Khi người ta yêu Nghệ thuật thì không có việc gì khó.
Đấy là tiền đề của chúng tôi. Câu chuyện này sẽ rút từ đó ra một kết luận và đồng thời sẽ chứng minh rằng tiền đề ấy không đúng. Đấy là một điểm mới về luân lý học và là một kỳ công trong phép kể chuyện có phần còn cổ xưa hơn cả Vạn lý trường thành ở Trung Quốc nữa.
Giô Larabi xuất thân từ những căn nhà dựng bằng cột sồi của miền Trung Tây: thiên tài về nghệ thuật hội hoạ đập trong mạch máu anh. Năm lên sáu tuổi, anh đã vẽ cái máy bơm nước của thành phố với một công dân nổi tiếng đang vội vã đi qua. Cố gắng đó của anh được đóng khung và treo trên quầy hàng tạp hoá bên cạnh bông lúa mì có những hàng hạt dẻ. Năm hai mươi tuổi anh rời quê đi Niu Yóoc với chiếc cà vạt thắt lỏng lẻo và một ít tiền vốn buộc có phần chặt hơn đôi chút.
Đêlya Carudơ thì hồi còn ở một cái làng có nhiều thông mọc ở miền Nam, sử dụng sáu âm giai cũng tỏ ra đầy hứa hẹn, khiến những người thân thuộc của cô cứ nói xen mãi vào chiếc mũ nan của cô, nên rốt cuộc cô đã đi lên miền Bắc để "thành tài". Họ đã không được thấy cô thành... nhưng đấy là câu chuyện chúng tôi sẽ kể.
Giô và Đêlya gặp nhau tại một xưởng hoạ trong cuộc họp mặt của một số sinh viên mỹ thuật và âm nhạc để thảo luận về phép phối hợp màu sáng tối, Vanơ (Wagner: nhà soạn nhạc nổi tiếng người Đức sinh ở Lairich (1813 - 1883)), âm nhạc, tác phẩm của Rambran (Rembrandt: hoạ sĩ nổi tiểng người Hà Lan (1600 - 1669) tranh Oantơfen (Walđteufen, Wolong: những tên người vô nghĩa để nói lên sự thảo luận lan man, lung tung), giấy dán tường, Sôpanh (Chopin: Nghệ sĩ dương cầm và soạn nhạc người Ba Lan nổi tiếng (1810-1840)) và Ulông.
Giô với Đêlya mê nhau hay muốn nói là yêu nhau cũng được và ít lâu sau họ lấy nhau khi người ta yêu nghệ thuật thì không có việc gì khó.
Ông bà Larabi bắt đầu xây dựng gia đình trong một căn buồng nhỏ, một căn buồng trơ trọi - đại để như nốt La thăng, ở mãi tít cuối phía trái phím đàn. Và họ sống hạnh phúc, bởi họ đã có nghệ thuật của họ, họ lại có nhau nữa. Và tôi khuyên, những chàng trai giàu có hãy bán tất cả mọi thứ mình có đi, đem cho người... gác cổng nghèo để được hưởng cái đặc quyền sống trong một căn buồng với nghệ thuật của mình và Đêlya của mình.
Những người sống trong các căn buồng nhỏ sẽ tán thành lời khẳng định của tôi rằng, hạnh phúc của họ mới là hạnh phúc duy nhất chân chính. Một nhà có hạnh phúc thì chật mấy cũng vừa - cứ hạ cái tủ ngăn xuống thành một cái bàn chơi bi a, biến mặt lò sưởi thành một cái máy khâu, bàn viết thành một buồng ngủ dự trữ, cái chậu rửa mặt thành một chiếc đàn dương cầm, cho bốn bức tường gần lại với nhau nếu chúng muốn còn anh và Đêlya của anh thì ở giữa. Nhưng nếu nhà lại thuộc vào loại chẳng có hạnh phúc gì thì nó phải rộng và dài - để bạn đi vào qua cổng Gônđơn ghết (Gokleu Gate: cửa biên ở phiá Tây nước Mỹ trong vịnh Xan Praxicô), treo mũ vào Haltơrat (Hetteras: tên một mũi biển miền Đông nước Mỹ (bang Caxalina Bắc) đối diện với lạch Pamylicô), mặc áo trên mũ Hoóc (Horn: tên một mũi biển ở cực Nam châu Mỹ) và đi đằng Labrađo (Labrrader: bán đảo thuộc Canađa, giữa Đại Tây Dương, vịnh Zoiexơn và sông Xanh Lôrăng, ở cực Bắc châu Mỹ).
Giô theo học lớp hoạ của ông thầy vĩ đại mà các bạn cũng biết tiếng đấy. Học phí thì nặng, bài giảng thì nhẹ. Những cái nặng - nhẹ của ông ta đã làm nổi danh. Đêlya học Rôdenxtốc. Các bạn đã biết tiếng ông ta là người chuyên làm loạn các khoá đàn dương cầm.
Chừng nào tiền họ còn thì họ rất mực hạnh phúc. Ai cũng vậy thôi, nhưng tôi không muốn tỏ ra trắng trợn. Mục đích của họ rất rõ ràng và dứt khoát. Trong một thời gian rất ngắn. Giô sẽ phải vẽ được những bức tranh mà các ông già quý phái có bộ râu quai nón thưa và sổ tay dày cộm phải lèn nhau như những túi cát trong xưởng anh để được diễm phúc mua tranh của anh; Đêlya sẽ phải làm quen rồi coi thường Âm nhạc, đến mức khi thấy các chỗ ngồi ở tầng dưới và ở các lô, không bán được vé, cô có thể sinh ra đau họng và ăn tôm hùm trong phòng ăn riêng, từ chối không ra sân khấu.
Nhưng theo ý tôi thì cái tốt nhất vẫn là đời sống gia đình trong căn buồng nhỏ: những cuộc chuyện trò hăng say liến láu sau buổi học ban ngày; những bữa ăn ấm cúng và những bữa lót dạ tươi mát, nhẹ nhàng; những cuộc trao đổi, tham vọng - các tham vọng quyện vào nhau hoặc nhỏ nhặt, sự giúp đỡ lẫn nhau, gợi cảm hứng cho nhau, và các bạn bỏ quá cho sự thô lỗ của tôi, những quả ô liu nhồi và bánh mì kẹp pho mát lúc mười một giờ đêm.
Nhưng được ít lâu thì Nghệ thuật rũ xuống, thỉnh thoảng nó vẫn thế dù không có người bẻ ghi nào phất nó (Chơi chữ không dịch được tay, vừa có nghĩa và rũ xuống vừa có nghĩa là phất). Chỉ có chi ra mà chẳng có thu vào, như những kẻ tầm thường vẫn nói. Thiếu tiền trả ông giáo sư và ngài Rodenxtốc. Song đã yêu Nghệ thuật thì không có việc gì khó. Cho nên Đêlya nói cô phải đi dạy nhạc đã giữ cho chiếc lò hầm để ở bàn ăn vẫn sôi sùng sục.
Hai ba ngày liền cô đi chào mời học trò. Một buổi chiều cô về nhà, vẻ mặt hớn hở.
- Anh Giô yêu quý, - cô vui vẻ nói, - em có một học trò rồi. Chao ôi, những người đáng yêu vô cùng. Con gái của Đại tướng, Đại tướng A.B. Pinkin, ở phố mười một. Ngôi nhà mới nguy nga làm sao, anh Giô ạ, anh phải nhìn thấy cái cửa trước nhà ấy mới được. Hình như kiểu Bidăngxơ ấy. Lại còn bên trong nữa chứ. ồ, anh Giô, em chưa hề thấy một cái gì như thế bao giờ.
Học trò của em là Cleementina, con gái ông ta. Em đã thấy mến cô ấy lắm rồi. Cô ta rất thanh tú, lúc nào cũng bận toàn đồ trắng mà cung cách dịu dàng, giản dị vô cùng. Mới mười tám tuổi. Em phải dạy mỗi tuần ba buổi và anh Giô nghe này năm đô la một buổi đấy nhé. Em chẳng ngại gì cả, vì bao giờ em có thêm độ hai hay ba học trò nữa là em lại có thể tiếp tục đến học ông Rodenxtốc. Thôi, giờ thì anh hãy xoá bỏ cái nếp nhăn giữa cặp lông mày của anh đi anh yêu quý, và ta hãy ăn một bữa tối cho thật ngon.
- Như thế là ổn cho em rồi, Đêlê ạ, - Giôn nói vừa cầm dao và búa nhỏ mở một hộp đạn, - còn anh thì thế nào? Em tưởng anh sẽ để mặc em tong tả đi kiếm tiền còn anh thì cứ phất phơ trong lĩnh vực nghệ thuật cao siêu chăng? Không đời nào, thề có linh hồn của Benvênutô Xêlini (Bênvênuto Cellini: Nhà điêu khắc và chạm vàng bạc nổi tiếng thời Phục hưng sinh ở Plốtpanxơ) chứng giám! Anh nghĩ rằng anh có thể đi bán báo hoặc trải đá lát đường để đem về một vài đồng.
Đêlya đến ôm lấy cổ anh.
- Giô, anh yêu quý, anh thật là ngốc. Anh phải tiếp tục học chứ. Đâu có phải là em bỏ âm nhạc của em để đi làm một việc khác. Trong khi dạy là em cũng học rồi. Em vẫn luôn luôn gắn bó với âm nhạc đấy chứ. Với lại chúng ta có thể sống sung sướng như những nhà triệu phú với mười lăm đô la một tuần, anh ạ. Anh không được nghĩ đến chuyện bỏ ông giáo sư đâu đấy.
- Được rồi - Giô nói, tay với lấy cái đĩa đựng rau hình vỏ sò màu lam - nhưng anh không thích để em đi dạy học tí nào. Đấy không phải là Nghệ thuật. Nhưng em làm như vậy thật tốt và đáng quý.
- Khi người ta yêu Nghệ thuật thì không có việc gì khó - Đêlya nói.
- Giáo sư rất khen cảnh trời anh vẽ trong bức phác họa của công viên. - Giô nói. - Và Tinkơn đã đồng ý cho anh treo hai bức tranh trong cửa hàng của hắn. Anh có thể bán được một nếu gặp đúng một thằng cha giầu tiền ngu ngốc.
- Em tin chắc anh sẽ bán được. - Đêlya dịu dàng nói. - Và bây giờ thì ta hãy tỏ lòng biết ơn đại tướng Pinkin và món bê quay này đi.
Suốt một tuần sau đó, vợ chồng nhà Larabi ăn lót dạ rất sớm. Giô rất hào hứng về những bức hoạ cảnh ánh sáng ban mai anh đang vẽ ở công viên Trung tâm, và Đêlya gói ghém đồ lề cho anh đi vào lúc bảy giờ sau khi anh đã ăn lót dạ, đã được vuốt ve, khen ngợi và hôn hít. Nghệ thuật là một người tình quyến rũ. Thường là bảy giờ tối anh mới về đến nhà.
Đến cuối tuần, Đêlya kiêu hãnh một cách đáng yêu, nhưng hơi mệt mỏi hoan hỉ tung ba tờ năm đô la xuống cái bàn dài rộng 8x10 insơ. Ở giữa căn phòng dài rộng 8x10 bộ. Cô nói, giọng hơi mệt mỏi:
- Thỉnh thoảng Clêmentina cũng làm em vất vả. Em sợ cô ta không luyện tập chăm chỉ nên cứ phải nhắc đi nhắc lại mãi nhiều quá. Vả lại cô ta lúc nào cũng mặc toàn đồ trắng, mãi cũng hoá nhàm. Nhưng đại tướng Pinkin thì thật là một ông già đáng yêu vô cùng. Ước gì anh sẽ quen ông ta, anh Giô ạ, khi em với Clêmentina ngồi ở dương cầm. Thỉnh thoảng ông ta cũng vào - ông ta goá vợ, anh biết không, - và cứ đứng đó bứt bứt chòm râu cằm bạc trắng. Lần nào ông ta cũng hỏi: "Thế nào các móc đơn, móc kép tiến đến đâu rồi?".
Em muốn anh được trông thấy các ván lát tường trong cái phòng khách ấy, anh Giô ạ. Và cũng những rèm cửa bằng thảm Axtrakan nữa. Clêmentina có một lối ho nhỏ nhẹ rất nhẹ rất buồn cười. Em mong cô ta thực sự khoẻ hơn cái vẻ bề ngoài của cô ta. Ồ, thực tình là em đã mến cô ấy rồi, cô mới ngoan làm sao và lại có giáo dục nữa. Anh của đại tướng Pinkin đã có lần làm đại sứ ở Bôlivi đấy.
Và thế là Giô với bộ điệu của một bá tước Môngttê Crixtô (Vai chính trong truyện Bá tước Môngttê Crixtô của A. Duyma bố) rút ra tờ mười đô la, một tờ năm đô la, một hai và một tờ một - toàn những tờ giấy bạc mềm mại của nhà nước, rồi đặt chúng cạnh tiền của Đêlya
- Bán được bức thuốc nước vẽ cái tháp cho một người ở Pêoryan (Thành phố bang Ilinoi - Mỹ, trung tâm một vùng giàu có về nông nghiệp và than đá) - anh oai vệ tuyên bố.
- Anh đừng có đùa em - Đêlya nói - không phải ở Pêoryan!
- Ở xa thật đấy. Anh muốn em trông thấy hắn, Đêlya ạ. Người béo phị với một cái bao ủ tay bằng len và một cái tăm bằng lông ngỗng. Hắn trông thấy bức tranh ở cửa hàng Tinkơn và mới đầu lại tưởng là cái cối xay gió.Tuy nhiên hắn cũng hăng và cứ mua. Hắn đặt mua thêm một bức nữa, một bức sơn dầu vẽ kho hàng ở Lachaoana để mang về quê. Chứ những bài dạy nhạc ấy à ! Ồ, anh thiết tưởng trong tranh của anh ít ra cũng vẫn còn có Nghệ thuật.
- Em rất vui thấy anh vẫn tiếp tục vẽ - Đêlya vồn vã nói. - Nhất định anh sẽ thành công, anh thân yêu ạ. Ba mươi ba đô la! Trước kia chúng mình chẳng bao giờ có nhiều tiền như thế mà tiêu nhỉ? Tối nay chúng ta sẽ ăn sò.
- Và thăn nõn nấu nấm, - Giô nói, - Cái đĩa ăn ôliu đâu rồi?
Tối thứ bảy sau, Giô về nhà trước tiên. Anh bày mười tám đô la là của anh lên bàn tiếp khách và đi rửa cái gì như sơn đen bám đầy tay anh.
Nửa giờ sau, Đêlya về đến nhà, bàn tay phải bọc trong một mớ giẻ và băng chẳng ra hình thù gì. Sau những câu chào hỏi thường lệ Giô hỏi:
- Sao thế này?
Đêlya cười nhưng không vui lắm.
- Sau giờ học, - cô giải thích, - Clêmentina cứ đòi ăn món thỏ nấu theo kiểu xứ Uên. Con bé tính nết đến kỳ quặc. Đòi ăn thỏ kiểu xứ Uên vào lúc năm giờ chiều! Đại tướng cũng có ở đấy. Giá mà anh được trông thấy ông ta chạy đi tìm cái lò hầm, Giô ạ, cứ như không có một người đầy tớ nào trong nhà ấy. Em biết Clêmentina không được khoẻ, cô ta lẩy bẩy lắm. Khi tiếp món thỏ đang nóng sôi sùng sục, cô ta đánh đổ tung toé vào bàn tay và cổ tay em. Đau ghê lắm anh Giô ạ. Và cô bé đáng yêu mới ân hận làm sao chứ! Còn Đại tướng Pinkin thì anh Giô ạ, ông già ấy gần như phát điên phát cuồng. Ông ta đâm bổ xuống cầu thang và sai người - họ bảo đấy là người đốt lò hay một người nào đó làm việc ở tầng hầm hôm ấy - ra hiệu thuốc mua dầu và các thứ để buộc tay cho em. Giờ thì đỡ đau lắm rồi.
- Cái gì thế này? - Giô hỏi, vừa âu yếm cầm lấy bàn tay cô vừa kéo ra mấy dải giẻ trắng ở dưới băng.
- Đấy là một lần lót mềm gì đó, Đêlya nói. - Có tẩm dầu. Ồ, anh Giô, anh lại bán được một bức tranh nữa đấy à? - Cô đã trông thấy tiền ở trên bàn.
- Anh ấy ư? - Giô nói. - Em cứ hỏi cái người ở Pêoryan ấy. Hắn đã lấy cái tranh kho hàng hôm nay rồi, và hắn không nói chắc, nhưng có lẽ hắn muốn mua thêm một bức vẽ cảnh công viên nữa và một bức vẽ cảnh trên sông Hôtxơn (Hudson: tên con sông chảy qua Niu Yóoc). Chiều nay em bị bỏng vào lúc mấy giờ, Đêlya?
- Hình như năm giờ thì phải, - Đêlya rên rỉ nói. - Cái bàn là, à quên cái món thỏ ấy ra khỏi lò vào cái quãng đó. Anh mà trông thấy Đại tướng Pinkin anh Giô ạ, lúc…
- Đêlê, em hãy ngồi xuống đây một lát đã, - Giô nói. - Anh kéo vợ ra chiếc trường kỷ, ngồi xuống bên cạnh cô và quàng tay lên vai cô.
- Đêlê, hai tuần qua em làm gì? - Anh hỏi.
Cô còn ra gan được một lúc, mắt đầy vẻ yêu đương và bướng bỉnh, lí nhí nói một hai câu vớ vẩn về đại tướng Pinkin; nhưng rồi, cuối cùng, đầu cô gục xuống và sự thật cùng nước mắt đã tuôn ra.
- Em chẳng tìm được một học trò nào cả, - cô thú nhận. - Song em không thể chịu để anh phải bỏ học, và em đã xin được một chân là sơ mi tại xưởng giặt là lớn ở phố Hai mươi bốn. Em cho rằng bịa chuyện đại tướng Pinkin và Clêmentina là rất khôn phải không Giô? Và chiều nay, lúc một cô thợ đặt cái bàn là nóng trúng tay em thì suốt dọc đường đi về nhà em chỉ nghĩ đến cách dựng lên câu chuyện về món thỏ xứ Uên. Anh không giận chứ, anh Giô? Với lại nếu em không kiếm được việc làm thì anh đã không bán được mấy bức tranh của anh cho cái lão ở Pêoryan.
- Hắn không phải là người Pêoryan đâu,- Giô chậm rãi nói.
- Thôi được, hắn ở đâu cũng vậy, chẳng cần. Anh tài thật, anh Giô ạ…và…hôn em đi đã, anh Giô. Làm thế nào mà anh lại nghi là em không dạy nhạc cho Clêmentina?
- Cho tới tối nay anh vẫn không nghi ngờ gì cả. Và có lẽ anh cũng sẽ không nghi ngờ gì nếu, chiều nay, không phải chính tay anh đã gửi chỗ bông vụn và dầu này từ buồng máy lên cho một cô gái ở tầng bên bị bỏng tay vì bàn là. Hai tuần nay anh làm công việc đốt lò cho xưởng giặt ấy.
- Thế ra anh không…
- Người ỏ Pêoryan mua tranh của anh, - Giô nói - và đại tướng Pinkin đều là hai sáng tác của cùng một nghệ thuật. Nhưng ta sẽ không gọi Nghệ thuật đó là hội hoạ hay âm nhạc.
Và thế là cả hai cùng cười vang và Giô bắt đầu nói:
- Khi người ta yêu Nghệ thuật thì không có việc gì…- Đêlya vội đặt tay lên môi anh để chặn anh lại.
- Không, - cô nói - chỉ cần khi người ta yêu thôi là đủ.
Ngô Vĩnh Viễn dịch.