Tất cả những ai đã bước vào cuộc sống hôn nhân đều thừa nhận rằng để giữ hạnh phúc bền lâu là một điều không dễ dàng. Có khi cả hai vợ chồng đều cùng cố gắng tạo ra một cuộc hôn nhân tốt đẹp nhưng nhiều lúc vẫn xảy ra những mâu thuẫn, xung đột, thậm chí là đổ vỡ. Những giai đoạn sau đây là một trong những nguyên nhân dễ gây rạn nứt hôn nhân, vấn đề là ở chỗ cần làm gì để vượt qua những giai đoạn ấy.
Khi công việc quá căng thẳng
Đó là khi một trong hai người từ cơ quan trở về với một trạng thái mệt mỏi, lo lắng bởi một núi công việc ở cơ quan. Trong lòng họ luôn có sự bồn chồn, bực dọc, do đó họ dễ sinh cáu gắt, không quan tâm đến mọi việc trong nhà muốn bỏ nhà đi… Lúc này, rất cần sự sẻ chia thậm chí là nín nhịn. Còn nếu như cả hai vợ chồng đều gặp căng thẳng trong công việc thì biện pháp tốt nhất là hãy tìm cách thay đổi không khí bằng những cuộc gặp gỡ bạn bè, vui chơi hoặc cả hai cùng đi tìm cho mình những nơi thật yên tĩnh để thư thái và cân bằng lại cuộc sống.
Khi đứa con chào đời
Tất nhiên khi đứa con chào đời sẽ mang đến cho hai người niềm hạnh phúc lớn lao, song cũng dễ gây cho cuộc sống vợ chồng những xung đột. Đó là khi người vợ quá mải mê với đứa con của mình mà không mấy bận tâm đến chồng, đến những việc trong nhà vốn luôn cần bàn tay phụ nữ. Việc này sẽ khiến người chồng chịu một áp lực tâm lý nặng nề khi vừa phải một mình giải quyết mọi việc vừa “tủi thân” bởi không còn là trung tâm của vợ nữa. Mối quan hệ giữa mẹ chồng nàng dâu về cách chăm sóc “cục cưng”, sự khác biệt giữa hai thế hệ. Nhất là khi người chồng luôn phải chạy ngược chạy xuôi để lo lắng cho đứa trẻ thì vô hình chung đứa trẻ trở thành nguyên nhân chia rẽ tình chồng vợ vốn gắn bó trước đây. Lời khuyên ở đây là các cặp vợ chồng hãy chuẩn bị mọi mặt về vật chất cũng như tâm lý khi đứa con chào đời.
Khi một trong hai người có vấn đề về sức khoẻ
Khi yêu nhau, một triệu chứng nhỏ của người yêu như sổ mũi, nhức đầu cũng khiến hai người bận tâm, chăm sóc nhau. Nhưng sau khi kết hôn, nhiều người thường bỏ qua vấn đề sức khoẻ của bạn đời, chỉ khi có những thông báo của bệnh viện về tình hình trầm trọng của vợ (chồng) mới khiến nhiều người hoảng hốt. Có nhiều cặp vợ chồng khi một trong hai người có sự cố về bệnh tật, họ thường phải chống chọi một mình và chỉ nhận được những câu hỏi qua loa của người kia. Chính lúc này tình cảm vợ chồng dễ bị nhạt phai và tổ ấm dễ hình thành những vết rạn. Do đó các cặp vợ chồng nên thường xuyên quan tâm chăm sóc đến vấn đề sức khoẻ của nhau và phải coi đây là vấn đề hàng đầu trong việc giữ gìn hạnh phúc gia đình…
Khi vấn đề tài chính trong nhà gặp khó khăn
Nhiều cuộc hôn nhân đi đến đổ vỡ khi kinh tế gia đình gặp những khó khăn, tổn thất. Một sự thật hiển nhiên là khi kinh tế khó khăn sẽ nảy sinh nhiều rắc rối, khó tháo gỡ trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Do đó, cặp vợ chồng dễ nảy sinh những xung đột, cãi vã, đổ lỗi cho nhau…Trong trường hợp này các cặp vợ chồng hãy bình tĩnh nhìn nhận vấn đề, từng bước giải quyết những khó khăn, nhờ người giúp đỡ…. Tuyệt đối không được buông lời xúc phạm nhau. Cả hai cần nghĩ về tình chồng vợ đã gắn bó với nhau và tin tưởng vào một tương lai tươi sáng hơn để từ đó quyết tâm xây dựng lại kinh tế gia đình…..
Khi một trong hai người bứơc vào giai đoạn thay đổi tâm sinh lý
Nhiều cặp vợ chồng đã chung sống với nhau đến lúc đầu hai thứ tóc nhưng vẫn một mực ra toà đòi ly hôn. Nguyên nhân không phải các lý do trên mà là bởi vấn đề tâm sinh lý của một trong hai người thay đổi. Ví dụ như phụ nữ bước vào thời kỳ mãn kinh thường khó tính, dễ cáu bẳn lại không tha thiết với chuyện chăn gối ngược lại người chồng lại bước vào giai đoạn “sung” nhất. Giữa hai người có sự khập khiễng như vậy nếu không tìm được phương án giải quyết tốt nhất thì cuộc sống vợ chồng sẽ bị coi là địa ngục. Do đó mỗi người cần hiểu rõ và thông cảm cho những quy luật tâm lý của bạn đời để biết cách chăm sóc, chiều chuộng nhau để hạnh phúc luôn nồng thắm và bền chặt….