúng bằng những lời nhận xét đại loại như: "Bon thật hư vì hôm nay không nghe lời", "Nếu hôm nay Bon không ăn rau bố sẽ không chơi với Bon"...Cha mẹ cũng không nên quát mắng chúng, buộc chúng phải dùng bữa trong tâm trạng không muốn ăn, khóc lóc... Hãy nhớ rằng chỉ khi tạo ra tâm lý thoải mái trong bữa ăn, trẻ mới có thể ăn được nhiều hơn và hấp thụ tốt hơn.
8. Lặp lại các món mới
Khi trẻ từ chối ăn một món ăn mới, đừng vì thế mà thất vọng và không làm lại. Hãy làm lại thật nhiều lần món ăn mà chúng không thích, bên cạnh các món ăn khác. Khi trẻ thấy các thành viên trong gia đình ăn nhiều món ăn đó, trẻ sẽ bắt chước theo.
9. Ăn đúng giờ và đúng nơi quy định
Thiết lập một giờ ăn cố định và một địa điểm ăn cố định cho các bữa ăn và cố gắng thực hiện đúng quy định đó. Bằng cách đó cha mẹ đã thiết lập cho con một thói quen ăn uống đúng giờ rất tốt. Đến giờ đó, trẻ sẽ thấy đói và tự khắc ăn cơm mà không cần cha mẹ phải dỗ dành, cưng nựng.
10. Khuyến khích trẻ lựa chọn đồ ăn cho cả nhà
Khi đi chợ, siêu thị cha mẹ có thể cho con đi cùng. Cho phép chúng lựa chọn những loại thức ăn và hoa quả chúng thích. Hạn chế dẫn chúng đến các gian hàng chứa đồ ăn vặt, thức ăn chế biến sẵn, thay vào đó khuyến khích con chọn những loại thực phẩm tươi sống, thực phẩm tự nhiên.
11. Khuyến khích trẻ cùng nấu ăn
Nấu ăn cùng trẻ sẽ rất thú vị, bạn có thể dạy con làm được nhiều thứ. Đặc biệt, trẻ sẽ rất thích ăn những thứ mà chúng "tự tay" sáng tạo ra.
12. Nói chuyện với con về cách loại Vitamin
Thường xuyên nói chuyện về tác dụng của các loại Vitamin để trẻ hiểu được giá trị của việc sử dụng các loại thức ăn đó. Chẳng hạn như: Vitamin C có trong nước cam sẽ giúp con không bị ốm, tránh phải uống thuốc. Vitamin A có trong Carrot, thịt bò sẽ giúp con sáng mắt, canh xương, canh cua, tôm sẽ giúp con ngày càng cao lớn, hàm răng chắc khỏe...
Theo Giadinh.net