1. “Con đau bụng quá, mẹ ơi”. Bé Mít 4 tuổi khóc toáng lên, hai hàng nước mắt giàn giụa khi bố mẹ chuẩn bị ra khỏi cửa. Mẹ vội chạy lại hỏi han, bé tiếp tục ôm bụng: “Đau lắm mẹ ạ, nhưng chẳng biết đau chỗ nào. Mẹ ở nhà với con đi”.
Ban đầu mẹ hốt hoảng lắm, nhưng nghe đến câu này thì khựng lại. Mít có bị đau bụng đâu.
2. Mẹ đang lúi húi ở dưới bếp. Choang! Tiếng lọ hoa thủy tinh vỡ tan trên nhà. Bin đã gọi mẹ ời ời:
- Mẹ ơi, con mèo chạy, làm vỡ lọ hoa rồi.
Nhìn thấy quả bóng đang nằm dưới ghế salon, mẹ gọi Bin thì thào, ra vẻ bí mật lắm:
- Con mèo này giỏi thật, nó đi xuyên qua tường vào nhà mình đấy. Mẹ đóng hết cửa mà vẫn vào nhà được. Mèo còn biết chơi bóng nữa đấy.
Cảm thông với lời nói dối
Đa số các bố mẹ khi thấy con nói dối, vội vàng quát mắng: “Hư thế! Úp mặt vào tường, đợi tối về mách bố” hoặc đợi bố về xử lý, cho “ăn” mấy roi cho chừa tật xấu. Với mẹ, bé có thể nghịch ngợm, leo trèo thế nào cũng được, nhưng nói dối là không thể chấp nhận được.
Tuy nhiên, trong nhiều hoàn cảnh, bố mẹ lại nên thông cảm với lời nói dối của con. Hầu hết các bé nói dối vì bé đã mắc một lỗi nào đó, dù nghiêm trọng hay không và bé rất sợ bị mẹ phạt.
Với các bé khoảng 3 - 4 tuổi, bé thướng nói dối theo cách tưởng tượng của mình bằng cách chắp ghép những câu chuyện, những tình tiết mà bé biết. Khi kết hợp lại, chúng rất vô lý.
Bố mẹ hãy tỏ ra thông hiểu và qua đó, hiểu được ước muốn của bé. Ví dụ bé muốn mẹ ở nhà nên giả vờ đau bụng. Từ đó cũng giúp bé học được sự khác nhau giữ tưởng tượng và thực tế.
Theo các chuyên gia tâm lý, khoảng 6 tuổi, bé đủ khả năng hiểu rõ cảm xúc của của người khác. Lúc này, bố mẹ nên giúp bé hiểu dần về những tình huống bé cần phải nói ra sự thật.
Giải quyết với “Bé nói dối”
Trước hết, mẹ hãy khuyến khích bé nói thật bằng cách tạo điều kiện cho bé nhận lỗi. Hãy nhẹ nhàng chỉ cho bé điểm sơ hở của lời nói dối và hứa rằng nếu bé nói thật, mẹ sẽ không đánh đòn. Đánh đòn hay trách phạt bé một cách quá nặng nề khiến lần sau bé sẽ tiếp tục nói dối, nói dối nhiều hơn để tránh bị phạt.
Giúp bé nhận ra sự khác biệt giữa lời nói thật và lời nói dối. Trong câu chuyện trên, khi mẹ đóng hết các cửa sổ và cửa ra vào, con mèo chạy vào nhà làm đổ lọ hoa sẽ phải đi tàng hình xuyên tường mà thôi. Đừng làm bé sợ hãi với những câu kiểu tra hỏi có đúng là bé nói không: “Con làm vỡ lọ hoa chứ gì?”. Đừng quên gợi ý cho bé cách giải quyết hậu quả.
Làm được điều này, bố mẹ đã giúp bé nhận thức được bản thân, tự tin, biết tự nhận lỗi và có trách nhiệm với việc làm của mình rồi đấy. Nhưng khi bé liên tục nói dối, bịa đặt ra những câu chuyện khó tưởng tượng, mẹ cần phải “nghiêm trị” ngay để nói dối không trở thành thói quen của bé thường ngày.
Theo afamily.vn