Phá quân thủ mệnh độc tọa ở Tý hoặc Ngọ
Phá quân thủ mệnh độc tọa ở Tý hoặc Ngọ, cung Thiên di có Liêm trinh và Thiên tướng đồng độ, Liêm trinh là sao có lợi về làm công chức, Thiên tướng thì chủ về vất vả thay cho người khác, cho nên khi hai sao này đồng cung, xung chiếu Phá quân, càng khiến cho Phá quân thủ mệnh thành người thủ đoạn, nhưng lại là mưu tính cho người, mà không mưu tính cho bản thân.
Cho nên Phá quân an mệnh ở Tý hoặc Ngọ, đời người tuy ít biến động thay đổi, hơn nữa sẽ không chủ động thay đổi, nhưng một khi bị hoàn cảnh gây ảnh hưởng, không thay đổi thì không được, thì sự biến động thay đổi của người mệnh Phá quân sẽ rất kịch liệt, khiến cho người khác kinh ngạc.
Nếu không có các sao Sát Kị hội chiếu, Phá quân Hóa Lộc hay Hóa Quyền ở cung mệnh, hoặc có Lộc tồn đồng độ (Lộc tồn ở cung Phúc đức đồng độ với Tử Phủ cũng được), người này sẽ rất độ lượng, khí phách anh hùng, rất thích hợp theo võ nghiệp. Ngày nay, ngoại trừ gia nhập quân đội hay cảnh sát, còn có thể phục vụ trong ngành công thương nghiệp, và nên làm công việc mang tính khai sáng.
Phá quân không ưa Văn xương, Văn khúc, chỉ ưa gặp Thiên khôi Thiên việt, và rất ưa Tả phụ Hữu bật đồng độ hay hội chiếu, chủ về được bạn bè giúp đỡ, ủng hộ. Nếu gặp Văn xương Văn khúc mà không gặp sao Lộc, trái lại sẽ chủ về tính không tốt không xấu, nhưng tinh thần hay suy diễn theo sự không tưởng rất nhiều, và thiếu hành động thực tế. Nên lấy nỗ lực hậu thiên để bổ cứu, phải xem trọng bản thân, một khi có ý nghĩ trong đầu thì lập tức lên kế hoạch thực hiện.
Không ưa gặp Sát tinh đến hội hợp hoặc đồng độ, vì sẽ khiến cho người Phá quân thủ mệnh cảm thấy rất cô tịch, nếu lại gặp Thiên hư, thì càng chủ về tinh thần trống rỗng, nếu lại gặp Thiên nguyệt, ắt sẽ mắc bệnh mãn tính.
Nữ mệnh Phá quân ở Tý hoặc Ngọ, rất ngại gặp Địa không, Địa kiếp, Cô thần, Quả tú, chủ về nửa cuộc đời cô tịch, tinh thần nhiều đau khổ. Nếu cung Phu có Vũ khúc Hóa Kị gặp Thiên hình, thì rất có thể không có chồng (hoặc không có vợ).
Phá quân độc tọa ở Tý hoặc ở Ngọ, cung đối diện là hệ “Liêm trinh Thiên tướng”, cung tam phương là Thất sát độc tọa và Tham lang độc tọa hội hợp.
Phá quân ở hai cung này, có thể trở thành cách “Anh tinh nhập miếu”. Hoặc có thể thành cách “Phá quân ám tinh”.
Muốn luận giải tính chất của Phá quân độc tọa ở Tý hoặc ở Ngọ, cần phải phân biệt rõ bản chất của Phá quân thuộc loại “quả cảm” hay thuộc vào loại “làm càn”. Nắm vững những đặc điểm này, mới có thể nhận biết được bản chất của Phá quân.
Phá quân thuộc loại “làm càn” có lực phá hoại lớn, nhưng sức sáng tạo kém, do đó thường là chủ động phá hoại, mà sự phá hoại của nó lại không có mục đích. Phá quân thuộc loại “quả cảm” thì lại khác, không chủ động tìm sự thay đổi, nhưng khi phải ứng phó với tình huống khách quan, thì không thay đổi không được, lại “quả cảm” hành động, có mục tiêu rõ ràng cho sự thay đổi.
Phá quân đối nhau với Liêm trinh Hóa Kị (năm Bính, Phá quân ở Tý ắt cùng lúc bị Kình dương Đà la chiếu xạ, Phá quân ở Ngọ thì đồng độ cùng Kình dương), về cơ bản đã thành mệnh cách “làm càn”. Nếu gặp Thiên khôi, Thiên việt, Tả phụ, Hữu bật, Lộc tồn, có thể hóa giải tính “làm càn” này, lúc này Phá quân rất ngại đồng độ với Văn khúc mà không gặp Văn xương, càng chủ về tăng thêm mức độ “làm càn” mà thôi.
Có Văn khúc Hóa Kị đồng độ hoặc ở cung đối diện xung chiếu, tuy gọi là “Phá quân ám tinh”, thực ra cũng chỉ là mệnh cách Phá quân thuộc loại “làm càn” mà thôi.
Phá quân và hệ “Liêm trinh Thiên tướng” ở xung cung, bị Hỏa tinh Linh tinh xung phá, thì Phá quân cũng có tính “làm càn”. Trường hợp Hỏa Linh đồng cung được xem là nặng, ở cung đối diện được xem là nhẹ hơn. Nếu Liêm trinh Hóa Kị đồng độ với Hỏa tinh hoặc Linh tinh xung chiếu Phá quân, thì mệnh cách Phá quân thuộc loại “làm càn” càng nặng.
Phá quân Hóa Lộc hay Hóa quyền, chủ về người có mệnh cách “quả cảm”. Nếu được Tả phụ, Hữu bật, Thiên khôi, Thiên việt hội hợp (rất ưa gặp Lộc tồn), là thuộc về mệnh cách “quả cảm”, cách “Anh tinh nhập miếu” cũng như vậy.
Phá quân không có cát hóa, nhưng gặp Tham lang Hóa Lộc, hoặc hệ “Liêm trinh Thiên tướng” ở cung đối diện thuộc vào cách “Tài ấm giáp ấn”, cũng chi phối gây ảnh hưởng, khiến Phá quân thuộc vào loại “quả cảm”.
Vận hạn Phá quân, Thất sát, Tham lang độc tọa, cần phải gặp các Cát tinh. Nhất là Thiên khôi, Thiên việt, mới là cung hạn Phá quân thuộc loại “làm càn” thích hợp đến, lúc này lợi dụng tính “tường hòa” (cát tường và hòa giải) của Cát tinh để hóa giải tính “làm càn” của Phá quân, khiến cho tính chủ động phá hoại và lực phá hoại không mục đích của Phá quân không có đột biến. Lúc này được gọi là “nỗ lực hậu thiên có tu dưỡng để bổ cứu”, chủ về hễ gặp việc, thì suy nghĩ kỹ lưỡng, sau đó mới hành động - nếu là vận xấu có tránh được không? Chưa chắc tránh được vận xấu, cần phải thêm điều kiện hội hợp với sao cát, thì mới có thể kết luận. Đối với Phá quân thuộc loại “quả cảm” đến cung hạn này, thì có nhiều cơ hội thay đổi, dù không được cát hóa, cũng có thể cải thiện hoàn cảnh khách quan.
Đối với người có Phá quân tọa mệnh, khi đến các đại vận hoặc lưu niên có Thất sát, Phá quân, hay Tham lang độc tọa, người mệnh cách “quả cảm” đến cung độ vận hạn có Thất sát tọa thủ thì tốt; người mệnh cách “làm càn” đến cung độ Thất sát độc tọa thì dễ đánh mất cơ hội, mà còn chưa chắc lợi dụng được vận thế, trong hạn này chỉ chủ về thay đổi vẻ bề ngoài.
Nếu cung độ Tham lang cùng lúc gặp cả Lộc tồn lẫn Hóa Lộc, hơn nữa còn có Cát tinh hội hợp, đối với Phá quân thuộc loại “làm càn” có thể nhuyễn hóa bản chất “thay đổi không có mục đích” trở thành “kiến thiết có mục đích”. Đây hoàn toàn vì hoàn cảnh khách quan quá tốt đem lại một cách ngẫu nhiên.
Cung độ vận hạn Thất sát có Sát tinh, người có bản chất “làm càn” mà đến cung hạn này, chủ về chỉ biết phá bỏ cái cũ, mà không biết tạo nên cái mới. Vì vậy cần phải vận dụng nỗ lực hậu thiên để bổ cứu.
Cung hạn Thiên cơ độc tọa, đối với Phá quân thuộc loại “làm càn” không kị gặp cung hạn này, nhưng trong vận hạn này, có thể vì đặt ra mục tiêu sai lầm mà phải chịu tổn thất tới hậu vận. Xã hội ngày nay, đại vận thứ hai của mọi người, là thời gian Trung học phổ thông, vì vậy trong vận hạn này, cần có cha mẹ tư vấn lựa chọn mục tiêu một cách thận trọng, để phù hợp với đường sự nghiệp sau này được phát triển tối ưu. Đây được xem là “nỗ lực hậu thiên có bổ cứu”.
Thiên cơ Hóa Kị ở nguyên cục, có thể nói là vận tốt của Phá quân thuộc loại “làm càn”, có thể lợi dụng được vận thế này hay không? Sẽ trở thành then chốt để phát triển hậu vận.
Thiên cơ được cát hóa, đương nhiên là vận tốt, bất kể là Phá quân thuộc loại “quả cảm” hay thuộc loại “làm càn”, tính chất nào cũng thích hợp đến cung hạn này. Nếu là lưu niên, cũng là vận trình dễ gặp được cơ hội tốt.
Cung hạn “Tử vi Thiên phủ” đồng cung, thường là cung hạn khiến người có bản chất “làm càn” phá tán, thất bại, đã thiếu mục tiêu còn vì nhất thời đắc ý, nên dẫn đến thất bại. Nhưng Phá quân thuộc loại “quả cảm” thì trái lại, có thể xoay chuyển tình thế xấu trong vận hạn này, về sự nghiệp là có thành tích.
Khi hệ “Tử vi Thiên phủ” thiên nặng về tinh thần mà nhẹ về vật chất, Phá quân thuộc loại “làm càn” lại không thích hợp đến cung hạn này. Cần phải đề phòng vì đắc ý mãn nguyện, mà dưỡng thành tính cách phá hoại, hoặc vì thất bại mà phẫn thế ghét đời.
Cung hạn Thái âm độc tọa, nếu được cát hóa, lại gặp Thiên khôi, Thiên việt, Tả phụ, Hữu bật hội hợp, Phá quân có bản chất nào cũng ưa đến. Đối với mệnh cách “quả cảm” thì lại không nên mưu toan thay đổi lớn, nếu không, sẽ ảnh hưởng đến vận thế. Đối với mệnh cách “làm càn” đương nhiên càng không nên thay đổi (cần phân biệt Phá quân khi thay đổi có cục đích hoặc Phá quân khi thay đổi không có mục đích).
Nếu Thái âm Hóa Kị (Thái âm Hóa Kị xung hội Thái dương Hóa Kị thì càng nặng) là vận hạn xấu của Phá quân. Người có mệnh cách “làm càn” thì phạm sai lầm mà gây họa, người có mệnh cách “quả cảm” thì bị dẫn dụ mà phạm sai lầm, dẫn đến tổn thất. Hai tình huống này tuy giống nhau, nhưng trường hợp mệnh cách “làm càn” là do tự phát, trường hợp mệnh cách “quả cảm” là do bị xúi giục.
Cung hạn Cự môn không có Cát tinh hội chiếu, cũng ít Sát tinh bay đến, cần phải có Thái dương ở cung đối diện nhập miếu, mới là vận vận tốt của Phá quân. Tuy vậy, người mệnh cách “làm càn” nhập cung hạn này, thì vẫn dễ chuốc thị phi. Nếu Thái dương ở cung đối diện Hóa Kị, thì Phá quân đến cung hạn Cự môn tọa thủ, không nên có bất cứ hành động tích cực nào, bất kể là Phá quân thuộc loại “quả cảm” hay Phá quân thuộc loại “làm càn”.
Cung hạn Cự môn được cát hóa, gặp Cát tinh, đây là vận trình nên “tiến” hay nên “thủ”, khi Phá quân gặp cung hạn này. Nếu Cự môn không cát hóa mà lại bị Hóa Kị, hoặc lại gặp Thiên đồng Hóa Kị, thì đây là vận thế dễ sinh phá tán, thất bại, vì vậy vận trình này nên thủ mà không nên tiến.
Phá quân thuộc loại “làm càn” không ưa đến cung hạn Cự môn Hóa Kị, gặp lưu niên Thái dương Hóa Kị và Thiên đồng Hóa Kị, sợ rằng vì phạm pháp mà phá tán thất bại, nếu cung Tật ách cũng không tốt, thì còn là niên hạn bệnh tật, nạn tai.
Cung hạn “Liêm trinh Thiên tướng” đồng độ, nếu Liêm trinh Hóa Kị mà không có cát hóa hội hợp, niên vận của Phá quân thuộc loại “làm càn” đến, chủ về tâm trạng bị áp chế. Nếu tam phương tứ chính cung hạn có Sát Kị Hình tụ hội, Liêm trinh biến thành Hóa Kị mà còn gặp Vũ khúc Hóa Kị, thì thậm chí có thể tự sát, tâm ý nảy sinh ý niệm coi thường mạng sống.
Hệ “Liêm trinh Thiên tướng” có cát hóa, gặp Cát tinh, thì đây là lưu niên nên thay đổi hoàn cảnh khách quan. Người Phá quân có bản chất “làm càn” cũng không kị đến cung hạn này.
Cung hạn Thiên lương độc tọa, bất kể là nưu niên hay đại hạn, dù Phá quân thuộc loại “quả cảm”, cũng nên lui lại để suy tính kế sách. Người Phá quân thuộc loại “làm càn”, thì bị buộc phải thoái lui; dù có Cát tinh, được cát hóa, mức độ gian nan khốn khó vẫn không giảm, chẳng thay đổi được tính chất này.
Cung hạn Thiên đồng độc tọa, tuy rằng gặp Lộc Quyền Khoa hội, dù Phá quân thuộc loại “quả cảm” cũng không nên cải cách quá nhanh. Nếu không, thường thường sẽ chuốc lấy những phiền phức không cần thiết, lúc cơ hội thực sự đến thì lại buồn rầu, lo lắng, không còn sức lực để nắm bắt theo kịp thời cơ.
Nếu Thiên đồng Hóa Kị (còn gặp Cự môn Hóa Kị thì càng nặng), khi lợi dụng cơ hội để thay đổi tình thế, cần phải thận trọng và cẩn thận, xem xét kỹ thiên can nhập cung hạn theo lưu niên hóa nhập hay hóa xuất, để quyết định nên “công” hay nên “thủ”. Thông thường, chỉ cần Thiên đồng không hóa thành sát tinh (Thiên đồng Hóa Kị), thì đây là vận tốt của Phá quân thuộc loại “quả cảm”, có thể khai sáng, sáng lập sự nghiệp mới.
Cung hạn Vũ khúc độc tọa, nếu được cát hóa thành Hóa Lộc hay Hóa Quyền, là cung hạn Phá quân ưa đến, được xem là cơ hội để đặt cơ sở cho việc lập nghiệp. Nếu Phá quân thuộc loại “làm càn” mà đến cung hạn này, thường sẽ tự phá hoại vận thế của chính mình, rồi lại mất thời gian chắp vá những chỗ đã quyết định sai lầm. Nếu không nghĩ tới việc thay đổi, vẫn giữ vận thế cũ mà không xác lập mục tiêu phát triển, thì vận thế về sau sẽ phụ lòng một cách oan uổng.
Nếu Vũ khúc Hóa Kị xung khởi Tham lang Hóa Kị, thì chẳng phải là vận tốt, bất kể là Phá quân thuộc loại “quả cảm” hay Phá quân thuộc loại “làm càn”, đều không nên chủ trương tích cực khai sáng hoặc thay đổi.
Cung hạn Thái dương độc tọa, thông thường Thái dương nên nhập miếu mà không nên lạc hãm. Tình hình xấu nhất là khi Thái dương lạc hãm lại Hóa Kị, hoặc có Cự môn Hóa Kị vây chiếu, người có Phá quân thủ mệnh ắt sẽ gặp nhiều gian khổ khốn khó, đối với người Phá quân thuộc loại “làm càn”, lực phá hoại cũng do đó mà nảy sinh, ảnh hưởng rất lớn đến hậu vận.
Người thuộc cách “Phá quân ám tinh”, gặp phải tình hình trên, nếu không dựa vào nỗ lực tu dưỡng của hậu thiên để bổ cứu, thì sau khi trải qua nhiều gian khổ, tính “u ám” và tính “làm càn” của loại mệnh cách này sẽ trở thành thâm niên cố đế, tương lai thường tự hủy hoại chính bản thân mình.
Phá quân - Tử vi thủ mệnh ở Sửu hoặc Mùi
Sao Phá quân thủ mệnh ở Sửu hoặc Mùi, luôn luôn có Tử vi đồng độ. Đây là kết cấu tinh hệ rất có lực khai sáng. Phá quân vốn là chiến tướng tiên phong, được Tử vi cầm cương điều khiển, lực phá hoại của Phá quân nhờ vậy mà được giảm thiểu, sức sáng tạo trái lại sẽ tăng. Tuy đời người không tránh được vất vả, nhưng nhờ có tài lãnh đạo, có tính quyết đoán, nên cũng chủ về trải qua vất vả mà có thành tựu.
Nhưng lúc Phá quân Hóa Quyền sẽ làm tăng tính chất biến động của Phá quân, vì vậy mà đời người càng thêm thay đổi. Nếu có Tả phụ Hữu bật hội hợp, có thể giảm thiểu vất vả; nếu gặp tứ Sát, thì chỉ thích hợp làm việc trong lĩnh vực kinh doanh thương mại, và cần phải chú ý tính chất sáng tạo cái mới trong kinh doanh.
Nếu Phá quân Hóa Lộc, đồng thời với sự khai sáng là cơ hội kiếm tiền, khiến cho sinh hoạt vật chất được sung túc, để bù đắp những vất vả đã trải qua. Nhưng như vậy, đồng thời tình cảm cũng gặp nhiều tình huống rắc rối khó xử, hơn nữa, sẽ khiến cho mệnh tạo thiên về hưởng thụ nhục dục. Bởi vì lúc này sẽ gặp Liêm trinh và Tham lang đồng độ ở Tị (hoặc ở Hợi), do hội với Phá quân Hóa Lộc mà phát huy tác dụng.
Bất kể Phá quân Hóa Quyền hay Hóa Lộc, cũng chủ về khiến cho mệnh tạo trở thành phú quý, nhưng nếu đồng thời hội hợp với các sao Sát Hình Kị, thì tuy giầu có sung túc, nhưng lại dễ chuốc điều tiếng thị phi. Gặp Kình dương, Thiên Hình, Hóa Kị, còn dễ vướng vào tranh chấp kiện tụng, thích hợp theo binh nghiệp hoặc ngành pháp luật.
Tinh hệ Tử vi - Phá quân chủ về biến động, bởi vậy trong kinh doanh làm ăn, cần phải chú ý khi cơ hội đến bất ngờ, hơn nữa, có khả năng sẽ đồng thời kinh doanh hai ba lãnh vực có liên quan với nhau, hoặc cùng một thời điểm phải giải quyết hai ba việc. Nếu là nhân viên làm thuê, thì chủ về kiêm ngành, kiêm chức, hoặc làm tăng ca, nhưng nhất định sẽ một mình đảm trách công việc.
Tử vi - Phá quân đóng ở cung mệnh, là người thẳng thắn, nhưng nếu gặp Hoa cái, thì thích hợp nghiên cứu tôn giáo hoặc triết học.
Có điều, do mệnh tạo hay lo toan nghĩ ngợi, nhiều biến động, lại xét thấy Thiên phủ ở cung Phúc đức chủ về lo toan chu đáo, nên khi gặp các sao Sát, sao Không, sẽ biểu hiện tính tự tư ích kỷ. Cổ nhân nói: "Tử vi Phá quân, làm tôi thần bất trung, làm con bất hiếu" (Tử vi Phá quân, vi thần bất trung, vi tử bất hiếu), còn nói: "Tử vi Phá quân mà không có Tả Hữu đồng cung, là phường quan lại hung ác" (Tử Phá đồng cung vô Tả Hữu, vô cát diệu, hung ác tư lại chi đồ), tức là đã chỉ ra bản tính tự tư ích kỷ và khuynh hướng hay lo toan nghĩ ngợi của mệnh tạo. Nhưng chỉ cần có Cát tinh hội hợp, thì những tính cách không lành này sẽ giảm nhẹ, thậm chí tiêu trừ.
Đại hạn hoặc Lưu niên mà gặp Tử vi - Phá quân đồng độ, chủ về "khứ cựu canh tân" (bỏ cũ để đổi mới). Được Cát tinh hội hợp, đương nhiên biến động sẽ cát lợi. Nếu gặp Sát tinh, thì nên suy nghĩ kỹ, không được vội vã thay đổi. Nếu Sát tinh và Cát tinh đều có, thì phải xem đến vận hạn sau có cát hay không để quyết định làm hay dừng.
Phá quân đồng độ với Tử vi ở Sửu hoặc ở Mùi, cung tam phương là hệ “Liêm trinh Tham lang” và hệ “Vũ khúc Thất sát” hội hợp, cung đối diện là Thiên tướng độc tọa. Tổ hợp tinh hệ này, do liên quan đến ba sao Thất sát, Phá quân, Tham lang, là các sao có tính chất mạnh mẽ, cho nên rất mẫn cảm với “tứ hóa”.
Muốn luận giải bản chất của tinh hệ này, cần chú ý phân biệt tính chất “ổn định” và “không ổn định” của hệ “Tử vi Phá quân” đồng độ.
Hai sao Tử vi và Phá quân đồng độ, bản thân đã có tính trái nghịch rất mạnh, không giống như Phá quân độc tọa ở Dần hoặc ở Thân, phân biệt với tính chất “phản kháng” hay “thuận tòng”.
Nhìn từ góc độ khác, tính “phản kháng” thực ra cũng là lực khai sáng, bởi vì trước tiên phải phá bỏ cái cũ rồi mới bắt đầu làm lại cái mới. Cho nên, đối với hiện thực, “phản kháng” thực ra cũng là “khai sáng”. Có điều, bất kể là “phản kháng” hay là “khai sáng”, cũng đều có sự phân biệt giữa “ổn định” và “không ổn định”. “Không ổn định” thì liên quan đến sự thay đổi cực lớn trong các mối quan hệ giao tế. Vì vậy, cổ nhân có thuyết “Tử vi và Phá quân, làm tôi thần thì bất trung, làm con thì bất hiếu” (Tử vi Phá quân, vi thần bất trung, vi tử bất hiếu). “Ổn định”, thì có thể tránh được điều, mà cổ nhân đã lập thuyết, mà còn đổi mới trong vô tình, thậm chí mặt mũi còn trở thành sáng sủa, phơi phới bề ngoài, dù có gặp hoạn nạn cũng không kinh hãi.
Hệ “Tử vi Phá quân” gặp các sao Sát Kị Hình, là có tính chất “không ổn định”, nếu có Tả phụ Hữu bật giáp cung, hoặc hội Văn xương, Văn khúc, Thiên khôi, Thiên việt, ưa nhất là có Tả phụ Hữu bật hội chiếu, thì thuộc về tính chất có “ổn định”.
Hai sao Tử vi và Phá quân, khi Tử vi Hóa Quyền hoặc khi Phá quân Hóa Lộc hay Hóa Quyền, về cơ bản vẫn thuộc vào loại “không ổn định”. Đến lúc gặp Tử vi Hóa Khoa mới bắt đầu cảm thấy ổn định, nhất là Tử vi thuộc vào cách “bách quan triều củng”, một khi Hóa Khoa, đương nhiên lãnh đạo quần hùng, dù có cách tân thế nào, cũng đều không hao phí khí lực, do đó cũng thuộc vào tính chất “ổn định”.
Thiên tướng ở cung đối diện bị cách “hình, kị” giáp cung, gây tăng mạnh tính phản kháng của hệ “Tử vi Phá quân”, cho nên thuộc vào loại “không ổn định”. Lúc được cách “tài, ấm” giáp cung, thì có thể làm yếu đi tính phản kháng của hệ “Tử vi Phá quân”, bản chất cũng khá “ổn định”.
Hệ “Vũ khúc Thất sát” đồng độ ở cung tạm phương, là các sao có tính chất nhạy bén mà còn hữu lực. Nếu Vũ khúc Hóa Lộc, Hóa Quyền hay Hóa Khoa, khiến cho hệ “Tử vi Phá quân” giảm bớt sức lực khi cách tân, thì tính chất cũng khá ổn định.
Một nhóm tinh hệ khác ở cung tam phương là “Liêm trinh Tham lang”, gây ảnh hưởng về mặt tinh thần đối với hệ “Tử vi Phá quân”, còn hệ “Vũ khúc Thất sát” gây ảnh hưởng về mặt vật chất đối với hệ “Tử vi Phá quân”. Nếu hệ “Liêm trinh Tham lang” có Hóa Kị, khiến cho tinh thần của “Tử vi Phá quân” trống rỗng, càng làm tăng tính “không ổn định”, nhưng khi hệ “Liêm trinh Tham lang” có Hóa Lộc, lại khiến cho hệ “Tử vi Phá quân” có khuynh hướng nhục dục, dẫn đến rắc rối về tình cảm, tuy bề ngoài có vẻ ổn định, nhưng thực ra là “không ổn định”, cần phải có Cát tinh hội hợp với hệ “Liêm trinh Tham lang” mang tính chất trung hòa, thì mới có thể khiến cho hệ “Tử vi Phá quân” trở về trạng thái cân bằng “ổn định”.
Lúc hệ “Tử vi Phá quân” đến 12 cung hạn, cần phải gặp các tinh hệ giao nhau có “động” và “tĩnh” thật thích hợp, thì mới là vận tốt. Nếu tính chất “không ổn định” thái quá, thì sẽ bộc lộ rõ tính phản kháng, quan hệ giao tế sẽ xấu đi, đời người cũng nhiều khốn khó. Nếu hệ “Tử vi Phá quân” có tính chất “không ổn định” đến cung hạn quá ổn định; hoặc hệ “Tử vi Phá quân” có tính chất “ổn định” đến cung hạn có tính "không ổn định", là điềm báo không thích ứng được với hoàn cảnh khách quan.
Hệ “Tử vi Phá quân” ở nguyên cục thuộc loại “không ổn định”, không ưa đến ba cung hạn “Tử vi Phá quân”, “Vũ khúc Thất sát” và “Liêm trinh Tham lang”. Bởi vì ba cung này vốn đã có tính chất “không ổn định”, không nên làm mạnh thêm tính chất “không ổn định” của “Tử vi Phá quân” ở nguyên cục. Tính chất “không ổn định” cũng có phân biệt tình cảm và vật chất, cần chú ý kết cấu “Vũ khúc Thất sát” chủ về vật chất, và “Liêm trinh Tham lang” chủ về tinh thần ở nguyên cục mà định. Đại khái là, thà sinh hoạt tình cảm “không ổn định” còn hơn là sinh hoạt vật chất “không ổn định”. Nếu hệ “Liêm trinh Tham lang” có các sao đào hoa tụ tập, lại gặp thêm các sao “hư hao”, là điềm ứng bị nhiễm những thú vui không lành mạnh, chìm đắm trong tửu sắc, lúc này sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt vật chất, mà trở thành “không ổn định”.
Hệ “Tử vi Phá quân” của nguyên cục thuộc loại “ổn định”, ưa đến ba cung hạn “Tử vi Phá quân”, Vũ khúc Thất sát”, và “Liêm trinh Tham lang”; ngoại trừ trường hợp phi tinh của đại vận hoặc lưu niên khiến tính chất của các cung hạn này biến thành tính “không ổn định”, như hóa thành sao Kị, hay có lưu Sát tinh bay tới.
Thiên phủ chủ về ổn định, bất kể bản chất của hệ “Tử vi Phá quân” như thế nào, cũng đều ưa đến cung hạn Thiên phủ tọa thủ có sao Lộc, hoặc cung hạn hội với Thiên tướng được cách “Tài ấm giáp ấn”. Nếu so sánh hệ “Tử vi Thiên phủ” thuộc loại “ổn định” và hệ “Tử vi Phá quân” thuộc loại “không ổn định”, thì hệ có bản chất “ổn định” đến cung hạn này sẽ tốt hơn.
Nếu Thiên phủ là “kho lộ”, “kho trống”, hệ “Tử vi Phá quân” thuộc loại “không ổn định” đến cung hạn này, bất kể là lưu niên hay đại vận, đều chủ về thất bại, nguyên nhân là do không gìn giữ sự nghiệp đang có, mà vọng động cải cách. Hệ “Tử vi Phá quân” thuộc loại “ổn định” đến cung hạn này, chỉ xảy ra tình huống túng thiếu, mà không đến nỗi thất bại.
Cung hạn Thái âm độc tọa, bất kể là miếu hay hãm, cung hạn này đều mang tính không ổn định, tuy rằng Thái âm nhập miếu ở Tuất đương nhiên là tốt hơn Thái âm ở Thìn. Hai trường hợp “ổn định” và “không ổn định”, đều xét khi cung hạn có cát hóa Lộc Quyền Khoa là có tính chất “ổn định”, còn khi cung hạn bị Hóa Kị mà gặp Sát tinh, thì được xem là “không ổn định”. Nếu trường hợp hội đủ cát hóa và Sát tinh, hệ “Tử vi Phá quân” thuộc loại “ổn định” rất nên gặp cung hạn này, chủ về vì hoàn cảnh mà xảy ra thay đổi, thoát khỏi cảnh khốn khó. Hệ “Tử vi Phá quân” thuộc loại “không ổn định” gặp cung hạn Thái âm Hóa Lộc là rất thích hợp, ban đầu sẽ cảm thấy khó khăn, nhưng cuối cùng có thể phát triển mang tính đột phá.
Cung hạn Cự môn độc tọa, gặp Sát tinh, là có lực kích phát đối với hệ “Tử vi Phá quân” thuộc loại “ổn định”; không gặp Sát tinh mà còn được cát hóa, có thể nhờ vào tính chất “không ổn định” của “Tử vi Phá quân” mà thay đổi theo hướng đắc lợi. Nếu Cự môn hóa làm sao Kị, thì hệ “Tử vi Phá quân” thuộc loại nào cũng không nên gặp, rất dễ xảy ra rối loạn (khi hệ “Liêm trinh Tham lang” của nguyên cục không cát tường, sẽ khiến tình cảm rối bời, hệ “Vũ khúc Thất sát không cát tường thì xảy ra xung đột lợi ích).
Hệ “Tử vi Phá quân” không ưa đến cung hạn “Thiên đồng Thiên lương” tọa thủ, bởi vì cung hạn này ắt sẽ mang lại cảnh khốn khó, sau khi khắc phục được mới có thu hoạch. Nhưng đời người ngắn ngủi, hà tất phải gây nên cảnh khốn khó, cho nên khi đến cung hạn này, chỉ nên yên tĩnh để phòng thủ là tốt nhất.
Thái dương cũng có tính chất không ổn định, chỉ lúc Hóa Lộc, Hóa Quyền, khiến cho hệ “Tử vi Phá quân” thuộc tính “ổn định” khi động khi tĩnh đều đúng thời, thủ hay công đều thỏa đáng với hoàn cảnh; có cát hóa thì có lợi cho hệ “Tử vi Phá quân” thuộc loại “không ổn định”, khiến tăng danh vọng, có thể thay đổi biên độ lớn hơn. Khi Thái dương hóa làm sao Kị, hệ “Tử vi Phá quân” động hay tĩnh đều dễ phạm sai lầm, nhất là nữ mệnh, gặp trắc trở lớn về tình cảm.
Cung hạn Thiên cơ độc tọa, được cát hóa, thích hợp với loại “ổn định”; Thiên cơ không được cát hóa, gặp Cát tinh, thì thích hợp với loại “không ổn định”. Trường hợp trước là sản sinh nguồn động lực để phát huy những trải nghiệm, trường hợp sau được người giúp sức lúc thay đổi. Nếu Thiên cơ hóa làm sao Kị, đối với hệ “Tử vi Phá quân” có tính chất “không ổn định”, nếu càng thay đổi thì càng khốn khổ.