Phần dưới của cơ quan sinh dục nữ (bao gồm cả đoạn cổ tử cung nối với âm đạo) có đặc điểm chung là: tiếp xúc với ngoại cảnh nên dễ bị nhiễm trùng, được cấu tạo bằng da niêm mạc, có nhiều dây thần kinh nên khi lâm bệnh thuwofng có những triệu chứng đau rõ rệt.
Do bệnh xảy ra ở “chỗ kín” nên người bệnh không muốn tiết lộ, tìm cách chữa trị lấy, vì thế nhiều người khi tới khám bác sĩ khi bệnh đã quá nặng.
Ngứa ngáy, đau khi quan hệ, da mẩn đỏ, mùi hôi… là mấy triệu chứng thường gặp nhất báo hiệu có nhiễm trùng.
Ngứa
Những cơn ngứa dữ dội bên ngoài hoặc bên trong cơ quan sinh dục.
Ngứa bên ngoài: (vùng mu, vùng kín) thường do các loại nấm như candida, các loại men, do dị ứng, bệnh ngoài da hoặc mụn rộp. Cũng có khi chỉ vì da khô do rửa quá nhiều và dùng những loại xà phòng kích ứng quá mạnh.
Ngứa trong vùng kín: do hậu quả của chứng viêm nhiễm, hoặc do dị ứng với chất cao su của bao cao su, thuốc diệt tinh trùng, chất tẩy rửa…
Chảy nước
Bình thường “vùng kín” tiết ra chất dịch quánh trong. Đây là dịch nhờn trong âm đạo, không nặng mùi, ra nhiều hay ít cũng tùy vào từng người, tùy vào chu kỳ kinh, có mang thai hay không, có uống viên tránh thai không. Nhưng nếu chất dịch này thay đổi màu sắc, độ đặc, có mùi lạ thì có thể do âm đạo bị nhiễm trùng, thường gặp nhất là nấm candida.
Mùi lạ
Cơ quan sinh dục dưới không bao giờ vô trùng nên thường có mùi đặc biệt. Xét về mặt đảm bảo sức khỏe thì những cố gắng nhằm khử mùi bằng hàng loạt các “vệ sinh phẩm” đều vô bổ, thậm chí có hại. Chúng có thể gây dị ứng.
Tuy nhiên khi thấy mùi thay đổi, trở nên nồng nặc hơn thì cũng nên nghĩ tới khả năng viêm nhiễm. Lúc này không nên vội đi mua chất khử mùi mà nên đi đến gặp bác sĩ.
Những cơn đau khi quan hệ
- Đau ở cửa mình: thường do nguyên nhân cơ học, có thể còn sót lại đôi chút màng trinh. Nhưng nói chung nên nghĩ tới nhiễm trùng. Đau trong âm đạo có cảm giác như chà bằng giấy ráp là triệu chứng rõ rệt bị nấm.
- Đau vùng sâu hơn: khả năng bị viêm nhiễm nặng hơn: ở bàng quang, tử cung, buồng trứng…
- Tìm hiểu thêm về chứng đau “vùng kín”: nhiều người thường gộp chung tất cả những triệu chứng bệnh ở âm đạo như: sưng tấy, ngứa, chảy dịch, có mùi hôi, đau khi quan hệ… vào một thuật ngữ là “viêm vùng kín”. Nhưng không phải các triệu chứng bệnh ở âm hộ và âm đạo đều do viêm mà do nhiều nguyên nhân khác.
Mất cân đối về vi khuẩn:
- Do nấm hoặc men: âm hộ tấy đỏ, ngứa, chảy nước quánh và dính, đôi khi có mùi hôi. Thường thấy ở những người dùng kháng sinh, những người đái tháo đường điều trị không đúng cách. Ở số đông thì nguyên nhân không rõ rệt. Chứng này không thuộc loại bệnh lây qua đường “quan hệ” nên không lây.
-Do nhiễm trùng: đặc điểm là “vùng kín” bốc mùi tanh, khi quan hệ đau rát, sau khi quan hệ thì mùi tanh càng nồng nặc. Đây cũng không phải bệnh lây qua đường quan hệ nên không lây.
Những nguyên nhân khác:
- Âm đạo không được bôi trơn khi quan hệ.
- Tổn thương tại chỗ do bệnh mụn rộp, ung thư và một số bệnh lây nhiễm qua đường quan hệ, do có mụn lồi lành tính trên da.
Viêm đau âm hộ không rõ nguyên nhân, có lẽ do một gốc dây thần kinh bị tổn thương gây đau đớn khi quan hệ, thậm chí là không thực hiện được quá trình quan hệ. Đôi khi đau buốt khi tiểu tiện.
- Viêm cửa mình: có thể do trong âm đạo chứa quá nhiều acid oxalic. Cửa mình bị bỏng rát khi sờ vào.
Những lời khuyên
- Chẩn đoán đúng bệnh: âm hộ và âm đạo có thể mắc rất nhiều bệnh khác nhau, có những triệu chứng na ná như nhau nhưng cách điều trị khác nhau. Vì thế cần được bác sĩ xác định đúng nguyên nhân để có phương pháp chữa trị hiệu quả. Bác sĩ phải nội soi “vùng kín”, đo độ pH, nuôi cấy vi trùng, có khi phải xét nghiệm máu, nước tiểu và xét nghiệm khác nữa. Vì thế trước khi đi khám bệnh không nên súc rửa, thụt vùng kín sạch sẽ dễ làm mất những yếu tố chẩn đoán bệnh và cũng đừng dùng nước khử mùi, vì mùi cũng là một triệu chứng quan trọng. Càng không nên sử dụng những thứ thuốc còn sót lại, vì “thủ phạm” gây bệnh lần này có thể khác lần trước.
- Trong khi chờ đợi bác sĩ tìm ra nguyên nhân gây bệnh, có thể giảm bớt những cơn ngứa bằng cách chườm nước lạnh.
- Không ngại dùng viên tránh thai, trước kia một vài công trình nghiên cứu cho rằng có mối liên hệ giữa viên tránh thai và bệnh viêm nhiễm vùng kín. Thực ra viên tránh thai không ảnh hưởng gì.
- Thuốc diệt tinh trùng: có lợi mặt này nhưng cũng có hại mặt khác. Nhiều cặp vợ chồng thường kết hợp dùng bao cao su với thuốc diệt tinh trùng, rất tốt để tránh thai. Nhưng dùng thuốc diệt tinh trùng lâu dài sẽ làm giảm mức cân đối vi khuẩn trong vùng kín, gây ngứa, viêm.
- Bao cao su: giúp phòng tránh các bệnh lây qua đường quan hệ nhưng không có tác dụng với bệnh viêm âm đạo. Trái hẳn lại, bao cao su làm tăng cảm giác đau khi quan hệ. Mũ tử cung ít cảm giác đau hơn.
- Dùng chất bôi trơn nếu âm đạo không đủ dịch nhờn khi quan hệ
--------------------------------------------------