Chị em cho rằng đừng bao giờ mơ một cuộc sống vợ chồng không cãi cọ. Còn cánh đàn ông thì ao ước giá như vợ không bao giờ cáu kỉnh, bẳn gắt. Sự thực là mọi stress trong gia đình đều có thể được giải tỏa bởi chính người vợ.
Nghĩ trước khi phản ứng
Các đức ông chồng rất ngại khi vợ nói “không” một cách rành rọt. Điều đó có nghĩa làmọi việc gần như chấm hết và miễn bàn tiếp. Mọi việc đều có thể giải quyết trên cơ sở hai cái đầu cùng chung một ý tưởng. Thay vì nói: “Em không có tiền để anh mua xe mới đâu”, khiến anh chồng chưng hửng, hãy tìm ra một nguồn hy vọng cho mong ước thay cái xe cũ của anh ấy. Có thể là: “Hay xem vay tạm ai đó ít tiền, rồi chúng mình tiết kiệm trả dần” vừa nhẹ nhàng hơn mà lại giải quyết được cả việc mua xe lẫn căng thẳng giữa hai người.
Hãy chuyển từ “em” sang “chúng ta” và lôi chồng vào cuộc để đối đầu với những rắc rối trong gia đình. Điều này kích thích cả hai cùng suy nghĩ cách giải quyết vấn đề và tăng cường sự chia sẻ với nhau. Nếu càng hạn chế được từ “không” khi đối thoại với chồng thì bạn càng có cơ hội để nhận được sự giúp đỡ, chia sẻ của anh ấy.
Giao tiếp để nối nhịp cầu bao giờ cũng tốt hơn là xây nên bức tường ngăn cách. Hãy nhớ bạn chỉ nên đề nghị, thỉnh cầu chứ đừng đòi hỏi đối tác.
Anh ấy sẽ sẵn sàng giúp bạn đón con, nấu cơm, nếu bạn nói rằng “Hôm nay em nhiều việc quá, anh giúp em đón con nhé!”, chứ không phải là “Anh phải về sớm đón con đấy. Đừng để nó khóc hết nước mắt như hôm trước”. Thỉnh cầu thì dễ đạt được mục đích còn đòi hỏi thì dễ thất bại.
Nói ra những cảm nhận và đừng quên lắng nghe
Hãy nói cho chồng biết những cảm xúc, suy nghĩ của mình và lắng nghe những gì anh ấy nói, dù có thể chúng sẽ rất khác với suy nghĩ trong đầu bạn. Càng cảm thấy được chồng hiều, bạn sẽ càng dễ dàng loại bỏ stress và quan hệ vợ chồng ngày càng bền chặt. Có thể bạn phát ngán khi năm nào chồng cũng tặng mỗi một bông hồng trong ngày sinh nhật vợ. Nhưng nếu bạn không nói ra rằng em rất thích nước hoa chẳng hạn thì chẳng có ông chồng nào đoán nổi đâu. Khi cần chồng cởi mở hơn với bạn bè của vợ, hãy khéo léo nói rằng “bạn em bảo anh ít lời quá”. Khi mọi lời nói và hành động của người vợ đều thể hiện tinh thần xây dựng và sự tận tụy với gia đình, bạn sẽ dễ dàng “ghi điểm” với chồng hơn.
Suy nghĩ tích cực và đơn giản hóa vấn đề
Khi chồng từ chối đi siêu thị với bạn để bù khú với mấy ông bạn thân thì cũng đừng vội quy kết rằng anh ấy không còn yêu vợ. Hãy nghĩ đơn giản rằng thú tiêu khiển của anh ấy khác bạn. Thay vào đó, bạn phải cảm thấy sung sướng khi được thoải mái la cà shopping mà không bị ám ảnh bởi ông chồng chốc chốc lại nhìn đồng hồ và luôn miệng trả lời “Tùy em” khi bạn cần tham khảo ý kiến. Tinh thần AQ đôi khi giúp cuộc sống của bạn dễ chịu hơn. Những cặp vợ chồng vui vẻ, hạnh phúc thường là những người có suy nghĩ tích cực, đơn giản.
Không áy náy về những việc không thể làm khác
Mới sinh em bé, bạn không tự tay là quần áo hay lo bữa sáng chu đáo cho chồng được nữa. Những việc nhỏ nhặt như thế khiến nhiều chị em bứt rứt, cảm thấy có tội với chồng. Hãy dẹp bỏ ngay những lo lắng không đâu ấy bằng cách vài phút mỗi ngày, khi chỉ có hai người bên nhau tâm sự, hãy chia sẻ để cho anh ấy thấy bạn đang cố gắng không “bỏ rơi” anh ấy. Cái tội “quên chồng” ấy hoàn toàn có thể tha thứ và chồng bạn rất vui khi có thể tự làm việc gì đó cho bản thân để giúp vợ.
Tự cân bằng cuộc sống riêng
Để vui vẻ tận hưởng cuộc sống, bạn cần biết cân bằng giữa công việc, gia đình và các mối quan hệ xã hội. Chơi các môn thể thao ưa thích, tán gẫu với bạn bè, đi xem phim với chồng hay vui đùa với con là những cách giải tỏa stress hiệu quả. Lúc mới sinh con, chị em càng cần phải biết cách cân bằng thời gian cho em bé và lúc rảnh cho mình để thoát khỏi trạng thái trầm cảm sau sinh. Một đứa trẻ ra đời có thể thay đổi cuộc đời bạn nhưng không có nghĩa là bạn phải hy sinh tất cả mọi thú vui trên đời.
(Theo Sành Điệu)