Giúp con làm phao đạt điểm cao
Mấy hôm nay, chị Hoa (Trường Chinh – Hà Nội) hỳ hục ngồi đánh máy suốt cả đêm. Chồng chị thương vợ vất vả làm việc cơ quan. Hóa ra là chị đang ngồi gõ lại tất cả vở lịch sử của con để giúp con làm phao chuẩn bị cho thi học kỳ. “Đánh máy rồi chia cột, lúc quay sẽ nhìn dễ hơn. Chứ để bọn nó viết tay làm phao ruột mèo, vừa mất thời gian lại không rõ”.
Tuần trước thấy con chuẩn bị thi học kỳ, chị thương con vất vả ngày đêm ngồi hý hoáy ghi ghi chép chép chi chít những số liệu, ngày tháng ra mảnh giấy nhỏ tí nên tình nguyện làm hộ con việc này.
Cậu con trai “an ủi”: “Mẹ cứ yên tâm. Môn này lớp con bạn nào chả làm thế. Số liệu nhiều thế này, con làm sao nhớ chính xác hết được. Con chỉ quay mỗi môn này thôi. Các môn chính như Toán, Văn, Lý, Hóa, con học đàng hoàng lắm”.
Chỉ cần giỏi những môn chính
Bé Hân (Mai Động – Hà Nội) từ hồi cấp 1 đến giờ rất “yếu” môn thể dục. Người bé cũng cao lớn, khỏe mạnh, nhưng không hiểu sao các môn chạy, nhảy xa, ném lựu đạn, hay thể dục tay không, Hân cũng chỉ đạt 5 – 6 điểm. Hôm nào thầy giáo châm trước thì mới được lên 7.
Tổng kết môn thể dục, lúc nào bé cũng chỉ đạt 6,1 hoặc 6,3, không thể cố lên 6,5. Mà muốn được học sinh giỏi, tất cả các môn học đều phải đạt trung bình từ 6,5 trở lên. Tình hình là năm nào mẹ Hân cũng phải xin thầy giáo dạy thể dục nới nhẹ điểm thi học kỳ để con được đạt tiêu chuẩn và không quên “hậu tạ” thầy.
Chồng không đồng ý, chị cự nự: “Sau này con nó có sống bằng môn thể dục đâu. Mà người ta chỉ hỏi môn Toán, môn Văn và tiếng Anh được mấy điểm thôi. Mình làm thế chẳng có gì là sai cả”.
Bé Hùng học lớp 6 cũng rất sợ môn thủ công. Con trai làm sao mà đan lát, rồi khâu đột mau, đột thưa. May quá, bài thi học kỳ, cô giáo cho làm sản phẩm ở nhà, rồi mang lên lớp tính điểm. Sản phẩm tự tay bé làm chỉ có mà đạt điểm 2 sau một ngày đánh vật với kéo, giấy màu, hồ dán.
Dạy con điểm 10 về lòng trung thực
Mỗi mùa thi đến, không chỉ mình các con căng thẳng lo chuyện học hành thi cử. Bố mẹ cũng lo sốt vó ấy chứ. Làm thế nào để con học tốt, thi đạt điểm cao, lên lớp, vượt cấp, vào trường chuyên... Rồi còn liên quan đến “bộ mặt” của bố mẹ ở cơ quan. Con các cô chú đồng nghiệp đều đạt học sinh giỏi, con mình kém thì xấu hổ lắm....
Một mẹ giấu tên cho biết: “Tôi rất mong con đạt điểm cao bằng chính sức của mình. sợ cháu quay bài thì sinh hư, lười học, hổng kiến thức. Nhưng khi con đi thi về kể con làm bài tốt nhờ quay bài, mình cũng yên tâm hơn phần nào”.
Thậm chí, nhiều bố mẹ còn đồng tình với chuyện gian lận trong thi cử của con. Bố bé Mít còn nói vui, bao biện với bạn bè: “Mình đi học lớp tại chức buổi tối còn quay bài như điên, nói gì đến cấm con dạy con ở nhà. Mà nó điểm kém thì “nhục” lắm!”.
Có thể, các con sẽ được điểm số cao hơn một chút khi thi cử gian lận. Nhưng bố mẹ có biết, con sẽ mất rất nhiều. Nếu chẳng may con bị phát hiện, sẽ bị điểm kém và hạ hạnh kiểm.
Quan trong hợn, điều này có thể tạo cho con tính gian dối, mất dần tính trung thực không chỉ trong thi cử mà trong cả cuộc sống hàng ngày.
Khi phát hiện con gian lận trong thi cử, hãy dành thời gian nói chuyện với con, làm thế nào để con hiểu: “Bố mẹ chỉ muốn con học bằng chính sức của mình. Điểm số không phải là tất cả. Quan trong là con hiểu bài. Điểm cao hay thấp còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như vở sạch chữ đẹp, may mắn, một phút đãng trí của con”.
Đừng bao giờ lấy điểm số, danh hiệu học sinh giỏi để làm áp lực, thước đo với con, bố mẹ nhé!
Bảo Châu
(Tổng hợp)
Theo afamily.vn