Thái Dương kết hợp với các Tinh Đẩu:
Với các Chính Tinh, Thái Dương chỉ có thể đi cùng Thái Âm (ở Sửu Mùi), Cự Môn (Dần Thân), Thiên Lương (Mão Dậu).
Nhật Lương: Nhật và Thiên Lương đồng cung ở Mão Dậu, ở Mão tốt hơn nhiều ở Dậu. Ở Mão chính là cách Nhật Xuất lôi môn. Người nào có cách này tất có thêm Thái Âm miếu ở Hợi chiếu về nữa. Nếu cung Mệnh hay Thân an ở Mùi thì gọi là cách Nhật Nguyệt tịnh minh, rất tốt. Nếu hội đủ Xương Khúc Khoa Quyền Lộc Tả Hữu là người rất thông minh, có tài kinh bang tế thế, hơn thế cũng là người có tấm lòng nhân hậu, bác ái. Nếu là quan chức cũng là người có trách nhiệm hết lòng vì nước non. Nhật Lương cư Dậu tất có Thái Âm hãm ở Tỵ chiếu, cách này không được gọi là Nhật Nguyệt tịnh minh nữa, chỉ khi cả Nhật Nguyệt ngộ Tuần Triệt, Tam Minh, Tam Hóa (Khoa Quyền Lộc), mới mở mày mở mặt được. Nếu không được như trên lại gặp Tam Ám, Lục Sát tinh thì cả đời u mê, gian khổ, chỉ có đi tu mới yên thân được.
Bộ Nhật Lương tối kỵ sao Hóa Kỵ và Lục Sát Tinh đồng cung sẽ thành ra phá cách. Riêng hai sao Linh Hỏa không nguy hại như Kình Đà Không Kiếp, Nhật miếu vượng có thể điều khiển được Linh Hỏa, nhưng cái dở ở đây là sao Thiên Lương rất ngại gặp bộ Sát Tinh này. Cho nên Nhật Lương nói chung cần tránh xa các Sát Tinh, Hóa Kỵ. Gặp Tuần Triệt không đáng ngại lắm, tuy nhiên khi gặp Tuần Triệt rất cần Tả Hữu Xương Khúc phù trì thì mới vượt qua được sự ngăn cản phá hoại của Tuần Triệt.
Cự Nhật: Ai cũng biết câu: "Cự Nhật Dần Thân quan phong tam đại, thực lộc trì danh", mệnh vô chính diệu có CỰ NHẬT chiếu cũng rất tốt. Cự Nhật ở Dần tốt hơn ở Thân. Khi Cự Nhật ở Dần mà Mệnh đóng ở đây chắc chắn cung Quan Lộc , cung Tài Bạch, cung Thiên Di vô chính diệu, vậy tại sao lại có thể "Quan Phong Tam Đại" được??
Xin thưa, sao Thái Dương khi đi với Cự Môn thành bộ Cự Nhật, sách tử vi cũng nói bộ Cự Nhật là 1 trong 5 bộ Thượng Cách của Tử Vi bao gồm: Tử Phủ Vũ Tướng, Sát Phá Liêm Tham, Cự Nhật, Cơ Nguyệt Đồng Lương, Nhật Nguyệt. Những bộ Tử Phủ Vũ Tướng, Sát Phá Liêm Tham hay Cơ Nguyệt Đồng Lương thì rõ ràng sẽ chia ra đóng ở Mệnh Quan Tài. Vậy còn bộ Cự Nhật chỉ có hai sao, tại sao lại xếp ngang bằng các cách có 4 sao kể trên. Ta có thể lý giải như sau: Các Tinh Đẩu trong Tử Vi có thể xem xét như các sóng năng lượng ảnh hưởng lên cuộc đời mình, cho nên khi các tinh đẩu được đóng tại nơi miếu vượng lại có đầy đủ cả bộ, các mức năng lượng sẽ giao thoa cộng hưởng tăng cường lẫn nhau.
Cự Nhật đều vượng tại Dần, đồng cung tại Dần Cự Nhật sẽ giao thoa nhau tăng mạnh ảnh hưởng lên rất nhiều. Lúc này bộ Cự Nhật không những ảnh hưởng mạnh tại chính cung mà còn ảnh hưởng mạnh đến cung xung chiếu và hai cung tam hợp. Thành ra Mệnh Cự Nhật tại Dần cho các tuổi Mộ, nều đắc vòng Thái Tuế nữa mới toàn mỹ bởi vì cung Quan Tài chịu ảnh hưởng của Cự Nhật chiếu đền có thể xem như có Cự Nhật tọa thủ, hội thêm Long Hổ Hoa ( nhường Phượng Các cho đồi phương), cung Di sẽ có Mã ngộ Khốc Khách được Thái Dương ở Dần chiếu, Thái Âm ở Ty hợp chiếu, chính là Thư Hùng mã vậy. Mệnh có Cự Nhật không đắc Thái Tuế thì chỉ có danh tiếng, thông minh chứ quyền cao chức trọng giàu có lớn thì không.
Cự Nhật ở Dần gặp Tuần Triệt cũng không sợ, bản thân Thái Dương miếu vượng ít ngại Tuần Triệt, Cự Môn vượng lại rất cần Tuần Triệt, Tuần Triệt sẽ như sấm sét làm vỡ đá ra để cho Cự Môn được ánh sáng của Thái Dương chiếu vào mà tỏa sáng. Trường hợp này nếu gặp thêm Song Hao nữa thật toàn mỹ, Song Hao miếu sẽ hãm tác dụng của Triệt Tuần lại làm cho Thái Dương không bị cản ngăn nữa, ngoài ra có Song Hao Cự Môn đã đẹp lại càng đẹp. Hội thêm Xương Khúc Tả Hữu Khoa Lộc Quyền Khôi Việt Quang Quý thì là số tối quý, làm nên sự nghiệp rực rỡ. Rất hiếm có Lá Số nào được như thế.
Cự Nhật tại Dần rất kỵ Lộc Tồn, chẳng khác nào Ngọc Quý bị che mất: "Cự Nhật cư Dần, Thiên Môn Nhật Lãng, kỵ gặp Lộc Tồn, ái giao Quyền Phượng". Trường hợp Cự Nhật tại Dần Thân đều tối kỵ Đà La Kình Dương và Hóa Kỵ, sẽ là phá cách, cả đời bất đắc chí. Gặp Linh Hỏa không đáng lo, gặp Không Kiếp đời có lúc hoạnh phát nhưng rồi cũng sẽ tàn lụi nhanh chóng.
Cự Nhật rất cần Xương Khúc Tả Hữu, nếu có Quang Quý ở Quan và Di chiếu về thì làm cho Thái Dương trở nên hòa dịu hơn, bớt kiêu căng (xin lưu ý Nhật miếu vương thủ Mệnh bao giờ cũng có tính kiêu căng, không ít thì nhiều).
Một cái nhìn về hai sao Âm Dương:
Hai sao Thái Dương Thái Âm là hai sao rất quan trọng của Tử Vi, nhìn vào lá số thông qua hai sao Âm Dương ta có thể thấy được một số nét chính về cuộc đời đương số. Cả hai sao Âm Dương đều miếu vượng tất cuộc sồng có nhiều thuận lợi, lúc nhỏ được Bố Mẹ chăm sóc chu đáo. Hai sao Âm Dương hãm địa có thể nói tiên quyết một tuổi ấu thơ vất vả, hoặc khắc cha khắc mẹ.
Đấy là những nhận định rất tổng quát ban đầu, chưa thể nói lên được sự nghiệp hay dở của cả đời đương số được.
Nhật Nguyệt trên một là số lấy trục Sửu Mùi làm quân bình, cho nên Nhật Nguyệt bao giờ cũng cùng hãm hoặc cùng miếu vượng, không bao giờ có chuyện Nhật hãm mà Nguyệt miếu vượng hoặc ngược lại.
Ai cũng biết cung Vô Chính Diệu bao giờ cũng cần có Tuần Triệt án ngữ hoặc Hung tinh đắc địa (đồng hành hoặc sinh ra hành của bản Mệnh) độc thủ. Hoặc phải được cả Thái Âm và Thái Dương cùng chiếu về là thượng cách.
Ta có thể nhìn thấy, hai sao Âm Dương khi đóng ở các cung Âm sẽ ở thế tam hợp, xung chiếu ở Thìn Tuất, đồng cung ở Sửu Mùi, ở các cung Dương còn lại Nhật Nguyệt không đứng ở thế tam hợp cũng không xung chiếu. Như vậy những người có Mệnh đóng ở cung Dương không bao giờ ăn được bộ Nhật Nguyệt tam hợp chiếu.
Thái Dương cư mão, Thái Âm cư Hợi hợp chiếu về cung Mệnh vô chính diệu ở Mùi gọi là cách Nhật Nguyệt tịnh minh, tối quý. Trường hợp này không cần có sao Tuần Triệt làm gì, nếu mệnh kim ở đó có sao Bạch Hổ là tốt nhất, Tuần Triệt không giúp gì cho việc gọi là "hút ánh sáng" của hai sao Nhật Nguyệt về cả bởi vì Nhật Nguyệt ở Mão và Hợi đều rất sáng tam hợp hội chiếu rất mạnh về cung Mệnh, nếu có thêm Tuần Triệt chỉ làm cản trở thêm hai nguồn sáng này về.
Thái Dương cư Dần Thái Âm ở Tý hội hợp chiếu về cung Mệnh hoặc cung an Thân ở Ngọ, cũng là thượng cách như Nhật Nguyệt tịnh minh nếu như Nhật Nguyệt hội đủ Xương Khúc (Xương cho Nhật, Khúc cho Nguyệt). Xương Khúc sẽ làm tăng sức sáng cho Nhật Nguyệt để chiếu về Ngọ cung. Cung Ngọ lúc này cũng không cần Tuần Triệt làm gì nếu có Hung Tinh hợp hành bản mệnh độc thủ ở đấy là hay nhất. Và một điều đăc biệt quan trọng là trường hợp này nếu Mệnh cư Dần hoặc Ngọ bắt buộc phải đứng trong Tam Hợp Thái Tuế mới ăn được trọn vẹn Thái Âm xung chiếu từ Tý. Bởi vì Dần Ngọ Tuất là tam hợp bị khắc bởi Tam Hợp Thân Tý Thìn, chỉ khi có Thái Tuế như vậy Tam hợp Thân Tý Thìn sẽ đứng trong thế Tuế Phá, sẽ không dám chống đối lại nữa mà phải nhường ánh sáng của Thái Âm cho đồi phương. Nếu không đắc Thái Tuế thì không được hưởng nguồn sáng của Thái Âm, trường hợp này không kể là được hưởng cả Nhật và Nguyệt chiếu về. Nguyên lý chung vẫn là cung xung chiếu là đối phương, chỉ khi mình khắc được đối phương hoặc khi mình đắc được Thái Tuế thì đối phương mới phải chịu thua mình, và khi đó mình mới được hưởng các Chính Tinh của đối phương. Nếu là số nào hội hợp đấy đủ các yếu tố trên sẽ là kỳ cách. Nếu mệnh cư cung Thân cũng rất tốt, quý lắm. Trường hợp mệnh cư Thân chỉ không nhất thiết phải đứng trong tam hợp Thái Tuế cũng được hưởng trọn bộ Âm Dương , miễn là cung Dần có Thái Dương không đứng trong tam hợp Thái Tuế.
Thái Dương cư Thìn, Thái Âm ở Tuất, trường hợp này gọi là Nhật Nguyệt tranh huy. Mệnh cư Thìn nếu cung Tuất không nằm trong tam hợp Thái Tuế thì cũng được hưởng cả Âm Dương. Mệnh cư Tuất muốn hưởng được cả Thái Dương phải đứng trong tam hợp Thái Tuế. Trường hợp được hưởng cả cặp Âm Dương ở Thìn Tuất gặp Xương Khúc Tả Hữu Quang Quý là thượng cách, tối quý.
Thái Dương ở Tỵ, Thái Âm ỡ Dậu không được kể vào Nhật Nguyệt tịnh minh vì khi đó nếu Mệnh an tại Sửu sẽ có Chính Tinh là Thiên Lương, phải lấy sao Thiên Lương để luận đoán. Tuy nhiên đường số cũng được hưởng cả Thái Âm và Thái Dương, cũng rất tốt.
Thái Dương cư Ngọ, Thái Âm cư Thân, Mệng ở Tý có sao Thiên Lương cho nên phải lấy sao Thiên Lương luận đoán. Trường hợp này rất tốt bởi vì người có cách này thông minh xuất chúng khi có thêm các trung tinh Xương Khúc. Mệnh cư Dần luận như trường hợp Nhật Lệ trung thiên phần về sao Thái Dương.
Nhật Nguyệt đồng cung Sửu Mùi xung chiếu hoặc tam hợp chiếu về Mệnh. Trường hợp này Nhật Nguyệt rất cần sao Tuần hoặc Hóa Kỵ đồng cung, cung mệnh ở chỗ xung chiếu rất cần Tuần Triệt, trong trường hợp này Tuần Triệt mới gọi là hút ánh sáng về. Bởi vì ánh sáng của Nhật Nguyệt ở Sửu Mùi là ánh sáng phá nhau của Nhật Nguyệt, hai sao này rất cần Hóa Kỵ ngăn ra để tự do sáng. Trong trường hợp hai sao Nhật Nguyệt có Hóa Kỵ nhưng ánh sáng tỏa ra vẫn yếu do ở Sửu Mùi Nhật Nguyệt chỉ đắc địa không sáng lắm và tản mạn, Tuần Triệt lúc này đóng ở cung Vô Chính Diệu sẽ bao vây ngăn trở không cho ánh sáng của Nhật Nguyệt chiếu đến bị tản mạn đi. Còn nếu như các trường hợp trên Nhật Nguyệt đã sáng rực rỡ rồi ánh sáng của nó chiếu đến mạnh mẽ, có thêm Tuần Triệt chỉ làm cản trở ánh sáng của Nhật Nguyệt chiếu vào không giúp được gì. Trườngt hợp cung xung chiếu hoặc tam hợp chiếu không có Tuần Triệt rất cần hung tinh đắc địa thủ tại đó, tốt nhất là Bạch Hổ, sau đó là Kinh Đà Linh Hỏa ( Không Kiếp không tính).
Thái dương thuộc trung thiên tinh hệ chủ tinh, không thuộc nam bắc đẩu, ngũ hành thuộc dương hỏa, hóa khí là quý.
Trong đẩu số, ba tinh diệu tử vi thiên phủ thái dương, phân biệt là bắc đẩu chủ tinh, nam đẩu chủ tinh, và trung thiên chủ tinh.Uy lực của Thái dương là hào quang, ánh sáng, thậm chí có lúc so với tử vi còn phổ chiếu rộng lớn hơn, nhưng mà ánh sáng và sự ấm áp của Thái Dương chỉ cho đi mà không nhận, cho nên tính chất tối chủ yếu của thái dương là dễ chủ quý mà không chủ phú, chủ danh mà không chủ lợi.
Tử vi là ngôi vua, thiên phủ chủ tài khố, thái dương chủ quan lộc.Một điểm này cũng có thể thấy tính chất thái dương chủ quý bất chủ phú.
Bởi vì tính chất đó, thái dương rất nên thủ sự nghiệp cung (tức quan lộc cung), trong đó cư tại hai cung tị ngọ là có khí thế nhất.Nếu như cư vào nơi lạc hãm, tất chủ sự nghiệp vất vả lo lắng.
Thái dương thuộc chủ tinh trung thiên tinh hệ, cho nên cũng giống như tử vi, hoan hỉ bách quan triểu củng, vui mừng gặp tả phù hữu bật, thiên khôi thiên việt, văn xương văn khúc, tam thai bát tọa, ân quang thiên quý, các quý cát tinh hội chiếu.Nếu như không đắc bách quan triều củng, lại hội tứ sát hoặc sát nhiều mà cát ít, tất chủ hoạnh phát hoạnh phá, phú quý không bền.Nếu cát nhiều mà sát ít, chủ tâm cao khí ngạo.
Thái dương nếu kị, trừ hỏa linh,dương đà tứ sát, rất kị cự môn, vì cự môn là ám diệu, có khả năng che đậy dương quan.Cũng bất hỉ hóa kị, chủ mắt bất lợi.
Thái dương vào tuất, hợi, tý, sửu bốn cung lạc hãm.Tại tuất cung chủ có cận thị,tán quang,bệnh mắt, tại hợi cung là Nhật nguyệt phản bối cách cục, lại hội lộc tồn hóa lộc,thiên mã gọi là cách lộc mã giao trì, có thể có cả phú lẫn quý.
Thái dương vào mão, ngọ hai cung nhập mộ.Tại mão cung là húc nhật đông thăng (mặt trời mới mọc phía đông), chủ nhân có tinh thần phấn đấu, tại ngọ cung là gọi là nhật lệ trung thiên, quyền lộc tuy lớn nhưng dương quang quá mãnh liệt, dẫn tới bệnh tật ở mắt.
Tại nam mệnh, thái dương là phụ tinh (cha ), cùng tử tinh (con), tại nữ mệnh là phụ tinh, tử tinh, cùng phu tinh (chồng).Phàm thái dương tại mệnh cung, đối với lục thân là nam giới có tính chất hình khắc, mức độ hình khắc tất phải xem xét bản cung, cùng tam phương tứ chính cát hung tinh diệu hội chiếu mà định.
Thái dương tại ngọ cung, dương quang mãnh liệt, cho nên đối với lục thân là nam giới mức độ hình khắc so với cung vị khác là lớn.
Ngoài ra, phàm thái dương tại mệnh, hợp người sinh ban ngày, không thích hợp cho người sinh ban đên.Sinh ban đêm mà cư vào hãm cung, cho dù không hội hình sát chư diệu, hình khắc lục thân là nam giới mức độ cũng lớn.Nếu là sinh ban ngày, tất mức độ giảm nhẹ.
Thái dương chiếu sáng vạn vật, cho nên chủ khảng khái, từ hòa, khoan dung độ lượng.Nhưng vào hãm cung tất đổi thành hoa nhi bất thật (hoa nhi bất thật : hào nhoáng bên ngoài; chỉ có mẽ ngoài; hào nhoáng trống rỗng; hời hợt bề ngoài).Nữ mệnh thái dương, tất chủ có chồng chí lớn, hiền lành mà có chủ kiến, không dễ phát sinh cảm tình khốn nhiễu, duy nếu có hỏa tinh đồng cung, trái lại dễ xử trí làm việc theo cảm tính.
Thái Dương là chủ tinh của các sao Trung thiên, thuộc dương hỏa. Do thái dương là chủ tinh của Trung Thiên, cho nên cũng ưa "bách quan triều củng".
Đặc tính rất quan trọng của Thái Dương là phát ra ánh sáng và nhiệt, nhờ vậy mà ánh sáng chói lọi. Vì vậy, trong đời người nó chủ về thanh danh và quý hiển, trừ phi Thái dương hội hợp với các sao chủ về tài phú, như Thái âm, Hóa Lộc, Lộc tồn, nếu không càng chủ về quý mà không chủ về giầu có.
Chủ về quý là đặc tính của Thái Dương, do đó cũng ưa đồng độ, hoặc hội hợp với các sao mang tính chất quý hiển, như Thiên lương, Thiên khôi, Thiên việt. Thậm chí người Thái Dương tọa mệnh, đến cung hạn có các sao quý hiển tọa thủ như: Tử vi, Thiên phủ, Thiên lương, Thái âm cũng cần đặc biệt chú ý, đây có thể là niên hạn khai vận. Nếu được thêm lưu Khôi, lưu Việt xung chiếu Thiên khôi, Thiên việt của nguyên cục, thì chủ về gặp nhiều cơ hội.
Thái Dương đã có đặc tính phát xạ, vì vậy đang lúc nhập miếu, thì không nên gặp quá nhiều các sao mang tính chất phát xạ, như Thiên Mã, Linh tinh, Hỏa tinh, Thiên lương, Thiên sứ, Cô thần, Quả tú, Phỉ liêm, Phá toái. Nếu không nhiệt và ánh sáng của Thái dương sẽ khuếch tán thái quá, càng dễ thành trống rỗng mà thiếu thực tế.
Cũng vậy, Thái dương thủ mệnh ở cung Ngọ, trái lại, không tốt bằng ở cung Tị. Bởi vì Thái dương của cung Ngọ đã thuộc "Nhật lệ trung thiên", lại đi quá một bước mặt trời bắt đầu lặn về Tây, hơn nữa lúc này ánh nắng rất mãnh liệt, không bằng Thái dương của cung Tị, trái lại còn có chỗ để phát triển.
Cho nên muốn phán đoán sự tốt xấu của Thái Dương, cần phải tuần tự phân tích theo 4 nguyên tắc sau:
(1)- Trước tiên nghiên cứu xem, Thái dương ở vào cung vị miếu vượng lợi hãm thế nào? Đại khái là, nên miếu vượng mà không nên lạc hãm, người sinh vào ban đêm (người sinh vào các giờ Thân Dậu Tuất Hợi Tý Sửu) càng không nên.
(2)- Do không có sao tiền tài hội hợp, mà phán đoán xem nó thuộc sang quý thanh cao, hay thuộc tình huống gồm đủ phú quý, hoặc nhuyễn hóa thành phú mà không quý. Đương nhiên tình huống xấu nhất biến thành không phú mà cũng không quý.
(3)- Như luận đoán trong vận hạn, thì cần lưu ý Thái Dương ở cung mệnh của vận hạn có gặp cơ hội khai vận hay không.
(4)- Bất kể luận đoán cung mệnh của thiên bàn, hoặc cung mệnh của vận hạn, đều phải chú ý "trung hòa". Nếu Thái dương ở trong cung quá mạnh mẽ, thì nên gặp các sao có tính thu liễm. Nếu ánh sáng và nhiệt của Thái dương không đủ (như ở cung Thân đã có hiện tượng mặt trời lặn về Tây), thì có thể nhờ các sao có tính phóng xạ để trợ giúp. Tóm lại, thảy đều phải quy về hai chữ "trung hòa".
Thái dương hóa Lộc chủ về phú và quý. Nhưng khi cung mệnh của vận hạn gặp Thái dương hóa thành sao Lộc, mức độ phú quý của nó vẫn phải căn cứ các sao của của mệnh của "thiên bàn" để tính. Nếu các sao quá yếu, như mệnh vô chính diệu, mượn các sao Thiên đồng Thái âm hóa Kị để nhập cung, hoặc tinh hệ "Cự môn Thiên cơ" lạc hãm, thì mức độ phú quý sẽ giảm rất nhiều
Thái dương hóa Quyền hóa Khoa sẽ không bằng hóa Lộc, bởi vì hóa Quyền và hóa Khoa chỉ có thể làm tăng sự quý hiển của Thái dương, mà không thể làm cho giầu có được. Thời xưa tệ trọng phú hơn trọng quý còn ít, trong xã hội thương nghiệp hiện đại, người ta trọng phú nhiều hơn là trọng quý. Vì vậy không ưa tính chất hơi thiên lệch của Thái dương hóa Quyền hay hóa Khoa. Bất kể cung mệnh của mệnh bàn, hay cung mệnh của vận hạn, tính chất đều thuộc như vậy.
Người sinh vào ban đêm không nên có Thái Dương tọa mệnh, Thái Dương lạc hãm càng không nên. Nói "không nên" có hai tính chất như sau:
(1)- Bất lợi về lục thân phái nam. Nam thì bất lợi về phụ huynh hoặc trưởng nữ, đối với nữ thì bất lợi về Cha, Chồng và trưởng tử. Nhưng những bất lợi này không nhất định là tử vong, mà có thể là sinh ly, thiếu duyên phận với nhau, hoặc hình thành khoảng cách giữa hai đời, có lúc lục thân bị nạn tai, bệnh tật.
Những tính chất này đối với phái nữ mà nói, thì khá dễ cảm thấy trống rỗng, nhất là sau tuổi trung niên, thiếu duyên với Chồng, tóm lại đúng là khiếm khuyết của đời người.
(2)- Bản thân dễ bị tai nạn, bệnh tật, nhất là chủ về bệnh hệ tuần hoàn, hệ thần kinh. Nếu ánh sáng của Thái dương quá thịnh hoặc quá yếu, thì dễ mắc bệnh ở mắt, nhất là dễ loạn thị lòa mắt.
Kết cấu tinh hệ Thái dương trong 12 cung, luôn đồng độ hoặc đối củng với ba sao Thái Âm, Cự Môn, Thiên Lương, vì vậy 3 sao này ảnh hưởng rất lớn đối với Thái Dương.
Ở hai cung Tý hay Ngọ, Thái dương và Thiên lương chiếu nhau, ở hai cung Mão Dậu, "Thái dương Thiên lương" đồng độ. Cho nên 4 cung Tý Ngọ Mão Dậu là tổ hợp của thái Dương, Thiên Lương.
Ở hai cung Thìn Tuất, Thái dương và Thái âm chiếu nhau, ở hai cung Sửu Mùi, "Thái dương Thái âm" đồng độ. Cho nên 4 cung Thìn Tuất Sửu Mùi là tổ hợp của tinh hệ Thái dương Thái âm.
Ở hai cung Tị Hợi, Thái dương và Cự Môn chiếu nhau, ở hai cung Dần Thân, "Thái dương Cự môn" đồng độ. Cho nên 4 cung Dần Thân Tị Hợi là tổ hợp của tinh hệ Thái dương Cự môn.
Trong các tình huống thông thường, Thái dương rất ưa trường hợp tinh hệ "Thái dương Cự môn" ở cung Dần, hoặc Thái dương độc tọa ở cung Mão, Thìn, Tị. Khá ngại "Thái dương Cự môn" gặp các sao Sát - Kị - Hình ở cung Thân, và tinh hệ "Thái dương Thiên lương" gặp các sao Sát - Kị - Hình ở cung Dậu.
Thái dương còn là sao chủ về kiện tụng và điều tiếng thị phi, vì vậy không nên gặp quá nhiều sao Hình, như Kình dương, Thiên hình, Quan phủ, Bạch hổ. Nhất là Thái Dương hóa thành sao Kị, gặp sao Hình càng dễ chuốc oán, nạn tai.
Liên quan đến kiện tụng thị phi, nhiều lúc do cung Phúc đức mang lại, chứ không chỉ thuộc cung Mệnh, vì vậy khi luận đoán mệnh bàn, gặp Thái dương tọa thủ cung Phúc đức cũng cần chú ý.
So sánh Thái Dương với Tử Vi
Trong Đẩu Số, Thái âm chủ về "phú", Thái dương chủ về "quý", đây là tính chất cơ bản nhất, cho nên hễ người có Thái dương thủ mệnh, thì phải xem xét từ phương diện "quý" này.
Vì chủ về "quý", nên Thái dương rất ưa hội hợp với một số trợ tinh chủ về "quý", như: Thiên khôi, Thiên việt, Tả phụ, Hữu bật, Văn xương, Văn khúc, Tam thai, Bát tọa, Ân quang, Thiên quý, Long trì, Phượng các. Các trợ tinh này chia thành 6 cặp, nếu có "sao đôi" đủ cặp, hội hợp với Thái Dương, thì sức mạnh càng lớn.
Ví dụ: Thái dương hội hợp với 3 sao cát là: Văn xương, Hữu bật, Thiên khôi, sẽ không bằng hội hợp với một cặp "sao đôi" trong đó, như chỉ hội hợp với cặp "sao đôi" Tả phụ, Hữu bật, thì sức mạnh của nó sẽ lớn hơn là hội hợp với ba sao cát phân tán kể trên.
Hai cặp sao đôi Tam thai và Bát tọa, Ân quan và Thiên quý, một khi phân tán sức mạnh sẽ cực kỳ nhỏ. Nhưng nếu "sao đôi" đủ cặp đồng cung với Thái dương, sức mạnh lại cực kỳ lớn, thậm chí so với ba bốn sao lẻ không thành đôi trong lục cát tinh là Văn xương, Văn khúc, Thiên khôi, Thiên việt, Tả phụ, Hữu bật, cũng không lớn bằng.
Tính chất của Thái Dương có thể nói so với Tử Vi thì kém hơn không nhiều, bởi vì Tử vi cũng cần các sao Cát "triều củng", sau đó mới có thể phát huy sức mạnh của nó. Nhưng trong đó cũng có một số phân biệt như sau:
- Tử vi thích Thiên phủ, Thiên tướng triều củng, đối với Thái dương thì không được nói chính diệu triều củng. Trong số lục sát tinh thì Tử vi sợ Tham lang và Phá quân, nhưng Thái dương thì không sợ hai sao này mà lại sợ Cự môn. Tử vi thủ mệnh chủ về rất có tài lãnh đạo và có uy nghiêm, Thái dương thủ mệnh thì chỉ hai có tài lãnh đạo, nhưng lại có đặc tính "cho mà không nhận", dễ khiến người khác gần gũi.
- Nhưng Thái dương lại có lực "hình khắc", còn Tử vi thì không có. Người có Tử vi thủ mệnh, duyên phận với Cha Mẹ, anh em, con cái đều khá tốt. Nhưng người có Thái dương thủ mệnh, thì lại có "hình khắc" đối với Cha, Anh, con cả, nặng thì tử vong, nhẹ thì sinh ly, hoặc tình cảm thân thuộc không được tốt.
- Thậm chí, ngay cả tình hình sức khỏe, tính chất của Tử vi cũng tốt hơn Thái dương.
Thái Dương tọa mệnh, hình khắc hay quý hiển
Do Thái dương có khuyết điểm "hình khắc", cho nên cổ nhân cho rằng "Thái dương Thái âm thủ mệnh không bằng chiếu hợp", lý do là, nếu cung mệnh không gặp Thái dương tọa thủ mà lại được Thái dương vây chiếu, thì vẫn khiến cho cung Mệnh có tính chất "quý", hơn nữa lại có thể giảm bớt mức độ "hình khắc" của Thái dương.
Kinh nghiệm của Vương Đình Chi, người hiện đại nếu gặp Thái dương thủ mệnh, mức độ "hình khắc" trên thực tế chẳng nặng như cổ nhân đã nói, mà mức độ quý hiển cũng không lớn như cổ nhân đã nói.
Có lẽ do phương thức sinh hoạt của cổ nhân và người hiện đại khác nhau. Thời xưa, cha con hai đời cung ở một nhà, dễ xảy ra va chạm, không như người hiện đại, sau khi kết hôn thì ra ở riêng. Vì vậy mệnh tạo có thể phát huy đặc tính tình cảm của sao Thái dương. Nhìn từ góc độ khác, ở riêng cũng có thể tính là "hình khắc" ở mức độ rất nhẹ.
Quan hệ với bạn bè cũng vậy, phạm vi xã giao của cổ nhân khá hẹp, do Thái dương tính tình mạnh mẽ, cho nên khi ở trong một phạm vi nhỏ, người ta khó mà tiếp nhận nổi, biến mệnh tạo thành người không hợp quần. Không như ngày nay, phạm vi xã giao khá lớn, có thể gặp những bạn bè tiếp nhận được mẫu người có tính tình đặc biệt.
Cho nên, dùng Đẩu Số để đoán mệnh, gặp Thái dương thủ mệnh, phải cận thận một chút, không nên hoàn toàn chiếu theo ca quyết của cổ nhân để luận đoán.
Ví dụ như cổ nhân nói: "Thái dương ở Ngọ, quý mà chuyên quyền", đó là vì cổ nhân thích Thái dương có ánh sáng chói lọi ở cung Ngọ. Trên thực tế, người hiện đại chưa chắc đã làm việc trong chính giới, mà con đường làm việc trong chính giới cũng ít, nếu kinh doanh làm ăn, thì người có Thái dương thủ mệnh ở cung Ngọ sẽ dễ biến thành người ưa xuất đầu lộ diện. Đây là vì Thái dương chủ về "quý", nên mệnh tạo ưa thích hư danh, ở phương diện khác Thái dương không chủ về phú, càng ưa hư danh càng dễ khoa trương phù phiếm.
Đan trì quế trì cách
"Đan trì quế trì cách" tức là Thái Dương cư Thìn, Thái âm cư Tuất, an mệnh tại cung Thìn hoặc cung Tuất. Thái dương cư Tị, Thái âm cư Dậu, an mệnh ở cung Tị hoặc cung Dậu.
Cổ ca nói:
Nhị diệu thường minh chính đắc trungTài hoa thanh thế định anh hungThiếu niên tế đắc phong vân hộiNhất dược thiên trì tiện hóa long.
Dịch nghĩa:
Hai sao thường sáng chính đắc trungTài hoa thanh thế định anh hungTuổi trẻ đỗ đạt ra làm quanMột bước lên mây hóa thành rồng.
Thái dương thủ mệnh mà nhập miếu, cổ nhân gọi là "đan trì", Thái âm thủ mệnh mà nhập miếu, cổ nhân gọi là "quế trì".
Thời cổ đại xem trọng công danh khoa cử, mà không trọng sự giầu có của giới thương nhân, do đó cho rằng "đan trì quế trì" là đại lợi về cầu Danh. Vì vậy, cổ quyết mới có các thuyết:
- "Thái dương thủ cung Mão, phú quý vinh hoa",- "Thái dương thủ mệnh ở các cung Mão Thìn Tị Ngọ, gặp các sao Cát, là đại quý" (Thái dương thủ mệnh vu Mão Thìn Tị Ngọ, kiến chư cát đại quý)- "Thái âm ở cung Tý là đài quế nước trong, được chức quan trọng yếu, là trung thần can gián" (Thái âm cư Tý, thị thủy trừng quế ngạc, đắc thanh yếu chi chức, trung gián ti tài)"Trăng sáng cửa trời ở cung Hợi, là phong hâu thăng chức tước" (Nguyệt lãng thiên môn vu Hợi địa, tiến bước phong hầu)
Thảy đều vì Thái dương, Thái âm miếu địa mà ra.
Nhưng hậu nhân lại thiên lệch, phải tìm cho ra cách "hai sao đều sáng", với ý đồ làm tăng vẻ vang cho Mệnh Cục, do đó đưa ra cách: "Nhật Nguyệt tịnh minh cách", và "Nhật Nguyệt hội minh cách", ngoài ra còn cật lực tìm ra tinh hệ Nhật Nguyệt cư cung miếu vượng hỗ tương hội chiếu, làm thành mối quan hệ giữa Cách và Cục, còn không dùng cái tên "đan trì" và "quế trì".
Cách này có tính giới hạn cục bộ rất lớn. Thứ nhất là phải gặp sao Lộc, thứ hai là phải gặp các Cát tinh Xương Khúc Tả Hữu, thứ ba là phải gặp một ít Sát tinh trong số Hỏa tinh Linh tinh Kình dương Đà la. Nhưng nếu phù hợp điều kiện này, về căn bản không phải nệ vào cách cục nữa.
Thái Dương đóng ở các cung ban ngày (từ Dần đến Ngọ) thì rất hợp vị, có môi trường để phát huy ánh sáng. Đóng ở cung ban đêm (từ Thân đến Tý) thì u tối, cần có Tuần, Triệt, Thiên Không, Thiên Tài mới sáng. Riêng tại hai cung Sửu, Mùi cần có Tuần Triệt hay Hóa Kỵ mới thêm rực rỡ (ở Sửu tốt hơn ở Mùi). Nhật chính vị ở các cung Dương, phù hợp với các tuổi Dương. Nhật càng phù trợ mạnh hơn cho những người sinh ban ngày, thích hợp cho những người mệnh Hỏa, mệnh Thổ và mệnh Mộc, hợp với trai hơn gái. 2. Ý nghĩa cơ thể: Nhật, Nguyệt là cặp mắt. Nhật chỉ mắt trái, Nguyệt chỉ mắt phải. Độ sáng của Nhật, Nguyệt quyết định độ sáng của mắt. Ngoài ra, Thái Dương tượng trưng cho trí tuệ, bộ óc, mức độ thông minh, đồng thời cũng chỉ thần kinh hệ.
Càng sáng, Thái Dương biểu hiện cho thần kinh bén nhạy linh mẫn, với những hậu quả hay, dở của nó. Thái Dương còn chỉ thận của nam phái, phần dương tính của đàn ông.
HÓA KHOA THÁI DƯƠNG
Thái Dương bản chất là tán phát nên không thật thoải mái với Hóa Khoa. Hóa Khoa làm tăng thêm tính phát tán ấy cho nên dễ thành ra tiếng nhiều mà miếng ít. Bị người chú ý quá mức dù là ngưỡng vọng thì cũng phiền. Như quẻ dịch gọi bằng “Khang long hữu hối” là thế.
Thái Dương miếu địa đứng với Khoa không bằng đứng với Lộc, Quyền trên thực tế thâu hoạch tốt. Thái Dương Hóa Khoa cũng cần bách quan tề tựu mới thành đại sự, nếu chỉ gặp Sát Hình thì là hư danh hư lợi thôi, có khi còn bị thiên hạ lợi dụng nữa.
Nói về bách quan tề tựu cũng có hai hình thái khác biệt. Thái Dương Hóa Khoa nhất định là nổi danh, người đời chú ý từ cử chỉ đến lời nói, nếu được văn tinh Xương Khúc chế giàm tục khí ngôn hành văn nhã, thiếu văn tinh sẽ thô lỗ, ẩu tả cho người đời đàm tiếu. Thái Dương hãm địa hoặc bị Tuần Triệt sự ẩu tả đậm nét hơn.
Có Xương Khúc rồi thêm Lộc Tồn càng đẹp. Cách Dương Lương Xương Lộc đóng vào Mão tốt nhất, trường hợp này Hóa Khoa sẽ đắc lực hơn Quyền Lộc nếu vào học thuật văn chương, nhưng lại không thành giàu có.
Thái Dương Hóa Khoa chỉ thành phú cách nếu xung chiếu bởi Hóa Quyền và cung Quan có Hóa Lộc. Được Thiên Mã Tả Hữu sẽ rất sớm thành công nếu như không bị Hỏa Linh Không Kiếp.
Dương Khoa có Cự Môn đứng cùng hay chiếu, ăn nói lý luận cứng cỏi vào ngành ngoại giao hay pháp luật hợp cách. Thái Dương Hóa Khoa ở hãm cung mà bị Không Kiếp sẽ vì danh vọng hão mà mang họa vào thân.
Dương Khoa đóng cung lục thân đều hay trừ cung Nô Bộc. Dương Khoa đóng Bào Huynh, Phu Thê, Phụ Mẫu những người thân ấy đều có danh vọng. Đóng vào Nô Bộc, thuộc hạ sẽ lợi dụng danh mình hoặc tựa vào mình mà vượt trội lên hơn mình.
Dương Khoa vào lục thân cung nếu bị Đà La Không Kiếp lại thành ra bị lục thân bóc lột. Thái Dương Hóa Khoa đóng Tật Ách dễ bị bệnh ở buồng gan, can khí nhiệt uất bốc lên mặt làm thành bệnh mắt.
Thái Dương – Hóa Kị
Thái Dương Hóa Kị làm những nghề dính líu đến thị phi quan tụng hoặc gây dư luận ồn ào thì chính mình mới đỡ trở thành nạn nhân của thị phi quan tụng và đàm tiếu phê bình. Tỉ dụ: Thầy kiện, quan tòa, cảnh sát mật vụ, thông tin báo chí, quảng cáo viên. Làm những nghề thông thường dễ bị chiêu oán đả kích.
Thái Dương Hóa Kị dở, hay cũng còn tùy thuộc những sát tinh đi kèm. Thái Dương Hóa Kị không gặp sát tinh lại được Tả Hữu thì gian lao phấn đấu mà nên đại nghiệp như làm chính trị hoặc phấn phát mạnh rồi nhiều kẻ ganh ghét. Còn như gặp nhiều sát tinh kèm vào thì phiền lắm. Chẳng những thị phi chiêu oán mà còn bị họa nạn.
Cách Cự Nhật có Hóa Kị không phải là dở nếu được Lộc Tồn đứng cùng, vào ngành ngoại giao pháp luật, làm quảng cáo, bán hàng càng cạnh tranh càng thành công.
Trường hợp Thái Dương Ngọ cung dù có Lộc Tồn mà thấy Hóa Kị thì cao danh vọng lắm đầy gian nan nhiều, bị vận xấu xuống đến đất đen.
Thái Dương đứng với Hóa Kị nếu có Không Kiếp Tuần Triệt đi rao giảng tôn giáo sẽ gây thanh vọng. Thái Dương Hóa Kị mà bị Kình Dương Thiên Hình hay bị kiện tụng hoặc bị chạm chán với luật pháp.
Thái Dương Hóa Kị vào cung lục thân đều không hay, nhất là đối với người sinh vào ban đêm, nếu có cả sát tinh nữa thì sinh ly tử biệt. Mệnh nữ mà có Thái Dương Hóa Kị ở Phu phải mấy bận dỡ dang, bị cướp chồng hay đi cướp chồng người, thêm Đào Hoa điều trên nặng nữa.
Cung Phụ mẫu xuất hiện Thái Dương Hóa Kị không thuận với cha mẹ, hoặc hay bị kẻ trên nghi ngờ và chèn ép. Thái Dương Hóa Kị vào Tật ách bệnh về thận, về đường tiểu hoặc bệnh mắt. Thái Dương Hóa Kị đóng mệnh cũng thấy Riêu Hình nếu Thái Dương hãm có thể bị mù. Thái Dương Hóa Kị hãm cung vào Tật ách của số nữ hoặc đóng cung Tử tức có trở ngại trong vấn đề sinh sản.
Hóa Lộc – Thái Dương
Thái Dương chủ quý không chủ phú, nên dù gặp Hóa Lộc thì tiền bạc không đến từ cuộc phấn đấu kinh doanh mà đến từ địa vị xã hội như người xưa nói “Tiền quí hậu phú !”.
Tính chất của Thái Dương là phát tán tựa ánh dương quang chiếu tỏa chứ không thâu liễm góp nhặt. Hóa Lộc đứng bên càng khiến cho phát tán tăng cường.
Thái Dương Hóa Lộc cùng một lúc phải được cả Khôi Việt Tả Hữu Xương Khúc thì mớ toàn hảo, cục diện mới lớn lao. Chỉ độc Thái Dương Hóa Lộc thôi dễ bị ganh ghét đố kị, để trở thành cô lập tứ diện thọ địch khó bề phát triển mạnh.
Trường hợp Thái Dương Hóa Lộc gặp Không Kiếp thì tình trạng cô lập lại trở nên tuyệt đối lại phát sinh ý đồ lỗi lạc vượt hẳn thiên hạ trong tình cảnh nhiễu nhương tao loạn, nhất là Thái Dương hãm địa (Hợi, Tuất) với điều kiện không gặp sao Hóa Kị.
Vì tính chất Thái Dương phát tán nếu đứng vào cung làm cho sự phát tán rực rỡ quá, tỉ dụ Tị hay Ngọ, địa vị rõ ràng khiến người chói mắt mà sinh bực bội ngứa mắt. Cách “Nhật lệ trung thiên hữu chuyên quyền chi quí “ mang khuyết điểm này, đôi khi rực rỡ bên ngoài quá mức lại chỉ là hữu danh vô thực.
Mặt trời ban mai, mặt trời hoàng hôn quang huy phát tán không quá mạnh khiến con mắt người đời thoải mái hơn mà không bị đố kị cô lập, quyền chức vẫn cao, tiền vẫn đến chẳng ai hay. Trường hợp này Thái Dương không cấp thiết cần Tả Hữu Xương Khúc Khôi Việt nữa.
Thái Dương Hợi Tuất là Thái Dương phản mục, thất huy nhưng vẫn có trong nó ánh sáng tiềm ẩn khả dĩ âm thầm xây dựng quyền lực địa vị bằng tựa vào địa vị nói nôm na là số cận quý để gây cơ dựng nghiệp.
Chuyên quyền chi quí của cách Nhật lệ trung thiên đưa đến kết quả chức lớn quyền trọng rút cục không tiền. Thái dương Hóa lộc vào cung tật ách nếu ở Tị Ngọ Thìn hay bị chứng nhức đầu.
HÓA QUYỀN THÁI DƯƠNG
Thái Dương đứng với Hóa Quyền tốt hơn đứng bên Hóa Lộc. Thái Dương Hóa Lộc tiền bạc đến nhờ quyền chức địa vị, có cuộc sống xa hoa. Nhưng Thái Dương Hóa Quyền mới là người thành công gây sự nghiệp.
Thái Dương Lộc Quyền Cự Môn là cách “dị tộc sinh tài” ra nước ngoài phấn phát. Dương Lương Xương Lộc được Hóa Quyền càng nhiều sáng kiến hay khi vào việc.
Thái Dương Thiên Lương không Văn Xương mà được Hóa Quyền là con người có uy vọng trong lãnh vực nào đó. Thái Dương Hóa Quyền đứng với Văn Xương lại gặp Hóa Kị, người làm việc xốc nổi, thiếu suy nghĩ chín chắn để thất bại. Thái Dương Hóa Quyền có khả năng khai sáng, nhưng bị khuyết điểm là thích người tâng bốc mình.
Thái Dương Hóa Quyền đóng Mệnh cung, tâm ý không chịu được tịch mịch cứ phải họp quây quần đông người, cho nên hay vội vã. Đáng lẽ nên thoái ẩn thì lại chường ra để mà bị phiền.
Thái Dương hãm địa được Hóa Quyền giảm đi những bất lợi, nếu đóng cung Thiên Di thì hãy rời khỏi quê hương bản quán để mà phát triển.
Thái Dương Hóa Quyền thủ Mệnh, tốt bụng thích giúp người khác nhưng nếu có luôn cả Văn Xương Hóa Kị thì mọi hành động thi ân đều chẳng đem lại lợi ích gì cho mình, chúng vay rồi quịt luôn.
Thái Dương đắc địa đứng với Hóa Quyền đóng cung lục thân dễ có trợ lực của các người thân thuộc nam tính. Vào Thê, vợ chồng xa cách. Vào Phu, có chồng xứng đáng trên phong thái, trên khả năng và tư cách. Vào Bào Huynh, có anh em trai trợ lực. Vào Phụ Mẫu hợp với bố.
Thái Dương Hóa Quyền đóng Tật Ách thường bị máu cao, thấy Hóa Kị Thiên Hình thì đề phòng bệnh mắt.
THÁI DƯƠNG THÁI ÂM (Nhật Nguyệt)
Chỉ đồng cung tại Sửu Mùi, tạo thành "Âm DưƠng Sửu Mùi cách ", còn gọi là Nhật Nguyệt đồng lâm cách".
Thái Dương là trung đẩu đế tinh, nên mặc dù thuộc nhóm sao tĩnh (Cơ Nguyệt Đồng Lương Cự Nhật ) mà vẫn có nhiều tính chất xung động, mãnh liệt như nhóm "Tử Phủ Sát Phá Tham ". Ngược lại, Thái Âm là sao nhu nhuyễn, thích sự bình lặng, làm việc gì cũng muốn đạt sự toàn mỹ, mang nhiều lãng mạn tính . Hai sao hợp lại, không khỏi có nhiều mâu thuẫn.
Sửu Mùi là hai cung mộ địa mang đặc tính bảo thủ, nên khuynh hướng đấu tranh của Thái Dương bị biến hóa, trở thành bất chợt, nhưng cá nhân vẫn hiếu thắng, cố chấp.
Thái Dương nhiều năng lực, hăng hái xông pha, trong khi Thái Âm thích sự nhàn tản, lãng mạn . Hai sao hợp lại thường có bề ngoài mềm dẻo bề trong cứng cỏi, nhưng có lúc hoàn toàn ngược lại, rất khó xác định . Thích ở vị trí thủ lãnh, nhưng rất khó đóng trọn vai trò này là vì những mâu thuẫn như đã kể.
Ưu điểm : Không tham danh lợi, thích làm việc nghĩa, thích đóng vai người hùng cứu khổn phò nguy, đầu óc thông minh, học hỏi hiểu biết nhanh .
Khuyết điểm : Nhiều mâu thuẫn, nhiều khi suy nghĩ trước sau trái ngược, ý chí không cứng cỏi, tình cảm bất định . Luôn cho rằng mình hơn người khác , dễ trở thành bệnh tưởng . hôn nhân thiếu hòa thuận, không gần gủi người thân.
THÁI DƯƠNG CỰ MÔN (Cự Nhật)
Thái Dương là biểu hiệu của ánh sáng, Cự Môn là ám tinh như mây che ánh sáng, đứng cùng với Thái Dương có tác dụng cản ngăn những đặc sắc của Thái Dương.
Hai sao cùng cung ở Dần Thân . Xét về thời gian thì Dần trời chưa sáng, Thân trời đã ngã về chiều, Thái Dương không đủ sức mạnh vượt thắng ảnh hưởng của Cự Môn, nên hai sao cùng cung gây ra tình trạng bất toàn. Nếu thành đạt tất phải có chuyện không ổn trong gia đình, như vợ chồng bất hòa, hoặc sức khỏe suy yếu, hoặc con cái bất hiếu v.v . . Cá nhân vẫn có thể đạt công danh, hạnh phúc, nhưng không có đủ khả năng và may mắn để đối phó với những khó khăn, nên công danh hạnh phúc bao năm đạt được chỉ cần gặp một vài chuyện không may nho nhỏ là có thể vỡ tan bất cứ lúc nào.
Ưu điểm : Tính khí cương cường, dũng cảm . Có tài miệng lưỡi, mưu trí, nhờ đó có khi biến họa thành may, biết nắm thời cơ . Có khả năng lãnh đạo.
Khuyết điểm : Khá bướng bỉnh, háo thắng . Suy tính chuyện ngoài tầm tay . Tham vọng lớn, lại quá chủ quan, nên khó đạt thành công theo ý muốn.
THÁI DƯƠNG THIÊN LƯƠNG (Dương Lương)
Thái Dương là "trung thiên đế vương tinh" uy cường, Thiên Lương là phúc tinh ôn nhã, hai sao cùng cung tất phải tương nhượng nhau mà hướng về trung đạo.
Hai vị trí cùng cung là Mão Dậu, thuộc "tứ chính đào hoa địa". Mão là đất vượng của Thái Dương , nên Thái Dương lấn áp Thiên Lương; Dậu là phương hãm của Thái Dương , nên ảnh hưởng của Thiên Lương có phần trội vượt . Vì đặc tính đào hoa, ở cả hai nơi cá nhân sẽ có nhiều duyên may mắn . Nếu chọn ngành thương mãi thì dễ đạt mục tiêu vật chất .
Nhưng trong mọi trường hợp, e là khó tìm được hạnh phúc gia đình.
Cá nhân sẽ có nhiều điểm cố chấp nhưng lại có trái tim dễ bị xúc dộng nên khả năng quyết định không chuyên nhất, thành bại vì thế khó lường.
Ưu điểm : Quang minh chính dại, tích cực, hiền hòa, thích phục vụ xã hội, không sợ mệt nhọc, hiểm nguy, thất bại . Có phong thái quí phái , làm việc cẩn trọng suy tính . Biết trọng người trên, nhường kẻ dưới.
Khuyết điểm : tâm lý do dự, khả năng phán đoán thiếu sót, không biết mình biết người, nên dễ lao tâm vô ích . Không biết lẽ tiến thủ nên hay kẹt vào những hoàn cảnh, nhất là hoàn cảnh tình cảm, không thể tìm đường giải quyết.
NHẬT NGUYỆT ĐỒNG LÂM
Mặt trời là nguồn năng lượng lớn nhất đối với qủa đất của chúng ta cho nên người có Nhật thủ Mệnh là người rất năng động, có phần nóng nảy. Từ cổ chí kim mặt trăng luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho các thi nhân cho nên người có Nguyệt thủ Mệnh thường mang tính đa sầu, đa cảm. Nhật thuộc nam đẩu tinh, hành Hỏa, miếu địa ở Tỵ, Ngọ tức là mặt trời vào lúc giữa trưa, và vượng địa ở Dần, Mão, tức là mặt trời lúc bình minh. Ở 4 vị trí trên, Nhật chủ về sự thông minh, lòng nhân đức, Tài và uy quyền. Nhật rất hợp với người Dương Nam, Dương Nữ, và những người sinh vào ban ngày. Nguyệt thuộc bắc đẩu tinh, hành Thủy, miếu địa ở Dậu, Tuất, Hợi, là lúc mặt trăng tỏa sáng nửa đêm, vượng địa ở hai cung Thân (lúc trăng mới mọc), và Tí (lúc trăng sắp tàn). Ở những vị trí miếu vượng, Nguyệt là sự nhân từ, tánh đa sầu, đa cảm và lãng mạn, có khiếu về văn chương, nghệ thuật. Đồng thời Nguyệt cũng chủ sự giàu có về điền sản như nhà cửa, đất đai… Nguyệt đặc biệt phò trì cho người Âm Nam, Âm Nữ, những người mạng Mộc, Thủy, và người sinh vào ban đêm, nhất là sinh vào những đêm trăng tròn 15, 16 thì càng tuyệt hảo.
Trong cơ thể, Nhật Nguyệt tượng trưng cho đôi mắt. Trong gia đình, Nhật là ông, là cha, là chồng, Nguyệt là bà, là Mẹ, là vợ…Điều này rất rõ khi cung hạn có Nhật hay Nguyệt tọa thủ thì những gì xảy ra trong hạn đó không những là cho chính bản thân của mình mà còn nói lên những sự việc xảy ra cho chồng, cho vợ, cha mẹ, ông bà của đương số nữa. Sự biểu tượng này cũng nói lên tình cảm hay sự gần gũi mật thiết trong cuộc sống giữa người con đối với cha hay mẹ. Chẳng hạn một người có Nhật thủ Mệnh thì người này chịu ảnh hưởng tánh tình của cha nhiều hơn, có thể sẽ nối nghiệp cha, hoặc có thể vì hoàn cảnh, đương số sẽ sống gần gũi và hợp với cha nhiều hơn là với mẹ. Khi nói đến hai sao Nhật Nguyệt, khoa Tử Vi có một nguyên tắc mà chúng ta thường nghe là: “Chính bất như chiếu” nghĩa là: Nhật Nguyệt chiếu Mệnh tốt hơn thủ Mệnh. Điều này nghĩ cũng hợp lý, rất thực tế. Chẳng hạn như chúng ta đặt một ngọn đèn ngay trước mặt mà đọc sách thì ánh sáng chiếu trực tiếp vào mắt sẽ làm cho mắt bị chói và mau mỏi mệt hơn là để ngọn đèn chiếu lên chụp đèn, hay chiếu vào tường rồi phản chiếu vào trang sách. Nhật Nguyệt chỉ đồng cung ở hai vị trí Sửu, Mùi gọi là Nhật Nguyệt Đồng Lâm. Nhật Nguyệt Đồng Lâm cũng giống như hiện tượng Nhật Thực, Nguyệt Thực. Nghĩa là trong một khoảng thời gian nào đó, mặt trời, mặt trăng, và trái đất cùng ở một đường thẳng. Như chúng ta đã thấy, khi Nhật Thực hay Nguyệt Thực thì mặt trăng che mặt trời hoặc mặt trời che mặt trăng, cho nên ánh sáng mờ mờ ảo ảo, ngày chẳng ra ngày, đêm cũng không giống đêm. Đó chính là nét đặc thù đầu tiên của mẫu người Nhật Nguyệt Đồng Lâm. “Những người bất hiển công danh Cũng bởi Nhật Nguyệt đồng tranh Sửu Mùi.”
Ngoại trừ Nhật Nguyệt Đồng Lâm thủ Mệnh, mặc dù không phải là những vị trí miếu vượng của Nhật-Nguyệt nhưng cũng là người khá thông minh vì đó là bản chất thuần túy của vầng Nhật-Nguyệt. Tuy nhiên vì hai nguồn ánh sáng nằm cùng với nhau cho nên Nhật-Nguyệt tự che lấy ánh sáng của nhau như đã nói ở trên. Vì vậy người Nhật Nguyệt Đồng Lâm có trí nhớ kém và thường hay có những quyết định lầm lẫn, mãi cho đến khi việc đã xong, quay mình nhìn lại thì mới thấy ân hận tại sao lúc đó mình làm như vậy. Nhật-Nguyệt là biểu tượng của ngày và đêm, và cũng là biểu tượng của Âm và Dương trong vũ trụ cho nên người có Nhật Nguyệt thủ hay chiếu Mệnh thường có năng khiếu về ngành điện tử, điện toán, vi tính v.v… Nhật Nguyệt Đồng Lâm thần kinh dễ bị suy yếu, hay bị những chứng nhức đầu kinh niên, căng thẳng thần kinh, dễ bị xúc động, và chắc chắn một điều là hai mắt kém, có nhiều bệnh tật khi còn bé. Riêng đối với phái nữ, người Nhật Nguyệt Đồng Lâm mỗi lần có kinh nguyệt thường bị đau bụng dữ dội hơn những người khác. Và họ thường hay bị những chứng bệnh mà đông y gọi là bệnh khí huyết. Nếu nói như vậy, Nhật Nguyệt Đồng Lâm thủ Mệnh đây không phải là một cách tốt, ngoại trừ những trường hợp đặc biệt như sau:
1) Nhật Nguyệt Đồng Lâm thủ Mệnh mà có Tuần án ngữ, và được các văn tinh như Xương Khúc, Khôi Việt, Quang Quí, Thai Tọa, Đào Hồng Hỷ hội hợp thì trở nên tốt. Đây là số của những nhà văn, nhà thơ, nhà báo, những người làm ngành truyền thông, hay là giới văn nghệ sĩ danh tiếng và có địa vị trong giới văn chương, nghệ thuật.
2) Nhật Nguyệt Đồng Lâm thủ Mệnh có Hóa Khoa, Hóa Lộc đồng cung hay xung chiếu, hay hợp chiếu thì lại trở nên tốt đẹp. Công danh sự nghiệp vững vàng, có quyền cao chức trọng trong xã hội.
Tóm lại, ngoài hai trường hợp vừa nêu trên, Nhật Nguyệt Đồng Lâm ở Sửu/Mùi thì cuộc đời cũng được cơm no áo ấm nhưng đây là mẫu người bất đắc chí, có khả năng mà không gặp được thời vận điển hình như nhà thơ Tú Xương ngày trước.
Cũng là Nhật-Nguyệt đồng cung, nhưng đúng với nguyên tắc căn bản mà chúng ta đề cập ở trên “Nhật Nguyệt chiếu Mệnh tốt hơn thủ Mệnh” Như vậy nếu Mệnh an ở Sửu được Nhật-Nguyệt đồng cung ở Mùi xung chiếu thì chắc chắn tốt hơn Nhật-Nguyệt tọa thủ tại Mệnh. Và phú Tử Vi cũng khẳng định điều này: “Nhật Nguyệt đồng Mùi, Mệnh an Sửu, hầu bá chi tài.” Trong trường hợp này nếu Mệnh có Tuần án ngữ để giữ ánh sáng của Nhật-Nguyệt, và có Hóa Kỵ thủ Mệnh như vầng mây ngũ sắc làm tăng thêm độ sáng cho Nhật-Nguyệt. Được cách này, công danh phú quý càng rực rỡ và bền vững hơn.
Như vậy, khi nói đến mẫu người Nhật Nguyệt Đồng Lâm, chúng ta phải phân biệt 2 trường hợp. Nếu Nhật-Nguyệt đồng thủ Mệnh thì cuộc đời được mô tả khái quát như câu: “Những người bất hiển công danh, cũng vì Nhật-Nguyệt đồng tranh Sửu Mùi” Nếu Nhật-Nguyệt đồng cung xung chiếu Mệnh thì công danh sự nghiệp chắc chắn sẽ trong tầm tay. Nhưng cho dù ở trường hợp nào thì mẫu người Nhật Nguyệt Đồng Lâm giống nhau ở chổ mắt yếu, nhức đầu kinh niên, thần kinh dễ rối loạn, trí nhớ kém, phái nữ thường bị đau bụng dữ dội khi hành kinh. Năng khiếu nổi bật nhất của họ là văn chương và nghệ thuật.