Tính chất cơ bản của sao Cự Môn
Cự môn miếu ở 4 cung Dần Mão Thân Dậu, hãm ở hai cung Sửu Mùi.
Cự Môn là sao thứ hai của Bắc Đẩu, thuộc âm thổ, còn thuộc âm kim. Cổ nhân có thuyết "thổ yên tĩnh trôn kim", vì vậy lấy Cự Môn làm "ám tinh", chủ về "điều tiếng thị phi", và "tranh ngoài sáng, đấu trong tối".
Ngoài điều tiếng thị phi, Cự Môn còn chủ về khẩu tài, rất ưa Hóa Quyền, cách cục cao thì có thể phú quý, nếu không cũng có thể là bậc thầy dạy học đáng kính. Cự môn hội chiếu với Thái dương thì quang minh lỗi lạc, có thể phú quý.
Thời cổ đại do bị hạn chế điều kiên xã hội, nên người có Cự môn thủ mệnh bị giới hạn về nghề nghiệp, khác với bối cảnh xã hội hiện đại, có thể làm phát thanh viên, hay làm việc trong ngành quan hệ công cộng, thậm chí có thể làm công tác ngoại giao, hoặc luật sư. Nếu gặp các sao Liêm trinh, Tham lang, Long trì, Phượng các, Thiên tài, thì có thể hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn.
Đặc tính của Cự môn là "khẩu tài", nhưng về phương diện giao tế, nó không giống như Tham Lang thiên về hưởng lạc và ham mê tửu sắc, cũng không như Thiên Cơ xử sự tròn trịa, khéo ăn khéo ở, mà nó khá thực tế.
Khẩu tài của Văn Khúc rơi vào tệ "xảo ngôn lệch sắc", mầu mè chải chuốt, hơi sốc nổi, không thiết thực; còn Cự Môn thì có thể dùng ngôn từ để chiếm lòng tin của người khác. Cho nên lúc Cự môn hóa Quyền, lời nói của người này sẽ có tính quyền uy. Nếu Cự môn hóa Lộc, thì thích hợp làm nghệ sỹ biểu diễn, đặc biệt có thể thành người dẫn dắt, điều khiển chương trình ưu tú, khi Cự Môn gặp Văn xương, Văn khúc, Hồng loan, Thiên hỉ, Thiên diêu, Hàm trì thì càng đẹp.
Nếu Cự môn hóa thành sao Quyền, hoặc hóa thành sao Lộc, hội hợp với chính diệu hóa Khoa, thì chủ về thanh danh vang dội, nhất định là người có tiếng tăm trong xã hội., thường phát biểu ngôn luận trước đám đông.
Đặc điểm lớn nhất của Cự môn là bản thân có biểu hiện khá tốt. Nhưng nếu học hành ít, không đủ để vận dụng, thì biến thành cá tính không nể phục người khác, do đó dẫn đến tị hiềm đố kị. Vì vậy Cự Môn rất ưa hội các sao Xương, Khúc, Khoa, cung mệnh dù không gặp sao "văn", nếu cung Phúc đức có văn tinh tụ tập, cũng có thể bổ cứu.
Cự Môn ở hai cung Tí hoặc Ngọ, gọi là "Thạch trung ẩn ngọc cách", chỗ tốt của cách này là giảm thiểu những biểu hiện dục vọng của bản thân, tài năng kín đáo không lộ. Lấy trường hợp gặp Hóa Lộc, Hóa Quyền, Hóa Khoa, làm thượng cách; gặp Lộc Tồn là thứ cách, thảy đều chủ về người có địa vị cao trong xã hội, còn dễ trở nên giầu có. nhưng người thuộc Cách này, một khi đã có địa vị cao, thành nhân vật "số một", sẽ dễ chuốc tị hiềm đố kị mà dẫn đến thân bại danh liệt.. Xét từ Cách này, có thể thấy Cự Môn phải biết tiết chế biểu hiện của mình, đồng thời cũng cần chú ý tu dưỡng sở học.
Thái Dương hội hợp với Cự Môn, có thể giải "ám" của Cự môn. Xét về tính chất, đây là vì người "Nhật Cự thủ mệnh" làm việc phần nhiều đều quang minh lỗi lạc, dễ làm cho người ta hiểu rõ.
Tổ hợp tinh hệ "Thái dương Cự môn" còn có tính chất "người ngoại quốc", nên khi tinh hệ này hội hợp với sao Cát, xem nó rơi vào cung nào, để định tính chát sùng thượng người ngoại quốc, hay kết hôn với người nước ngoài.
Đối với Hỏa tinh, Linh tinh, Kình dương, Đà la, Kiếp sát, Thiên hình, Hóa Kị, thì sao Cự môn đều sợ. Nói chung, thì Kình Đà dễ khiến tình cảm nổi sóng gió, Hỏa Linh khiến đời người thêm nhiều sóng gió, Không Kiếp khiến đời người gập ghềnh, gặp nhiều trở ngại, bất đắc chí. Theo thuyết của cổ nhân, có khả năng thủa nhỏ bị cha mẹ bỏ rơi, gặp các sao Hình Kị, thì xảy ra điều tiếng thị phi. Nếu tứ sát cùng chiếu, lại gặp Thiên hình, cung Tật Ách không tốt thì dễ yểu mạng.
Cự Môn là sao thứ hai của Bắc Đẩu, thuộc âm thổ, khí của nó thuộc âm kim. Trong Đẩu Số, Cự môn là ám tinh. Gọi là "ám tinh", chẳng phải nói Cự môn không có ánh sáng, mà là nói nó giỏi che mất ánh sáng của người khác, cho nên gọi là "ám".
"Che mất ánh sáng của người khác", là sắc thái đặc biệt nhất của sao Cự Môn. Trong xã hội, người nghị luật thao thao bất tuyệt biến người khác đều thành thính giả, cách biểu hiện cái "tôi" như vậy là sắc thái đặc biệt của Cự Môn. Hơn nữa, Cự Môn còn thích tiết lộ chuyện riêng tư của người khác, cho nên cổ nhân nói đặc tính của Cự Môn là "gây chuyện thị phi sau lưng" (bối diện thị phi)
Cự Môn còn có một sắc thái đặc biệt khác là "đa nghi". Cổ nhân nói nó "ở người thì chủ về ám muội, đa nghi thị phi" (vu nhân chủ ám muội, đa nghi thị phi). Đây là do Cự Môn đánh giá người khác phần nhiều thiên nặng về mặt "âm ám", cách nhìn đối với người khác rất phiến diện, đương nhiên có nhiều nghi ngờ.
Do hai tính cách này, nên quan hệ giao tế của Cự Môn không được tốt, nói "ít hợp với lục thân, giao du với người lúc đầu thì tốt, sau cùng thì xấu" là do lý luận này.
Vì vậy, lúc đánh giá Mệnh cục Cự Môn cần phải chú ý các sao nó hội hợp, xem chúng có làm mạnh thêm hai đặc tính này, hay là làm giảm bớt hai đặc tính này, hoặc có thể nhuyễn hóa hai đặc tính này.
Sao có thể hóa giải sự "âm ám" của Cự Môn mạnh nhất là Thái Dương ở cung miếu vượng. Cổ nhân nói "Cự Nhật đồng cung, phong quan ba đời", trường hợp "Thái dương Cự môn" là đúng, do Thái dương ở cung Dần là mặt trời mọc ở phương Đông, ánh sáng rực rỡ đang thịnh, có thể hóa giải "âm ám" của Cự Môn.
Nếu Thái dương ở cung Ngọ, sẽ hội hợp với Cự Môn thủ mệnh ở cung Tuất, cũng dư sức hóa giải tính "âm ám" thị phi của Cự Môn, nên cũng gọi là kết cấu đẹp. Ngoại trừ Thái dương có thể hóa giải tính "âm ám" của nó ra, chỉ còn dùng hóa Quyền và hóa Lộc để hóa giải. Cự Môn sau khi hóa thành sao Lộc, khí chất của Cự Môn biến thành khéo ăn khéo ở, còn Cự Môn sau khi hóa thành sao Quyền, thì tính giảm bớt lòng nghi kị, do đó cũng có thể cải thiện đặc tính của Cự Môn. Phàm Cự môn có cách cục tốt, đều ưa Hóa Lộc, Hóa Quyền là do duyên cớ này.
Có Thiên Cơ đồng độ hoặc đối củng, sẽ làm mạnh thêm khuyết điểm của Cự Môn, bởi vì Thiên Cơ sẽ biến Cự môn thành trôi nổi, không thiết thực, mà còn làm tăng đặc tính đa nghi của nó, cũng sẽ khiến nó hay "gây chuyện thị phi sau lưng", nhờ vào ngôn từ mưu trí và quyền biến, để chiếm lòng tin của người khác. Cần phải hóa Lộc, hóa Quyền, và hội hợp với các sao Cát, mới là cách cục tốt. Nếu có Sát tinh đồng cung, là cách cục phá tán, thất bại.
Sát tinh cũng có thể làm tăng đặc tính xấu của Cự Môn. Cự môn ở hai cung Thìn hoặc Tuất là hãm địa, thì càng nặng. Vì vậy cổ nhân nói: "Cự môn sợ hai cung Thìn hoặc Tuất hãm địa" (Thìn Tuất ứng hiềm hãm Cự môn); "Cự môn gặp tứ sát mà cung hãm thì hung" (Cự môn tứ sát hãm nhi hung); "Cự môn mà gặp Hỏa tinh và Kình dương thì cuối đời tự ải" (Cự Hỏa Kình Dương, chung thân tự ải); "Cự môn gặp Hỏa tinh Linh tinh, mà không có Tử vi và Lộc tồn áp chế, thì nhất định sẽ bị đày ngàn dặm" (Cự môn Hỏa Linh, vô Tử vi Lộc tồn áp chế, quyết phối thiên lý).
Tử phụ, Hữu bật, Văn xương, Văn khúc, có thể nhuyễn hóa tính cách xấu của Cự Môn thành tốt đẹp. Tử phụ, Hữu bật chủ về trợ lực, Văn xương, Văn khúc chủ về tài năng, tuy có nói nhiều thì cũng sẽ không chuyên đi che ám người khác; sau khi được trợ lực rồi, cũng sẽ giảm bớt lòng nghi kị, mà còn có thể mang tính nghi kị biến thành tính lo toan suy nghĩ một cách hữu ích.
Cho nên Cự Môn tuyệt đối không nên gặp Sát tinh, mà rất ưa gặp Lộc tồn, Hóa Lộc, Hóa Quyền, và Tả phụ, Hữu bật, Văn xương, Văn khúc.
Với tính chất sau khi chuyển hóa thành Tốt của Cự Môn, rất thích hợp làm những nghề nghiệp coi tài nói năng là nhân tố quan trọng. Người thuộc thượng cách có thể là Luật sư, hay nhân tài ngoại giao, đây phần nhiều là lấy "tính hay nói xấu" nhuyễn hóa thành "giỏi biện luận", lấy "tính nghi kị" nhuyễn hóa thành "tính lo toan suy nghĩ". Cũng thích hợp làm nghề bán hàng, dạy học, hoặc nghệ thuật biểu diễn để mưu sinh.
Cự Môn phân bổ ở 12 cung, sẽ đồng độ, hoặc đối củng với Thiên Cơ ở hai cung Mão hoặc Dậu, gọi là "Cự Cơ" đồng độ; ở 4 cung Tý Ngọ Mão Dậu là kết cấu "Cự Môn Thiên Cơ".
Ở hai cung Tị hoặc Hợi (sách viết là Thìn hoặc Tuất), thì Cự môn độc tọa, ở đối cung sẽ là Thái Dương; ở hai cung Dần hoặc Thân, thì Cự môn và Thái dương đồng độ. Cho nên, ở 4 cung Dần Thân Tị Hợi là kết cấu "Cự Môn Thái Dương".
Thiên cơ tính trôi nổi, không thiết thực, nên bất lợi đối với Cự Môn, Thiên Đồng thì có thể hòa với khí của Cự môn, nhưng lại có thể khiến cho tâm trạng của Cự Môn càng "âm ám" kín đáo. Thái Dương thì có thể dùng ánh sáng rực rỡ của mình để hóa giải tính "âm ám" của CỰ Môn, thông thường kết cấu "Cự môn, Thái dương" là tốt nhất, nhưng trong đó cũng có biến cách.
Cự Môn thủ mệnh cũng có một số cách cục nổi tiếng, Cự môn độc tọa ở hai cung Tý hoặc Ngọ, hóa Lộc hoặc hóa Quyền, gọi là cách "Thạch trung ẩn ngọc", chủ về mệnh tạo "anh hoa nội liễm" (tài năng không lộ)
Cự môn độc tọa ở cung Thìn, hóa thành sao Lộc, được Văn xương hóa Kị cùng bay đến, ở đối cung có Thiên Đồng, mà còn hội hợp Thái dương hóa Quyền. Hóa Quyền của Thái dương có thể điều hòa tính xấu của Cự môn, hơn nữa bản thân Cự môn đã hóa Lộc, tính chất được nhuyễn hóa, còn Thiên đồng có thể hóa giải Hóa Kị của Văn xương, vậy là vừa khớp trở thành "cách đặc biệt". Cổ nhân nói: "Cự môn ở hai cung thìn hoặc Tuất là không đắc địa, mệnh khổ nhưng trái lại biến thành cách cục đặc biệt" (Cự môn Thìn Tuất bất đắc địa, tân nhân mệnh ngộ phản vi kỳ) là ám chỉ điều vừa nói, nhưng không tiết lộ một điều là cần phải có Văn Cương Hóa Kị đồng độ.
"Cự Môn Thiên cơ" ở cung Mão, Hóa Lộc, hội hợp với Lộc tồn, mà không có thêm Sát tinh, lại được Tả phụ, Hữu bật, Văn xương, Văn khúc, Thiên khôi, Thiên việt hội chiếu, gọi là "Cơ Cự đồng lâm cách", nhưng nếu có Sát tinh là phá Cách, kị nhất là có Kình dương, Hỏa tinh.
Cung mệnh của Đại hạn, hoặc Lưu niên gặp Cự Môn, thì không chủ về có đặc tính của Cự Môn, mà lại chủ về một đoạn đời người gặp cảnh ngộ bị Cự Môn che phủ. Nếu không có Thái dương miếu vượng hóa giải, lại không có Quyền Lộc, trái lại còn gặp các sao Sát Kị, thì chủ về Đại vận hoặc Lưu niên không cát tường, điều tiếng thị phi trùng trùng, mà còn chủ về phạm pháp, kiện tụng, cần phải gặp các sao Cát và cát hóa, sau mới hưng thịnh. Cự Môn là sự phiến nhiễu của thị phi, không thể không thận trọng.
Cự Môn có quan hệ mật thiết với các sao Thái Dương, Thiên Cơ, Thiên Đồng, được phân bố trong 12 cung như sau:
- Ở hai cung Tý hoặc Ngọ, thì Cự Môn đối chiếu với Thiên Cơ
- Ở hai cung Sửu hoặc Mùi, thì Cự Môn đồng cung với Thiên Đồng.
- Ở hai cung Dần hoặc Thân, thì Cự Môn đồng cung với Thái Dương.
- Ở hai cung Mão hoặc Dậu, thì Cự Môn đông cung với Thiên Cơ.
- Ở hai cung Thìn hoặc Tuất, thì Cự Môn đối chiếu với Thiên Đồng.
- Ở hai cung Tị hoặc Hợi, thì Cự Môn đối chiếu với Thái Dương.
Về đại thể, quan hệ giữa Cự môn với Thái dương, đồng cung sẽ không bằng đối chiếu, bởi vì Cự môn là "ám tinh", khi đồng cung với Thái dương, là một "minh" và một "ám" cùng ở một cung vị, trái lại sẽ gây lụy cho Thái dương. Đối chiếu thì khác, "ám" của Cự môn không đủ sức truyền đi xa, nhưng ánh sáng và nhiệt của Thái dương lại có thể chiếu tới Cự môn, nên có thể giải trừ "ám" của Cự môn.
Quan hệ với Thiên Đồng, thì đồng cung ưu hơn đối cung, bởi vì Thiên Đồng có tính cách bảo thủ, chỉ lo bảo toàn bản thân, mà bất kể thế sự, lại còn hay sợ việc. Ưu điểm của Cự môn là không chiếu xạ đối cung của mình, mà còn bị ảnh hưởng ngược lại từ đối cung, khiến cho tính chất (tính cách) của Cự môn xảy ra thay đổi. Đồng cung thì khác, hai bên sẽ tác động lẫn nhau, nên có thể "hơi" thay đổi khuyết điểm của Cự môn, làm giảm bớt điều tiếng thị phi.
Cự Môn quan hệ với Thiên Cơ, dù đối chiếu hay đồng cung, đều có sở trường riêng. Tổ hợp tinh hệ này, phần nhiều đều có chút tính chất khéo ăn khéo ở, còn giỏi biểu đạt và điều hòa. Khi Thiên cơ và Cự môn đồng cung, tính cách (tính chất) khéo léo của Thiên Cơ sẽ cải thiện tính chất điều tiếng thị phi của Cự Môn, nhưng cũng đồng thời làm giảm bớt tính chất "Thiên Cơ hóa khí thành khéo léo" dẽ thành đầu môi trót lưỡi, bụng dạ hẹp hòi. Lúc Thiên cơ và Cự môn đối chiếu, tính chất của hai bên sẽ dung hòa, Thiên cơ không đến nỗi biến thành bụng dạ hẹp hòi vì ảnh hưởng của Cự môn, mà Cự môn cũng không đến nỗi biến thành sốc nổi, không thiết thực, vì ảnh hưởng của Thiên Cơ. Nhưng tính chất "điều tiếng thị phi" của bản thân Cự môn vẫn không bị ảnh hưởng, dễ nhanh mồm nhanh miệng mà chuốc họa.
Cỏ nhân nói: "Giao du với người có mệnh Cự môn, lúc đầu tốt về sau xấu", đại khái là lấy tổ hợp tinh hệ "Thiên cơ Cự môn" để nói, bởi vì bất kể hai sao đối chiếu hay đồng cung, cũng đều có những khiếm khuyết đáng tiếc, hơi thiếu đường đường chính chính.
Cự Môn cát hay hung là do có tài học hay không
Cổ nhân rất có thiên kiến với Cự Môn, có thuyết: "Cự môn miếu vượng, tuy phú quý cũng không được lâu bền"; hay "Cự môn thủ cung mệnh hoặc cung thân, một đời chuốc điều tiếng thị phi", thậm chí khi luận các cung Huynh đệ còn nói "anh em thảm thương", cung Phu thê còn nói "vợ chồng thất tiết", cung Tử tức còn nói "con cái tổn hậu", hay cung Tài bạch còn nói "tiền bạc khéo trộm mà có", .v.v... có thể nói là không có chỗ nào đúng.
Vương Đình Chi cho rằng, tiền nhân của phái Trung Châu đánh giá Cự Môn khách quan hơn, cho rằng: "Cự môn có lòng chính nghĩa, thường thường sở học ít khi tinh thâm, tài không đủ để dùng" nhưng chính nhờ đó mới có tính bỗng nhiên lãnh ngộ.
Người có Cự môn ở cung mệnh, đại khái đều có biểu hiện tốt về tính cách của bản thân, thêm vào đó còn giỏi biện luận, do đó thường dễ chuốc tị hiềm đố kị. Nếu như tài học của mệnh tạo đủ sức khiến cho người ta khâm phục, thì tính chất "chuốc tị hiềm đố kị" sẽ giảm bớt, sẽ khiến người ta ghét tính nói nhiều của mệnh tạo, quan hệ nhân tế đương nhiên rất tệ, gây nên "một đời chuốc lấy điều tiếng thị phi", "tuy phú quý nhưng không được lâu bền". Đây cũng là nói, hễ người có Cự Môn tọa cung mệnh, nếu có tài học, mà còn học tinh thâm, thì cũng là mệnh cục tốt.
Cổ nhân rất ưa Cự môn đồng cung hay đối chiếu với Thái dương, cho rằng Thái dương có thể giải "ám" của Cự môn, thực ra chỉ vì người có "Cự Nhật thủ mệnh" làm việc quang minh lỗi lạc, dễ làm cho người ta dễ hiểu mình mà thôi.
Cự Môn ở hai cung Tý hoặc Ngọ, tuy không gặp Thái dương, nhưng có Hóa Lộc, Hóa Quyền, hoặc Hóa Khoa, ba sao hợp chiếu, cổ nhân cũng cho rằng đây là cách cục tốt, gọi là "Thạch trung ẩn ngọc", đó là vì nhờ có các sao hóa diệu này, nên sở học của mệnh tạo không đến nỗi tệ, thêm vào đó Thiên Cơ ở đối cung "hóa khí thành khéo léo", nên vừa có tài học, vừa có tu dưỡng, do đó tính chất "điều tiếng thị phi" của Cự môn sẽ nhuyễn hóa thành tài ăn nói, lời nói ra ắt sẽ khéo léo, biến thành cách cục tốt.
Cổ nhân luận mệnh thích giấu đi một chút, thường chỉ nêu ra một Sao để phán định, cho nên dễ khiến cho hậu nhân mơ mơ hồ hồ, nếu không động não phân tích thì khó mà hiểu được.
Cự Môn cung viên luận
Nói về ánh của các Sao, thì Thái dương là không có chỗ nào không chiếu đến, vì vậy Cự môn không thể che ánh sáng của Thái dương, chỉ khi Thái dương lạc hãm, lúc đó ánh sáng yếu nhất, Cự Môn mới che được, do đó Thái dương lạc hãm cũng không nên hội Cự môn.
Ảnh hưởng của Cự Môn đối với các sao, dựa vào kết quả tính chất của các sao bị "ám" mà định.
Như Thiên Đồng gặp Cự Môn, đồng độ hoặc vây chiếu, Thiên Đồng chủ về tình cảm và tâm trạng, sẽ biến thành tình cảm và tâm trạng u ám. Thế là tận trong thâm sau nội tâm, có nỗi đau khổ thầm kín mà không thể cho ai biết.
Lại như Thiên Cơ gặp Cự Môn, đồng độ hoặc vây chiếu, Thiên Cơ chủ về cơ mưu, kế hoạch, biến thành cơ mưu và kế hoạch bị tính toán sai, do đó có phản ứng sai lầm, tiến thoái không hợp thời cơ, do dự thiếu quyết đoán. Có điều Thái Dương gặp Cự Môn đồng độ hoặc vây chiếu, nếu Thái dương nhập miếu thì không bị Cự môn "ám", ánh sáng chiếu xa, nên chủ về được người ngoại quốc hoặc người ở nơi xa xem trọng, còn khi lạc hãm thì ánh sáng lu mờ, làm việc đầu voi đuôi chuột.
Như đã thuật ở trên, để luận đoán điềm quan trọng của Cự Môn, cần phải xem xét tính chất toàn bộ các sao mà định, sau đó "thâm nhập" tính chất "che ám", thì mới có thể luận đoán hoàn chỉnh.
Ví dụ như tinh hệ "Thiên cơ Cự môn" vốn chủ về phản ứng sai lầm, tiến thoái không hợp thời cơ, cho nên chủ về ý chí không kiên định, nhưng nếu Thiên Cơ hóa Quyền làm tăng tính ổn định, thì lực "che ám" của Cự Môn lại biến thành chủ quan quyết định mà phạm sai lầm, vì vậy mà đánh mất cơ hội tốt.
Lại ví dụ như tinh hệ "Thiên đồng Cự môn", vốn chủ về có ẩn tình che dấu triền miên, nhưng nếu Thiên Đồng hóa Lộc, thì lại có thể biến thành chấp trước một môn học nào đó, hoặc chấp trước một thú vui sở thích nào đó. Như vậy chưa chắc là không tốt. "Cự Môn Thiên Đồng" đồng độ, phải có sao Lộc, nếu không có Lộc, dù gặp Cát tinh cũng không cát tường. Cổ nhân nói "Cự môn ở Sửu Mùi là hạ cách, dù phú quý cũng không được lâu" (Sửu Mùi Cự môn vi hạ cách, túng nhiên phú quý diệc bất trường). Khuyết điểm của kết cấu tinh hệ này là ở chỗ: dễ nghe lời dèm xiểm, nói xấu, xử sự nặng tình cảm mà dẫn đến thất bại.
Cự môn đồng độ với Thiên cơ, cần phải được cát hóa và có sao Cát thì mới phú quý (ở cung Mão ưu hơn ở cung Dậu), nhưng gặp Hỏa tinh hoặc Linh tinh bay đến là phá Cách, chủ về cuộc đời nhiều chìm nổi. Không gặp Cát tinh hoặc không được Cát hóa, mà gặp sát tinh thì phá tán, tàn tật.
Cự môn ở hai cung Tý hoặc Ngọ là cách "Thạch trung ẩn ngọc" được cát hóa là tốt, hóa Lộc thì chủ về phú, hóa Quyền thì chủ về quý. Có điều cuộc đời không nên ở vị trí tối cao.
Trường hợp Cự môn hóa Lộc hay hóa Quyền, thường đều thất bại ở Đại vận cung Tị; hóa Quyền thì thất bại vì tranh quyền; hóa Lộc thì thất bại vì quá muốn làm giầu. Nó thường thành công ở những đại vận "Vũ khúc Thất sát", Thiên phủ.
Cự môn ở hau cung Tý hoặc Ngọ, đồng độ với Lộc tồn, cần phải gặp Cát tinh mới phú quý. Rất kị cung hạn Thiên Cơ, cũng không ưa cung ở tam phương có Địa không Địa kiếp bay đến. Nó thường thành công ở Đại vận có sao Lộc trùng điệp.
Cự môn ở hai cung Tý hoặc Ngọ, không có sao Lộc, cần phải đến Đại vận hoặc Lưu niên gặp sao Lộc, mới chủ về phát vượt lên, gặp niên hạn có Địa không, Địa kiếp và Hóa Kị (nhất là Thiên cơ hóa Kị), sẽ chủ về phá tán, thất bại.
Cự môn ở hai cung Tý hoặc Ngọ, thông thường bất lợi cung Huynh đệ. Vì vậy không nên hợp tác với người khác, cũng thường chủ về kết hôn muộn, Cự môn ở cung Tý thì càng đúng.
Cự môn ở hai cung Thìn hoặc Tuất, thông thường là bát lợi. Cổ nhân nói: "Cự môn ngại bị hãm ở hai cung Thìn Tuất" (Thìn Tuất ứng hiềm hãm Cự môn), chủ về vất vả, tranh chấp thị phi. Khi Cự môn hóa Kị, có sát tinh bay đến là hạ cách. Cự môn ở hai cung Thìn hay Tuất, thì không nên đến các cung hạn Thiên tướng, Thiên lương, Thiên đồng, Thiên phủ, thường xảy ra sự cố, mà nên đến các cung hạn Thái âm, Thái dương nhập miếu. Rất nên đến các vạn hạn gặp Lộc tồn, Hóa lộc có thể giải tai ách của Cự Môn.
Cự Môn hóa Lộc ở cung Thìn, có Văn Xương hóa Kị đồng cung hoặc vây chiếu, là cách cục đặc biệt, rất phú quý. Đến cung hạn Thiên Phủ, là đại vận phát đạt. Cự môn ưa sao tiền tài, cho nên ưa cung hạn Thiên Phủ. Nhưng Cự môn không nên đến niên hạn Thiên Đồng, thường vì tham cầu thái quá mà gặp hung.
Cự môn ở cung Tuất hóa Lộc hay hóa Quyền đều cát, nhưng không nên gặp Văn Xương hóa Kị, gặp Thiên Phủ thì nên, gặp Thiên đồng thì ngại.
Cự môn ở hai cung Tị hoặc Hợi, có sự khác biệt rất lớn. Ở cung Hợi thì có Thái dương ở cung Tị vậy chiếu cho nên cát, nếu được cát hóa và có sao cát, ắt chủ về phú quý. Nhưng đến Đại vận Thiên cơ Thiên đồng (kị nhất là Lưu niên Thất sát), sẽ dễ vì cố xuất đầu lộ diện mà gây ra tai họa, hoặc vì quá lộ tài năng mà gây ra tai ương.
Cự môn ở cung Tị, thì Thái dương ở đối cung vô lực, cho nên không là cát lợi, chỉ khi nào gặp sao Lộc, mới chủ về nhờ cần kiệm mà trở nên giầu có. Ưa đến các cung hạn "Tử vi Thiên phủ", Vũ khúc, có Lộc tồn, Hóa Lộc, không ưa đến cung hạn Thất sát, cung hạn "Liêm trinh Thiên tướng", cung hạn Tham lang.
Cự Môn ở 12 cung đều ưa gặp sao Lộc, trường hợp hóa thành sao Lộc thì rất tốt, trường hợp Lộc tồn là kế đó. Các vận hạn trong cuộc đời cũng ưa có Hóa Lộc và gặp sao Lộc. Hễ Cự môn hóa Quyền, ưa đến nhất là Đại vận hoặc Lưu niên gặp sao Lộc. Tinh hệ "Thiên đồng Cự môn" ở hai cung Sửu hay Mùi, là được Vũ khúc hóa Lộc và Tham lang hóa Quyền giáp cung, cũng khá tốt. Rất sợ có Hỏa Linh đồng độ, dù phú quý cũng không lâu dài.
Tử vi đẩu số: Sao Cự Môn - Phần 1
Tử vi đẩu số: Sao Cự Môn - Phần 2
Tử vi đẩu số: Sao Cự Môn - Phần 3