Chị Mai, quận Bình Tân, TP HCM, kể, năm cu Bin học lớp một, mỗi khi đi họp phụ huynh, nghe cô giáo phản ánh học lực của con yếu, chị và ông xã rất giận. vợ chồng to nhỏ, nặng nhẹ với con mãi nhưng cũng không hiệu quả. Khi Bin lên lớp hai, anh chị bèn ra “tối hậu thư”, hôm nào học được điểm 8 trở lên sẽ được thưởng 5.000 đồng, ngược lại bị phạt một roi.
Từ ngày đó, chị Mai cho biết cu cậu toàn khoe với bố mẹ điểm cao. vợ chồng chị rất mừng vì nghĩ rằng phương pháp này đã có hiệu nghiệm. “Ai ngờ, sau một thời gian dài quan sát, tôi thấy quyển vở bài tập toán và tiếng Việt của cháu cứ mỏng dần. Kiểm tra kỹ mới tá hỏa vì có rất nhiều trang bị xé đi. Gặng hỏi mãi cu cậu mới thừa nhận là chỉ giữ lại những trang nào điểm cao để nhận thưởng, còn trang điểm thấp thì xé bỏ để khỏi bị đòn”, chị Mai than thở.
Con sẽ sợ hãi việc học nếu bố mẹ gây áp lực. Ảnh: Lệ Thanh |
Có trường hợp vì chạy theo thành tích nên bố mẹ bắt con học liên tục không ngơi nghỉ khiến các bé hoạt động như một cái máy và sinh ra chán học. Chị Nhi, quận 6, cho biết, dù Lam mới học lớp một, nhưng sợ con thua kém bạn bè, chị đã xếp lịch học cho bé kín cả ngày. Sáng thì học ở trường, chiều cho học thêm cô giáo, tối còn phải thuê gia sư dạy kèm.
“Có lẽ cho con học nhiều quá nên phản tác dụng. Cứ nghe đến đi học là cháu lại khóc mếu, đau bụng, nôn mửa, nhức đầu… Nhưng nghe cho nghỉ ở nhà một hôm là hết bệnh ngay”, chị Nhi ngao ngán nói.
Tuấn Anh (học lớp 3) thì sáng nào đến lớp cũng mắt nhắm mắt mở và không thể tập trung bài vì thiếu ngủ. Đó là hậu quả của việc cu cậu đêm nào cũng bị mẹ bắt học đến khuya. “Tối nào mẹ cũng kèm cho cháu học. Nhưng mẹ rất khó, mỗi lần cháu làm bài không được mẹ lại la mắng xối xả khiến đầu óc cháu rối thêm nên học càng chậm. Vì vậy mà đêm nào cháu cũng phải học đến khuya mới xong”, Tuấn Anh tâm sự.
Nhiều phụ huynh khác thì chì chiết, dày vò trẻ khi không đạt mức yêu cầu. Thậm chí mang con ra mắng chửi khi gặp chuyện bực bội. Có lẽ dân khu phố 7, phường Bình Trị Đông A, Bình Tân, không còn lạ gì với những tiếng chửi rủa của ông Thanh khi cậu con trai học lớp 4 bị điểm thấp. Có lần cô giáo chủ nhiệm gọi điện đến cho biết cu cậu không tập trung trong giờ học, ông bê cả chiếc ghế nhựa đang ngồi dọa đánh con kèm theo những lời nói nặng nề: “Chỉ có ăn với học mà cũng không xong. Ngày mai tao cho nghỉ ở nhà đi bán vé số…”.
Một giáo viên trường Tiểu học Bình Trị Đông A chia sẻ, nhiều khi cô rất muốn liên hệ chặt chẽ với phụ huynh để hai bên cùng nắm rõ tình hình học tập của các em và có cách kèm cặp sao cho hiệu quả nhất. Thế nhưng, có nhiều bậc cha mẹ có cách hành xử rất phản khoa học.
Cô kể, có em học sinh nọ hơi yếu môn toán so với các bạn trong lớp. Cô đã gặp phụ huynh để trao đổi với mong muốn gia đình chỉ thêm môn này cho em khi ở nhà. Không ngờ, sau khi về đến nhà, phụ huynh ấy cho rằng con học dở để giáo viên mắng vốn nên đánh con một trận nhừ tử. Sau trận đòn, học sinh đó mỗi khi lên lớp lại rơi vào tình trạng ức chế và giận cô giáo, cho rằng vì cô mà em bị bố mẹ đánh đòn. "Kể từ đó, tôi rất cân nhắc mỗi khi muốn trao đổi tình hình học tập của các em với phụ huynh", cô giáo này bộc bạch.
Năm nay, lần đầu tiên các trường thực hiện theo quy định đánh giá, xếp loại học sinh tiểu học mới, nghĩa là chỉ ghi nhận kết quả thi học kỳ I và giáo viên chủ nhiệm nhận xét về tình hình học tập của từng em. Điểm học lực cả năm của học sinh tiểu học được tính bằng điểm kiểm tra định kỳ cuối năm, chứ không tính điểm bình quân cả hai học kỳ như trước đây.
Chính vì vậy, khi bước vào “cuộc đua nước rút”, các em phải đối mặt với hàng xấp bài cô giáo phát về nhà làm. Các bé luôn được đặt trong tình trạng “mẹ một bên và ba một bên” với "tinh thần phải đạt điểm 10”. Hầu như kết quả cuối năm của các em cao ngất ngưởng, không phụ lòng các bậc phụ huynh. Chỉ tiếc rằng, kết quả “giỏi” đó mang nặng máy móc nhiều hơn là sáng tạo, theo nhận xét của một nhà giáo lâu năm nay đã nghỉ hưu.
Theo một giáo viên tâm lý của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, TP HCM, sự khắc khe quá đáng của bố mẹ sẽ làm khô cứng ước mơ và sáng tạo của con trẻ; làm cùn nhụt khả năng tiềm ẩn của các cháu.
Bố mẹ hãy dạy con học bằng một thái độ tích cực, không nên quá ép buộc con phải đạt được một mức nhất định. Thay vào đó, nên thường xuyên khích lệ con bằng những lời khen hợp lý để trẻ thích thú hơn, chứ không phải là dùng những hành động chì chiết, đe dọa.
Bé cần được cha mẹ khuyến khích khi có ý thức học tập tốt. Đồng thời, bé cũng cần biết sự không hài lòng của cha mẹ nếu xao nhãng học hành. Khi dạy con học, phụ huynh cần nhẹ nhàng và kiên nhẫn. Vì đối với các cháu “không hoàn hảo có nghĩa là tồi tệ”.
Theo afamily.vn