Nếu không muốn hôn nhân tan vỡ hoặc trở thành những thói quen nhàm chán, hãy làm ngược lại những điều sau đây.
1. Một trong hai người có những đòi hỏi quá nhiều ở người kia
Ngày càng có nhiều phụ nữ tâm đắc với quan niệm “bây giờ anh ấy là chồng mình, anh ấy phải có trách nhiệm làm cho mình hạnh phúc”. Theo họ, người chồng phải kiếm đủ tiền nuôi gia đình, phải là người cha tận tuỵ và phải đáp ứng được yêu cầu tình dục của vợ. Một khi các ông chồng không hoàn thành được những “nhiệm vụ” trên, các bà vợ sẽ trừng phạt bằng “sự im lặng đáng sợ” hoặc cho các ông chồng mọc sừng.
Nhưng không chỉ phụ nữ mới có những đòi hỏi. Nhiều anh chồng cũng có những yêu cầu quá đáng ở người vợ của mình. Họ đòi hỏi vợ phải là người nội trợ đảm đang, khéo léo nơi phòng khác và đương nhiên có cả “giao diện” dễ nhìn. Trong trường hợp bị thất vọng về những điều trên, có thể các ông chồng sẽ trừng phạt vợ bằng cách kiếm cho mình một cô bồ trẻ đẹp hơn.
2. Nói quá nhiều hoặc quá kiệm lời
Về giao tiếp vợ chồng, đôi khi bạn cần biết lúc nào không nên nói. Điều này đặc biệt đúng khi bạn bỗng dưng định nói gì đó tiêu cực với người bạn đời.
Nghiên cứu chỉ ra rằng sự khác nhau giữa các cặp vợ chồng hạnh phúc và những cặp “cơm không lành, canh không ngọt” là khả năng hai vợ chồng duy trì tỷ lệ 5-1: cứ 5 cuộc chuyện trò tích cực thì có 1 cuộc chuyện trò tiêu cực. Tất nhiên, không phải chúng ta ngồi tính toán các cuộc chuyện trò giữa hai vợ chồng, nhưng bạn nhất định phải biết mình đang chuyện trò tiêu cực hay tích cực để điều chỉnh.
3. Có thái độ không đúng về “chuyện ấy” của bạn đời
Có người tỏ thái độ khó chịu khi bạn đời đòi hỏi điều mà bản thân mình không muốn. Ngược lại, có người lại đòi hỏi bằng được cái mà bạn đời không đủ khả năng. Trong những trường hợp này thì chuyện ấy sẽ trở thành nỗi ám ảnh và dần dần sex sẽ bị lãng quên. Một trong hai người sẽ đi tìm “nguồn vui khác” hợp với “sở thích” của mình hơn.
4. Không có những cử chỉ yêu thương
Giao tiếp không chỉ dùng lời nói. Đôi khi chỉ một động chạm đơn giản cũng giúp ta “nói” được những điều mà từ ngữ không làm được.
Các nghiên cứu cho thấy, thậm chí một cái ôm trong 20 giây cũng tăng mức hoóc môn oxytocin ở cả nam và nữ (hoóc môn này giúp ta cảm thấy bình tĩnh và gắn kết với bạn đời). Đồng thời, oxytocin cũng làm tăng sự tin tưởng - một bước quan trọng trong việc phát triển mối quan hệ yêu thương.
Vì vậy, mỗi khi bạn không thể nhờ lời nói để bộc lộ tình cảm, hãy dành cho người bạn đời một cái ôm dài 20 giây nhé.
5. Đố kỵ với thành công của bạn đời
Thái độ này thường thấy ở những người chồng ích kỷ có trình độ học vấn hay khả năng kiếm tiền kém hơn vợ. Còn người vợ thì lo sợ chồng quá thành công sẽ không quan tâm đến mình nữa. Vì vậy họ ghen với tất cả những gì bao bọc xung quanh chồng: từ những cô thư ký đến các mối quan hệ của chồng.
6. Thờ ơ với những quan tâm lo lắng của bạn đời
Nhiều người vợ tâm sự: nhiều khi bày tỏ những lo lắng của mình về bản thân, con cái cho chồng nghe để chờ một lời an ủi động viên hoặc một lời góp ý chân thành thì chồng lại gạt đi: “Anh còn đang bận hàng trăm thứ việc đây này, thời gian đâu để lo lắng đến những việc khác nữa. Em tự mình giải quyết những việc nhỏ ấy đi”.
Sau câu nói ấy của chồng là cả một khoảng cách mới được tạo ra giữa vợ chồng.
7. Cố ý tỏ ra cho bạn đời thấy anh/cô không còn hấp dẫn với tôi nữa
Theo Sprai – chuyên gia tư vấn về các vấn đề hôn nhân gia đình cho biết: nếu bạn muốn chồng/vợ không yêu mình nữa, chỉ cần nói rằng những người đàn ông/phụ nữ khác hấp dẫn hơn, thông minh hơn và “yêu” giỏi hơn vợ/chồng mình.